Công ty cổ phần đường Bình Định:
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao
16:56', 19/2/ 2004 (GMT+7)

Thu hoạch mía

Trải qua nhiều khó khăn trong công tác xây dựng vùng nguyên liệu mía, cuối cùng Công ty cổ phần đường Bình Định (CTCPĐBĐ) cũng đã hoàn thành Dự án quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh. Dự án này được triển khai sẽ là điều kiện thuận lợi để công ty nâng cao năng lực sản xuất, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa nông dân và Nhà máy…

Nhà máy đường xây dựng đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh, nông dân các huyện nằm trong vùng nguyên liệu hy vọng cây mía sẽ là cây trồng xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, chưa có vụ mía nào, người nông dân có được niềm vui trọn vẹn. Càng dần về sau, số người trồng mía càng giảm, vùng nguyên liệu từ đó cũng dần bị thu hẹp. Nguyên nhân và những hạn chế dẫn đến tình trạng này đã được bàn luận nhiều ở các buổi tổng kết vụ ép mía hàng năm và các cuộc hội nghị từ tỉnh, đến huyện… Đối với nông dân, do còn tập quán sản xuất quảng canh, chưa chú trọng đầu tư sản xuất thâm canh nên năng suất mía còn thấp. Còn CTCPĐBĐ chưa giải quyết rốt ráo công tác thu mua nguyên liệu trong từng thời điểm cụ thể, làm ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân.

Tuy nhiên việc khắc phục những tồn tại trên thì vẫn còn chậm trễ và hiệu quả không cao. Năm 2001, CTCPĐBĐ cũng đã lập dự án rà soát bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu giai đoạn từ năm 2001-2010 với diện tích 10.126 ha ở 6 huyện trong tỉnh. Mặc dù công ty đã có nhiều cố gắng để xây dựng được vùng nguyên liệu, song dự án này vẫn không cải thiện được những khó khăn, bất cập trước đây. Năm 2003-2004, CTCPĐBĐ tiếp tục lập dự án quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh năng suất cao giai đoạn 2003-2010 với diện tích 6.000 ha tại 4 huyện Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Ông Phạm Ngọc Liễn, Giám đốc CTCPĐBĐ nhận định: "Đây là giải pháp tối ưu để giải quyết khó khăn vướng mắc trong thời gian qua. Bởi vì khi xây dựng được vùng nguyên liệu mía thâm canh, không những ổn định được vùng nguyên liệu có năng suất và chất lượng cao phục vụ cho nhà máy, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn có thể chủ động được thời vụ sản xuất, công tác thu mua nguyên liệu cũng được giải quyết một cách nhanh chóng, không gây ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân".

Sau khi Dự án được UBND tỉnh phê duyệt, công ty đã phối hợp với các huyện nằm trong vùng nguyên liệu triển khai xây dựng được nhiều mô hình mía năng suất cao, thu hút được sự quan tâm của nông dân. Mức hỗ trợ cho nông dân cũng được điều chỉnh hợp lý hơn, từ 5 triệu đồng/ha lên 8 triệu đồng/ha, và tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhờ đó đến nay, công ty đã thực hiện được 750 ha mía năng suất cao và phấn đấu đến cuối năm sẽ thực hiện được 1.000 ha. Từ nay đến năm 2010, công ty sẽ mở rộng 3.444 ha đất màu, đất bạch đàn và đất lúa một vụ để trồng mía, trong đó huyện Tây Sơn 1.976 ha, An Nhơn: 522 ha, Vân Canh: 499 ha, Vĩnh Thạnh: 417 ha. Công ty cũng sẽ đầu tư nâng cấp 33 km đường giao thông nông thôn, xây dựng trạm giống và các công trình thủy lợi tại các huyện, đến năm 2005 đảm bảo nước tưới cho 2.500-3.000 ha và đến 2010 khoảng 4.000 ha mía.

Ông Lê Văn Khánh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: "Huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh năng suất cao. Trước mắt, đã san ủi mặt bằng khoảng 120 ha đất ở xã Bình Thành, Bình Tân, là 2 xã gần hồ Thuận Ninh, thuận lợi cho công tác tưới tiêu, để xây dựng mô hình điểm, tạo điều kiện cho nông dân được mắt thấy tai nghe về hiệu quả kinh tế của việc trồng mía thâm canh, sau đó nhân mô hình ra diện rộng. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm khuyến nông triển khai công tác ươm giống mía trong túi bầu để cung cấp cho nông dân".

Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Nhơn cũng đã hoàn thành công tác quy hoạch và triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh năng suất cao xuống các xã, thôn. Có thể nói, việc xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh là việc làm cần thiết, vì không chỉ khai thác được tiềm năng đất đai ở các địa phương, tạo vùng nguyên liệu mía năng suất cao đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy, mà còn có thể nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đây cũng chính là mong mỏi lâu nay của bà con nông dân trong vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Hy vọng với dự án này, CTCPĐBĐ và nông dân sẽ tìm được tiếng nói chung.

. Phạm Tiến Sĩ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)
Các trại giống và 2 giống gia cầm quý hiếm ở tỉnh Bình Định: Vẫn đang rất an toàn  (16/02/2004)
Cư dân ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội: Khó khăn và hy vọng   (15/02/2004)
Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế  (13/02/2004)
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)
Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn   (10/02/2004)
Diêm Tiêu hôm nay   (09/02/2004)
Vĩnh Thạnh xuân này...  (08/02/2004)
Du lịch Bình Định: Khởi động đầu năm   (06/02/2004)
Dịch cúm gà đang lan nhanh, tác hại ngày càng lớn   (05/02/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà  (04/02/2004)
Vài nét về những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật của Bình Định   (03/02/2004)
Nhiều hộ chăn nuôi xin tiêu hủy đàn gia cầm   (03/02/2004)