Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế
16:39', 13/2/ 2004 (GMT+7)

Soi cảm quang kiểm tra chất lượng dịch truyền tại Bidiphar (ảnh: Cát Hùng)

Hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) tạo ra cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với mỗi quốc gia nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều mới có đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. Xin giới thiệu một số ý kiến của các doanh nghiệp trong tỉnh xung quanh vấn đề hội nhập KTQT.

* Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định:

Để cùng cả nước hội nhập vào nền KTQT, Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định sẽ thiết lập hệ thống quản lý tập trung vào chất lượng và hướng vào khách hàng bằng cách tiếp tục duy trì và cải tiến hệ thống GMP của ASEAN; hệ thống quản lý chất lượng của công ty theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000. Công ty sẽ phấn đấu trong vòng 2-3 năm tới đạt cho được tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM. Đồng thời chúng tôi sẽ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng dược phẩm như: đánh giá độ ổn định của thuốc, thử nghiệm tương đương sinh học, sinh khả dụng… Tiếp đến là đầu tư vào nguồn lực con người bao gồm chuyên môn và ngoại ngữ để nắm bắt các yếu tố thay đổi khi hội nhập. Ngoài ra còn phải năng động trong việc khai thác kẽ hở thị trường, tận dụng lợi thế và hạn chế các bất lợi trong quá trình hội nhập.

* Ông Phạm Ngọc Liễn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đường Bình Định:

Trong những năm qua, không chỉ riêng Bình Định, mà nhiều địa phương trong cả nước đã khẳng định mía là cây xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngành mía đường đã thật sự tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Tuy hiện nay đang diễn ra sự cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường nội địa, nhưng tôi cho rằng đó là sự đấu tranh để tồn tại và phát triển. Do đó, đòi hỏi phải sắp xếp lại nội bộ ngành một cách hợp lý hơn trên cơ sở có sự điều hành, quản lý vĩ mô của Nhà nước. Cái khó là thiết bị, công nghệ của ngành mía đường chưa phải là tiên tiến; trình độ quản lý của một bộ phận cán bộ và trình độ chuyên môn của đại bộ phận công nhân còn non yếu; năng suất, chất lượng mía chưa cao nên khả năng cạnh tranh gặp nhiều khó khăn.

Để mía đường Bình Định có thể đứng vững trên thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO, tôi nghĩ rằng chúng tôi phải tập trung nghiên cứu khai thác những lợi thế và khắc phục những khó khăn đã nêu trên. Trước hết cần cân đối nguồn vốn, phân kỳ đầu tư. Thời kỳ đầu lấy đường mía làm trung tâm, tập trung đầu tư sản xuất- kinh doanh các sản phẩm sau đường như cồn, phân vi sinh, ván ép từ bã mía… Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, tạo cho được vùng nguyên liệu mía ổn định với năng suất, chất lượng cao và theo đó xây dựng chính sách đầu tư cho những vùng nguyên liệu lâu dài. Không những chỉ bao tiêu sản phẩm chính là mía nguyên liệu, mà còn phải bao tiêu chế biến các sản phẩm xen canh, luân canh đối với mía như mì, bắp, đậu… Có như vậy mới tạo cho nông dân yên tâm sản xuất và sản xuất có hiệu quả. Đồng thời công ty sẽ tiếp tục đào tạo nhân lực trên tất cả các lĩnh vực quản lý, quản trị doanh nghiệp, tiếp thị, xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và các chuyên môn nghiệp vụ khác; tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất đường nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm bảo đảm cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.

* Bà Bùi Thị Thanh Vân - Tổng Giám đốc Công ty Giày Bình Định:

Công ty chúng tôi đã xây dựng cho mình một kế hoạch để cùng cả nước bước vào hội nhập KTQT.

Trước hết về chính sách sản phẩm: Chúng tôi nghiên cứu thu thập thông tin về các chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp đang xuất khẩu với nhu cầu của thị trường và sự cạnh tranh của một số nước khác trong khu vực. Bên cạnh các thị trường sẵn có, doanh nghiệp chúng tôi tìm hiểu để xâm nhập và mở rộng thêm một số thị trường tiềm năng; đồng thời chúng tôi sẽ thay dần các sản phẩm có giá trị xuất khẩu thấp bằng các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao hơn. Để làm được việc đó chúng tôi đang đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại; xây dựng mới và mở rộng thêm nhà xưởng, tạo môi trường làm việc thật tốt cho người lao động phù hợp với yêu cầu của một nền sản xuất tiên tiến. Đối với đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất, chúng tôi sẽ mở các lớp trung cấp và cao đẳng kỹ thuật chuyên về giày dép cho hơn 100 người trong năm 2004-2005, thông qua sự liên kết với các trung tâm đào tạo của tỉnh và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hàng năm công ty sẽ tổ chức đào tại tạo chỗ và thi nâng bậc cho hàng trăm công nhân trong toàn công ty. Với cán bộ quản lý, doanh nghiệp sẽ thường xuyên cử đi đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn dài hạn, ngắn hạn và bồi dưỡng chuyên đề về luật quốc tế, về khả năng thương thuyết, đàm phán, giao dịch với các đối tác… Chúng tôi luôn xác định: Việt Nam muốn hội nhập vào nền KTQT thì trách nhiệm trước hết phải là sự chuẩn bị đầy đủ của các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu phải đi tiên phong.

* Bà Võ Thị Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng:

Theo tôi, hội nhập KTQT và việc gia nhập WTO là mục tiêu hàng đầu cho sự phát triển nền kinh tế toàn diện của đất nước. Đây là cơ hội lớn cho sự thúc đẩy mạnh nền công nghiệp hiện đại và phát huy nội lực những lợi thế tiềm năng tài nguyên sẵn có của đất nước ta. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, cũng như chuyển đổi công nghệ hiện đại. Song chúng ta cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức khi phải đối đầu cùng với các nước tiên tiến, với công nghệ hiện đại và tổ chức đa dạng hóa toàn cầu…

Trước những khó khăn nêu trên, để trụ vững và đối mặt với thương trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như Công ty TNHH Quốc Thắng nói riêng, cần phải có cách nhìn xa rộng khắp; không ngừng phát huy mọi mặt, như củng cố cán bộ nòng cốt quản lý - kỹ thuật sẵn có, mà còn cần phải đầu tư đào tạo lớp tri thức trẻ để kế thừa. Bên cạnh đó còn là việc xây dựng hệ thống quản lý vững mạnh với một lực lượng lao động chuyên nghiệp và đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao; hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã phong phú, mở rộng nhiều hình thức quảng cáo và tiếp thị trên toàn cầu.

Đây là những việc mà Công ty TNHH Quốc Thắng đã và đang thực hiện, tạo tiền đề vững chắc cho hội nhập KTQT và gia nhập WTO.

. Hà Văn Sâm - thực hiện

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)
Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn   (10/02/2004)
Diêm Tiêu hôm nay   (09/02/2004)
Vĩnh Thạnh xuân này...  (08/02/2004)
Du lịch Bình Định: Khởi động đầu năm   (06/02/2004)
Dịch cúm gà đang lan nhanh, tác hại ngày càng lớn   (05/02/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà  (04/02/2004)
Vài nét về những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật của Bình Định   (03/02/2004)
Nhiều hộ chăn nuôi xin tiêu hủy đàn gia cầm   (03/02/2004)
Phòng chống dịch cúm gà: Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt   (02/02/2004)
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"  (01/02/2004)
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)