Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn
16:30', 10/2/ 2004 (GMT+7)

Khu sản xuất bánh ngọt của cơ sở Ngọc Nga (ảnh: Ngọc Thái)

Đó là phương châm kinh doanh của anh Trần Đình Dũng, chủ cơ sở sản xuất bánh Ngọc Nga, một cơ sở sản xuất bánh khá nổi tiếng ở Bình Định. Đang làm việc trong một ngành có thu nhập cao và ổn định, Trần Đình Dũng đã quyết định từ bỏ công việc để chuyển sang một nghề hoàn toàn mới đối với mình: sản xuất bánh ngọt. Trải qua nhiều gian nan, anh đã thành công.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trần Đình Dũng về làm kế toán Sở Điện lực Bình Định. Công việc khá phù hợp nhưng anh muốn đầu tư sản xuất kinh doanh một công việc gì đó. Năm 1994, thấy thị trường bánh trung thu ở Quy Nhơn phát triển, anh đã nghĩ ra ý tưởng làm bánh trung thu để bán. Được sự ủng hộ của gia đình, anh mở một cơ sở sản xuất bánh cỡ nhỏ, quy mô chỉ 10 công nhân; sản phẩm chủ yếu cung cấp ở Quy Nhơn và các huyện lân cận. "Vạn sự khởi đầu nan", sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, mẫu mã chưa bắt mắt, nên nhiều lúc phải chịu lỗ do hàng bị ế. Anh Dũng tâm sự: "Không hiểu sao trong những lúc như vậy tôi không nản lòng, luôn nuôi hy vọng và quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng, và tin rằng mình sẽ thành công". Anh vừa nghiên cứu, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm làm bánh trung thu của những người Hoa ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh, đi khảo sát nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách hàng để cải tiến sản phẩm cho phù hợp. Và rồi, sự chịu khó kiên trì học hỏi của anh đã được đền đáp. Khách hàng đã tín nhiệm và dùng sản phẩm do cơ sở của anh làm ra.

Không thỏa mãn và dừng lại với kết quả đã đạt được, ba năm sau ngày vào nghề, khi đã dành dụm thêm được một ít vốn và thị trường cũng đã ổn định, anh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Anh hoạch định phương án: Không chỉ sản xuất một mặt hàng bánh trung thu, thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Lần mở rộng quy mô sản xuất này của anh khá thuận lợi, vì anh đã có nhiều kinh nghiệm và trong tay có một đội ngũ lao động kỹ thuật tay nghề cao. Bên cạnh đó, anh cũng liên tục nghiên cứu nhu cầu của khách hàng để sản xuất những sản phẩm phù hợp nhất. Sản phẩm do cơ sở của anh làm ra không ngừng tăng về kiểu dáng, chủng loại, số lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đến nay, cơ sở của anh đã sản xuất hơn 100 loại bánh ngọt và bánh trung thu, thị trường mở rộng ra các tỉnh lân cận: Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế…

Anh Trần Đình Dũng cho biết: "Trong sản xuất làm ăn, để xây dựng được uy tín thương hiệu là rất khó. Bởi vậy, tôi không chạy theo lợi nhuận mà luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm". Điều đó được minh chứng bằng việc gần đây nhất, khi tình hình dịch cúm gà bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện ở Bình Định, anh đã nhanh chóng thay nguyên liệu từ trứng gà sang nguyên liệu bằng bột trứng gà được nhập về từ Bỉ. Theo anh, bí quyết kinh doanh là: "Giá vừa phải nhưng đông khách. Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu nhiều".

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Diêm Tiêu hôm nay   (09/02/2004)
Vĩnh Thạnh xuân này...  (08/02/2004)
Du lịch Bình Định: Khởi động đầu năm   (06/02/2004)
Dịch cúm gà đang lan nhanh, tác hại ngày càng lớn   (05/02/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà  (04/02/2004)
Vài nét về những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật của Bình Định   (03/02/2004)
Nhiều hộ chăn nuôi xin tiêu hủy đàn gia cầm   (03/02/2004)
Phòng chống dịch cúm gà: Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt   (02/02/2004)
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"  (01/02/2004)
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)