Du lịch trên tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu:
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?
15:19', 26/2/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Lê Viết Thọ

Khi tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (nay đã là quốc lộ 1D) hoàn thành, nhiều người đã hồ hởi gọi đây là con đường du lịch. 6 năm đã qua, nhìn đi nhìn lại, các điểm du lịch trên tuyến đường này, trừ Life resort - một dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại đều được đầu tư nhỏ, hiệu quả thấp. Đáng nói hơn, 6 năm đã qua, quy hoạch chi tiết tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành. Và khi chưa có quy hoạch, du lịch "cóc" tự phát mọc lên, đang có nguy cơ đe dạo cảnh quan nơi đây.

* Cò con du lịch "cóc"

Một "chòi" du lịch trên đường Quy Nhơn - Sông Cầu

Đi dọc phía Đông tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, trên địa phận tỉnh Bình Định, chỉ tính sơ sơ, chúng tôi đã đếm được đến 9 điểm du lịch lớn, nhỏ khác nhau. Lương Sơn Bãi Dại là một điểm du lịch có quy mô đầu tư tương đối khá trên tuyến đường này. Đường vào đã được trải bê tông sạch đẹp, khá khang trang, với một hệ thống gồm chòi, ao cá, cây xanh… Tuy nhiên, thay vào những bãi giữ xe ken dày, những tốp nam thanh, nữ tú tấp nập như một, hai năm trước chúng tôi đã chứng kiến, thì nay khá vắng vẻ. Ông Trần Đức Bộ, Chủ DNTN Lương Sơn Bãi Dại, chua chát: "Từ năm 1993, chúng tôi đã bắt đầu đầu tư ở khu vực này. Tính đến nay, tôi đã bỏ ra cỡ 1,1 tỷ đồng chứ có ít gì đâu, vậy mà cũng chỉ đủ xây dựng một số cơ sở hạ tầng, làm hệ thống nước tưới… và cũng mới khai thác để phục vụ du lịch chừng 1 ha. Những năm trước, khách vào đây nhiều, đặc biệt là trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ. Tuy nhiên, gần đây thì lượng khách vãn hẳn, thứ bảy, chủ nhật thì còn được dăm, bảy lượt, còn ngày thường thì vắng hoe. Nguyên nhân một phần là do khung cảnh chưa được đầu tư nhiều, nên thiếu sắc thái mới để hấp dẫn thêm du khách. Một phần khác là do tuyến đường này đến nay chưa có điện đường nên khách đi vào ban đêm sợ nguy hiểm".

Nhưng ngay cả những khu du lịch được đầu tư vào cỡ… tầm tầm như Lương Sơn - Bãi Dại thật ra cũng chỉ có thể đếm chưa đầy một bàn tay. Ngoài Lương Sơn - Bãi Dại, chỉ có thể kể thêm các điểm du lịch của DNTN Thành Đô và Công ty TNHH Suối Tiên. Tình cảnh chung của những điểm du lịch này không khá hơn. Bà Lê Thị Xuân (DNTN Thành Đô) cho biết: "Chúng tôi tấp vô đầu tư gần 2 tỷ đồng, nhưng lượng khách ngày thêm vắng. Nếu không được đầu tư, mở rộng thêm các loại hình du lịch, giải trí thì đến lúc nào đó sẽ mất hết khách".

Những khu du lịch quy mô tương đối là vậy, nói chi những điểm du lịch "cóc" hiện hoạt động cầm chừng. Tại một điểm du lịch "cóc", nhưng cũng có biển có hiệu, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi khá xập xệ. Đường vào điểm du lịch này khá dốc và lổn ngổn đá sỏi. Ngoài bốn ngôi nhà tầm tầm giả nhà sàn được dựng lên để phục vụ ăn uống là chính, là vài cái chòi không lớn hơn… chòi vịt là mấy. Chủ nhân của điểm du lịch này phân trần: "Nhìn vầy nhưng chúng tôi cũng bỏ công bỏ của không ít. Vậy mà khách chỉ loe hoe".

