Với người chăn nuôi, gia cầm dịch cúm gà thực sự là một đại họa. Và theo sau đó, là những thiệt hại của những người xưa nay vẫn hưởng lợi trực tiếp từ các dịch vụ phục vụ cho ngành chăn nuôi này.
* Phản ứng dây chuyền
|
Xử lý gia cầm bị dịch |
Vừa thấy xe trờ tới, ông chủ tiệm bán cám gà ở đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn, cầm bao chạy ra, mừng rỡ: "Cô mua cám hả? ". Nhưng khi thấy tôi chỉ hỏi mà không mua thì ông tiu nghỉu: "Cả ngày trời chẳng ai đến lai vãng. Kiểu này chắc chết". Từ hôm dịch gà đến nay, cửa hàng ông chỉ bán được ít thóc cho những người nuôi gà đá và bánh dầu cho những người bón mai. "Giờ chỉ bằng 1/3 so với trước, nay mai hết đợt bón mai thì tình hình còn nguy hơn. Không biết đến bao giờ mới được như xưa" - ông xếu mếu nói.
Đâu chỉ có ông, những người xưa nay kiếm sống nhờ vào gà, vịt, chim đều đang trong cơn bĩ cực. Bà Bảy, trước bán gà ở chợ Sân Bay (TP Quy Nhơn) nay chuyển qua bán rau, tâm sự: "Từ mồng 10 tết đến giờ, tôi chỉ mua bán rau, chủ yếu là để giữ chỗ và giữ khách chứ đâu có lời lãi bao nhiêu".
Kể từ khi dịch cụm gà hoành hành và xuất hiện các ổ dịch tại Bình Định, từ sau tết Nguyên đán đến nay, trong thực đơn các nhà hàng, quán nhậu đều vắng bóng các món ăn được chế biến từ gia cầm. Nhà hàng Quê Hương nay đã thay thế món cơm gà bằng cơm tôm, thịt bò và tăng cường các món ăn từ hải sản… Trong khi đó, theo chị Minh, chủ Nhà hàng Pepsi (174 Huỳnh Thúc Kháng, Quy Nhơn), vốn nổi tiếng với món gà ác tần thuốc Bắc, thì khách đến ăn giảm hơn so với trước. "Cũng may là nhà hàng có nhiều món khác nữa, nếu chỉ chuyên một món gà thì ôm xoong" - chị Minh tặc lưỡi.
Đối với những quán ăn chỉ chuyên các món từ vịt, gà, chim thì đây là thời điểm khó khăn của họ. Bà Ba Lý, bán cháo vịt ở đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), kêu trời: "Cả nhà tôi trước nay chỉ trông vào nồi cháo vịt của tôi. Vậy mà ông trời ác quá. Bữa giờ tôi thay cháo vịt bằng cháo bò nhưng thịt bò lại đắt. Khách đến ăn thưa thớt, nhiều hôm còn bị ế cả một phần ba ".
Với các cơ sở chế biến thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ trứng thì đây cũng là một giai đoạn đầy thử thách. Ông Trần Đình Dũng, Chủ cơ sở Ngọc Nga cho biết: "Khi xảy ra dịch, số lượng khách hàng giảm đột ngột, một số đại lý nghỉ bán, một số bán cầm chừng dù chúng tôi đã có thông báo dùng nguyên liệu bột trứng nhập từ Bỉ thay cho trứng. Tuy chất lượng tương đương nhưng giá thành cao hơn trước khoảng 30%". Để giữ được khách hàng, cơ sở này không tăng giá bán nhưng buộc lòng phải giảm bớt khối lượng các loại bánh sử dụng số lượng nhiều nguyên liệu này. Riêng đối với loại bánh bông lan giảm đến 30% so với trước. Từ ngày Valentine (14-2) trở lại đây, số người mua đã có chiều hướng tăng. Theo ông Dũng, chờ khi nào có thông tin chính thức hết dịch cúm trên địa bàn tỉnh thì cơ sở này mới sử dụng lại trứng.
* Bao giờ trở lại "ngày xưa"?
Nhưng thiệt hại nặng nề nhất trong đợt dịch này vẫn là những người chăn nuôi gia cầm. Ước tính toàn tỉnh Bình Định đã thiệt hại trên 70 tỷ đồng vì dịch cúm gia cầm. Anh Trần Ngọc Tân, một người chuyên ấp vịt giống tại thị trấn Bình Định (An Nhơn) cho biết, trong đợt dịch vừa qua anh lỗ gần 20 triệu đồng. Giá trứng vịt giống mua vào 1.000 đồng/quả nhưng bán đổ bán tháo chỉ còn có 300 đồng, hiện nay giá trứng đã bắt đầu nhích lên một chút là 600 đồng/quả. Hiện số trứng còn tồn trong nhà anh vẫn còn tồn khoảng 10.000 quả. Tại các nơi nuôi vịt đẻ trứng, để hạn chế vịt đẻ trứng các chủ nuôi đã không cho vịt ăn hoặc bán vịt với giá rẻ, nhưng nay khi đã có lệnh cho phép được bán trứng trở lại thì vịt lại... không đẻ. "Phải ít nhất một tháng, tháng rưỡi sau vịt mới đẻ trở lại. Thời gian này phải cho chúng ăn nhiều trở lại thì mới may ra. Bữa giờ tính ra tôi lỗ gần chục triệu bạc. Không biết bao giờ mới phục hồi lại được như ngày xưa " - một chủ nuôi vịt đẻ tâm sự.
Những ngày gần đây tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn Bình Định đã được khống chế và hầu như không phát sinh ổ dịch mới. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Trung ương đã có thông báo cho phép chế biến gia cầm không nhiễm bệnh ở vùng an toàn dịch. Đây là một tin mừng đối với những người chăn nuôi. Hiện nay Bình Định vẫn thắt chặt việc phòng dịch cúm gà và bên cạnh đó cũng đang từng bước tìm cách phục hồi dần ngành chăn nuôi. Tuy nhiên để ngành chăn nuôi trở lại được như "ngày xưa" thì vẫn còn nhiều việc phải làm, không chỉ với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và cả những người dân.
. Thu Hà - Viết Thọ
|