|
Cầu treo vào làng O5 |
Đến làng O5 (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh) ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là con đường mới mở, dẫn từ cầu treo đến cuối làng. Bá Thoát - thôn trưởng O5 vui vẻ cho biết: "Trước đây giao thông cách trở, bà con đi lại khó khăn, còn hôm nay đường sá được làm mới, cuộc sống của dân làng đã đỡ khổ hơn rất nhiều, sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhanh hơn, được giá hơn nhờ đã có đường, có cầu qua sông…".
Nhìn từ trên cao, làng O5 nằm lọt thỏm trong thung lũng Kon Trinh. Năm 2002, cầu treo O5 bắc qua sông Kôn được xây dựng, tạo điều kiện cho ngôi làng vùng cao này phát triển. Năm 2003, từ nguồn vốn đầu tư tập trung, tỉnh đã đầu tư 1,4 tỉ đồng cho dự án nâng cấp đường giao thông làng O5, gồm 800m đường từ cầu treo đến sông Trinh, bao gồm cả 2 cây cầu có tổng chiều dài 48m. Thêm vào đó, nguồn vốn chương trình 135 tiếp tục đầu tư 423 triệu đồng làm mới hơn 1km đường nội bộ của làng… Có cầu, có đường, giao thông thông thoáng, bà con dân làng phấn khởi, động viên nhau làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Bá Kiên - Phó Chủ tịch xã Vĩnh Kim cho biết: "Từ sự quan tâm của Nhà nước, cùng với việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đến việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, nhờ đó mà bà con học hỏi được cách làm ăn để cải thiện cuộc sống. Trước đây việc vận động bà con sử dụng phân bón cho cây trồng cũng là một việc hết sức khó khăn. Còn bây giờ bà con đã biết tự tìm mua các giống mới cao sản để gieo trồng. Nhờ biết thay đổi tập quán sản xuất nên năng suất cây trồng vật nuôi ngày càng được nâng lên, đời sống của đa số bà con đã được ổn định".
Những ai đã có dịp đến làng O5 cách đây chừng hai năm, giờ trở lại chắc hẳn sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi diệu kỳ của vùng cao này. Hôm chúng tôi đến, mí Rương đang đảo lúa ngoài sân. Mí Rương khoe năm nay thu được nhiều lúa, nhà mình lo đủ cái ăn rồi! Trong vụ này, ngoài 7 tạ lúa rẫy, gia đình mí còn thu hơn hai tấn bắp. Còn mí Thúy, chỉ cách đây một năm vẫn còn thuộc diện hộ đứt bữa vì đông con, nhà lại ít lao động, nay nhờ được hướng dẫn cách làm ăn nên giờ gia đình mí không còn phải lo cái đói nữa. Tuy lúa, bắp không "đầy nhà" như các gia đình khác, nhưng cũng đủ ăn; cái Tết vừa qua, các con của mí đều có được quần áo mới…
Điều đáng nói là Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều công trình quan trọng ở O5, như đường giao thông, trường học, công trình nước sinh hoạt cùng một số hạng mục thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, xã hội. Bước đầu đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất. Nhờ đó năng suất các loại cây trồng đều tăng hơn trước. Năm 2003 bà con đã đưa giống bắp lai, đậu tương cao sản vào gieo trồng hết diện tích. Nét mới trong sản xuất ở O5 là bà con đã biết sản xuất đa canh, luân canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đất rừng và vườn tạp bước đầu được cải tạo, đưa vào trồng cây ăn quả hoặc cây nông sản có giá trị kinh tế cao. Đàn gia súc, gia cầm của O5 tăng bình quân 5%/năm. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân cũng được quan tâm, lĩnh vực y tế được tăng cường đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường đạt 100%. Công tác an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Số hộ nghèo trong làng đã giảm từ 24% xuống còn 15%, không còn hộ đói, 100% số hộ có radio, nhiều hộ đã mua được tivi, xe máy.
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Hôm chúng tôi đến O5, được chứng kiến buổi ra quân của chi đoàn thanh niên giúp cho hộ Bok Thuân làm lại nhà mới. Theo lời anh Đinh Nớ - Bí thư chi đoàn - thì ở O5 không riêng gì thanh niên mà các đoàn thể khác như Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ đều tổ chức được những hoạt động giúp đỡ cho các gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để cùng nhau phát triển.
. Xuân Dũng
|