|
Sản xuất hàng lâm sản xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lâm sản 19 |
Năm 2003, giá trị xuất khẩu hàng lâm sản của tỉnh Bình Định đạt trên 80 triệu USD, bằng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực sản xuất, từng bước hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế...
Năm 2003, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu các mặt hàng lâm sản của các DN trong tỉnh. Ngoài ra, các DN còn phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt để có được chỗ đứng trên thị trường.
Trước tình hình như vậy, các DN chế biến các mặt hàng lâm sản xuất khẩu đã tập trung đầu tư vào công tác xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường thông qua các hình thức như tham gia các hội chợ, mở văn phòng giao dịch trong và ngoài nước… Nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, thu hút được sự quan tâm của nhiều DN nước ngoài, và có nhiều đối tác ký kết làm ăn lâu dài. Bên cạnh việc xúc tiến thương mại, các DN tỉnh Bình Định còn chú trọng đầu tư các trang thiết bị sản xuất tiên tiến, hiện đại và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (COC) về nguồn gốc, lý lịch mặt hàng gỗ. Việc áp dụng COC không những giúp các DN sản xuất chế biến mặt hàng gỗ nâng cao năng lực sản xuất, xuất nhập khẩu, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng, nhiều mẫu mã mang tính cạnh tranh cao, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng mà còn góp phần hạn chế được nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Nhờ đó, ngoài thị trường tiêu thụ các sản phẩm lâm sản xuất khẩu với số lượng lớn như: Anh, Pháp…, các DN còn mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước: UAE, Croatia, Slovakia và một số thành viên EU. Năm 2003, toàn tỉnh có 19/42 DN chế biến lâm sản đạt giá trị xuất khẩu từ 1 triệu USD trở lên; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng lâm sản gần 80,2 triệu USD, đạt 143,2% kế hoạch.
Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản năm 2003 đạt cao là do các DN biết đầu tư đúng hướng, biết mở rộng và khai thác thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, để giúp các DN trong tỉnh hoạt động có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ cho các DN về việc cấp giấy phép xuất khẩu; tổ chức hội thảo, tập huấn về thị trường và kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển ngành hàng; cho vay vốn ưu đãi và đặc biệt là hỗ trợ cho các DN xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn An Điềm, Tổng giám đốc Công ty sản xuất đầu tư xuất nhập khẩu (PISICO) Bình Định, cho biết: "Trong năm 2003, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường sang một số nước EU, Mỹ… Hiện nay nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lâm sản trên thế giới ngày càng cao; đầu ra của các mặt hàng lâm sản của các DN trong tỉnh nói chung, và công ty nói riêng, trong năm 2004 sẽ dễ dàng hơn trước nhiều. Tuy nhiên, để tạo mối quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác nước ngoài, chúng tôi phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng mẫu mã và làm tốt công tác xúc tiến thương mại".
Trong thời gian qua, các DN trong tỉnh đã có sự đầu tư chiều sâu về chất lượng, mẫu mã các mặt hàng lâm sản và đã tạo được chữ tín với khách hàng, nên ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách hàng nước ngoài đến ký kết làm ăn với các DN trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất. Mục tiêu của tỉnh Bình Định đến năm 2005, phấn đấu nâng giá trị xuất khẩu hàng lâm sản lên 100 triệu USD. Thị trường xuất khẩu các mặt hàng lâm sản trên thế giới đã và đang chuyển biến theo hướng tích cực, cộng với sự nỗ lực của các DN, hy vọng tỉnh Bình Định sẽ sớm đạt được mục tiêu trên.
. Phạm Tiến Sĩ |