Cư dân ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội: Khó khăn và hy vọng
16:46', 15/2/ 2004 (GMT+7)

Công trường thi công tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội

Đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đã chuẩn bị vươn qua nhánh thứ 3 của sông Hà Thanh. 22 hộ dân tổ 49, khu vực 9, phường Đống Đa sắp phải đối mặt với một thực tế: đường vượt qua sông sẽ cắt đứt đường vận chuyển nước sinh hoạt hàng ngày của bà con ở đây. Tuy nhiên họ cũng được nhen nhóm nhiều hy vọng.

* Khó khăn phát sinh

Đã bao đời nay, người dân tổ 49 khu vực 9 phải chịu nhiều cơ cực vì thiếu nước. Từ ngày được dùng nước do các ghe tư nhân lấy từ các khe núi bên Hội Lộc (Nhơn Hội), bà con đã có nước dù phải mua với giá khá cao. Nhưng khi con đường băng qua lạch sông, nguồn nước này cũng sẽ không đến được với người dân. Từ sáng sớm ngày 29-1, bà con đã tụ tập rất đông trước con lạch nơi tuyến đường tiếp xúc. Bà Nguyễn Thị Nga, 63 tuổi, băn khoăn: "Đứt nước, dân lại khổ rồi!" Còn anh Lý thì bức xúc: "15 ha đìa nuôi tôm, nuôi cua của chúng tôi sẽ bí nước đây!". Cụ Võ Thanh Tùng, 73 tuổi thì chắp hít: "Bà con thôn này sống bằng nghề làm muối, muối chín vận chuyển bằng ghe vào phía trong để bán. Nếu con lạch bị cắt, chúng tôi sẽ mất đường chuyên chở muối!". Trước sự đe dọa đời sống của mình, không ít người đã tỏ ra lo lắng.

Đây không phải là sự cố đầu tiên trong quá trình thi công cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Ngày 28 Tết vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên và Phạm Thị Sứt đã phải sống trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi con đường sắp sửa vượt qua ngôi nhà của mình. Các chị không cản trở việc thi công nhưng không muốn tháo dỡ nhà trước Tết vì cũng như bao gia đình người Việt khác, ngôi nhà là nơi mọi thành viên trong gia đình sum vầy đón Tết. Tiền đền bù giải tỏa nhà tuy các gia đình đã nhận nhưng họ lại chưa được phân đất ở mới tại khu quy hoạch đông Võ Thị Sáu (phường Nhơn Bình) vì khu quy hoạch này chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng.

Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết: "Có 295 hộ dân ở khu vực 7, khu vực 9 của phường bị ảnh hưởng từ dự án này. Trong đó, có 147 hộ làm muối phải giải quyết đền bù sản lượng muối năm 2003 và tương lai họ sẽ bị thu hồi ruộng muối và chuyển đổi nghề nghiệp, 17 hộ bị giải tỏa mặt nước nuôi trồng thủy sản, 29 hộ sản xuất muối phải đình chỉ hoạt động, 26 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, đất ở và 24 hộ bị giải tỏa trắng đất và nhà ở… Việc giải quyết đền bù đến nay đã cơ bản hoàn tất".

* Bức xúc chuyển chỗ, chuyển nghề

Cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội là công trình nối liền TP Quy Nhơn với khu đô thị mới Nhơn Hội. Theo thiết kế, công trình sẽ bao gồm việc xây dựng tuyến đường dài 6.960m gồm đường dẫn phía Quy Nhơn từ ngã ba Đống Đa trở ra dài 3.024m, phía Nhơn Hội giao với điểm cuối tuyến dài 788m. Ngoài ra còn 2 nhánh đường rẽ về phía Khe Đá Sứ và phía Cảng Nhơn Hội. Cầu chính vượt đầm Thị Nại dài 2.477m và 5 cầu vượt các nhánh sông Hà Thanh với tổng chiều dài 671m. Đến phường Đống Đa trong thời gian thi công tuyến đường, chúng tôi đã bắt gặp hàng loạt những bức xúc của người dân về đời sống, việc làm. Hàng loạt người đã và sẽ phải rời bỏ nghề làm muối đã gắn bó từ bao đời để tìm một cơ hội sinh nhai mới còn quá mơ hồ bởi trình độ văn hóa thấp và tuổi tác. Nhiều gia đình bị giải tỏa trắng đất đai, nhà cửa trong khi chưa được bố trí chỗ ở mới. Tại khu vực đang thi công, đường sá bị cưa cắt, đất đá vương vãi, động cơ xe đổ đất, xe ủi suốt ngày ầm ào; môi trường bị ô nhiễm bởi tiếng ồn và bụi bặm khiến người dân ven đường này càng chịu nhiều bức xúc. Để đảm bảo tiến độ con đường, gia đình chị Quyên, chị Sứt đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa trước sự động viên của chính quyền địa phương và phải ở nhờ bà con, xóm giềng trong những ngày Tết.

* Vì ngày mai

Tôi nhận ra một người đàn ông mặc chiếc áo kẻ sọc cũ sờn được một vài người dân gọi tên là Ba từ sáng đến giờ cứ chộn rộn bên con đường đất mới đổ. Ông Ba luôn mồm nhắc đến ngày mai khi con đường hoàn tất, ông sẽ chạy xe bon bon trên đường này để về đến tận ngõ nhà mình. Ông sẽ mở một xưởng sản xuất muối công nghiệp với những dây chuyền hiện đại, cho năng suất và chất lượng muối cao. Rồi những đứa trẻ khu vực 9, mặc áo trắng đeo khăn quàng đỏ kia sẽ được đi học trên con đường lớn trải nhựa, quên đi những năm tháng lấm lem bùn đất. Phụ nữ khu vực 9 gánh hàng ra chợ không phải "sang ghe". 476 hộ dân khu vực 9 phường Đống Đa "sở hữu" 384 ha đất, chủ yếu là đầm phá, kênh rạch, ruộng muối… nên đã bao đời nay "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mà không giàu được. Cây cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội đi qua là cơ hội đổi đời bởi thế trong lòng mỗi người khu vực 9 nơi đây dù ít hay nhiều đều có sự cảm nhận rất rõ về điều này.

. Ngọc Quỳnh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế  (13/02/2004)
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)
Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn   (10/02/2004)
Diêm Tiêu hôm nay   (09/02/2004)
Vĩnh Thạnh xuân này...  (08/02/2004)
Du lịch Bình Định: Khởi động đầu năm   (06/02/2004)
Dịch cúm gà đang lan nhanh, tác hại ngày càng lớn   (05/02/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà  (04/02/2004)
Vài nét về những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật của Bình Định   (03/02/2004)
Nhiều hộ chăn nuôi xin tiêu hủy đàn gia cầm   (03/02/2004)
Phòng chống dịch cúm gà: Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt   (02/02/2004)
"Từ núi cao tới biển cả - Các vùng đất ngập nước luôn luôn vì chúng ta"  (01/02/2004)
Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?  (30/01/2004)
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)