Màu xanh trên vùng đất cằn
12:49', 22/2/ 2004 (GMT+7)

Vùng đất cằn Đèo Nhông đã được phủ xanh

Lên đỉnh đèo Nhông (xã Mỹ Trinh - Phù Mỹ), rẽ về phía Tây, tôi không ngờ rằng, đằng sau những ngôi nhà cao thấp ngói mới đỏ tươi lại hiện hữu một màu xanh của cây trái. Không những các loại cây công nghiệp dài ngày như bạch đàn, keo lá tràm, điều... đang phủ màu xanh, cho hiệu quả kinh tế mà ngay cả nhiều cây trồng cạn khác, thường được trồng trên chân đất thịt, đất thịt pha cát như đậu phụng, kiệu, bí đao đất... lại được bà con nơi đây cũng trồng với năng suất, hiệu quả không thua kém các nơi khác. Trước mắt tôi trải dài một màu xanh mượt mà óng ả những vạt ớt, cà chua, khổ qua... đậu phụng đang ra hoa, kết trái. Rõ ràng, đây là một vùng đất có tiềm năng, đã và đang được đánh thức để đem lại ấm no cho hầu hết những gia đình từ các nơi trong và ngoài huyện về đây bám trụ, sinh cơ lập nghiệp...

Anh Nguyễn Xuân Cảnh là một trong những hộ gia đình đặt chân đến làm ăn, buôn bán sớm nhất vùng đất này. Nhờ biết kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát kết hợp phát triển trồng cây công nghiệp dài và ngắn ngày cùng với việc nuôi bò lai... nên kinh tế nhà anh đã khấm khá lên trông thấy. Bao câu chuyện buồn vui, sướng khổ của gia đình anh, của bà con ở đèo Nhông, nghe anh kể đã thật sự cuốn hút tôi, nhất là trong những ngày đầu cơ cực. Nhưng rồi, thời gian như trải rộng phù sa, đất cứ lành, chim cứ đậu, cứ đơm hoa kết trái cho những cuộc đời biết chịu khó, chịu khổ vươn lên trong nắng gió. Như chị Giàu ở xã Mỹ Hòa, chồng ở xã Mỹ Trinh, cưới nhau dìu dắt đến đây từ đôi bàn tay trắng, tận dụng nhà mặt đường đèo, tổ chức vá xăm lốp, đào giếng, trồng rau, nấu rượu nuôi heo, rồi tích cóp dành dụm để phát triển đàn bò lai từ 1-2 con, bây giờ lên đến gần chục con, triển vọng cho thu nhập cao...

Bươn chải và thành đạt trong cuộc sống ở vùng đất vô cùng khắc nghiệt thừa nắng gió, thiếu điện nước này không thể không nhắc đến anh Nguyễn Thế Tài ở thị trấn Phù Mỹ. Đến đèo Nhông từ năm 1993, bằng tất cả niềm tin và nghị lực của tuổi thanh xuân, anh đã trải qua bao gian truân vất vả, nghiên cứu học hỏi và quyết định đưa cây tiêu về trồng trên hơn 2.500m2 đất vườn thổ cư. Đất không phụ công người, cây tiêu lớn và phát triển dần trong từng giọt mồ hôi rơi và công sức của anh đổ xuống. Từ hiệu quả của việc bán tiêu giống, tiêu hạt, cây tiêu đã góp phần quan trọng cho anh xây nhà, mua xe máy, ti vi... và đầu tư mở rộng diện tích và quy mô thâm canh cây tiêu... Và cũng từ hiệu quả kinh tế cây tiêu nhà anh Tài, nhiều người như anh Cảnh, anh Trí, anh Long... cũng đầu tư vốn cho việc mở rộng diện tích tiêu ngày càng nhiều trên đỉnh đèo Nhông. Cây tiêu đã và đang trở thành một cây trồng chủ lực của vùng đất cằn khô sỏi đá này.

Niềm vui của người dân đèo Nhông hôm nay được nhân lên gấp bội khi công trình điện hạ thế với công suất lớn tại đây đã và đang gấp gáp thi công. Không những người dân đất đèo này, mà còn không ít vùng lân cận trong và ngoài huyện Phù Mỹ cũng được hưởng lợi từ công trình. Bên cạnh đó, tuyến đường kinh tế - quốc phòng nối liền từ đèo Nhông, chạy qua đèo Bà Nam xuôi về Mỹ Thọ... vừa được khởi công đã tạo thêm mạch sống cho vùng đất khô cằn này thêm mãi một màu xanh.

. Xuân Lộc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)
Các trại giống và 2 giống gia cầm quý hiếm ở tỉnh Bình Định: Vẫn đang rất an toàn  (16/02/2004)
Cư dân ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội: Khó khăn và hy vọng   (15/02/2004)
Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế  (13/02/2004)
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)
Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn   (10/02/2004)
Diêm Tiêu hôm nay   (09/02/2004)
Vĩnh Thạnh xuân này...  (08/02/2004)
Du lịch Bình Định: Khởi động đầu năm   (06/02/2004)
Dịch cúm gà đang lan nhanh, tác hại ngày càng lớn   (05/02/2004)
Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch cúm gà  (04/02/2004)