Một điểm mới được san ủi để làm khu du lịch

Thật ra, con số 9 điểm du lịch trên đây cũng mới chỉ là những điểm du lịch đã thành hình, có biển hiệu đàng hoàng, trương dọc hai bên tuyến đường. Bên cạnh đó, dọc trên tuyến đường này, đã có những khu đất vừa mới được san phẳng, những con đường mới mở, chừng như chuẩn bị cho sự ra đời của những điểm du lịch mới. Lại có những nhà đầu tư đầu cơ đất đai bằng cách mua lại vài trăm mét vuông đất vườn rừng của người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu rồi để đó, chờ cơ hội là mở… khu du lịch. Và cũng không dừng lại dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu ven biển, ngay trên tuyến đường đèo Quy Hòa, đập vào mắt chúng tôi là một khu đất vừa được san ủi, hãy còn lổn ngổn đất đá. Trong khu vực này, chủ nhân đã kịp xây một căn nhà bát giác bằng bê tông khá kiên cố, đặt ghế đá, làm tường rào, dựng cổng… Một con đường cũng đã được mở từ đèo Quy Hòa xuống khu đất này và những miếng đất được san ủi lởm chởm, đang làm phá vỡ cảnh quan đồi Ghềnh Ráng. Qua câu chuyện sau đó với ông Võ Sanh Ngọc, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), chúng tôi được biết, ông Nguyễn Quang Ba, chủ nhân khu đất này vốn đã được giao đất trồng rừng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây ông ta đã đầu tư xây dựng và tiến hành san lấp mặt bằng. Tháng 1 năm 2004, các cơ quan chức năng của thành phố Quy Nhơn đã xử phạt 10 triệu đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm chúng tôi có mặt tại khu đất này, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy công việc xây dựng ở đây đã bị đình chỉ và khu nhà bát giác bằng bê tông, xi măng vẫn còn tồn tại, làm vỡ một góc rất đẹp của tuyến đường du lịch và đồi Ghềnh Ráng.

* Đầu tư ư? Xin chờ quy hoạch

Trả lời câu hỏi: "Tại sao các DN không đầu tư mở rộng quy mô, để có thêm sức thu hút du khách?", ông Bộ trả lời: "Muốn lắm chứ. Và chúng tôi cũng đã lập dự án từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy tờ gì cho phép làm du lịch ở khu vực nay. Quy hoạch sử dụng đất thì đã có từ năm 2000, nhưng quy hoạch chi tiết thì chưa. DN tụi tui nay nghe phong thanh có chủ trương thế này, mai nghe phong thanh chủ trương thế kia, ai mà dám bỏ vốn đầu tư?".

4 điểm du lịch được quy hoạch trên tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu:

 

- Điểm 1 (km 13 - km 13+800) 2 ha: Điểm dừng chân, ăn uống, giải khát.

- Điểm 2 (km 15+800 - km 16+120) 8ha: Cắm trại lưu trú.

- Điểm 3 (km 17+250) 8ha: Điểm cắm trại, resort, tắm biển.

- Điểm 4 (km18+615) 1,5ha: Nghỉ ngơi, ăn uống, giải khát, cắm trại.

Cũng với tâm trạng trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Suối Tiên, cho biết: "Năm 2002, chúng tôi đã lập dự án đầu tư khu du lịch Suối Tiên và có tờ trình xin chuyển đất sản xuất lâm nghiệp sang đất kinh doanh dịch vụ du lịch. Kinh phí dự toán cho dự án này hơn 2 tỷ đồng. Sau khi xem xét, ngày 20-8-2002, Sở Thương mại và Du lịch tỉnh đã có tờ trình lên UBND tỉnh, trong đó khẳng định: đầu tư xây dựng khu du lịch tại Suối Tiên là phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 461 ngày 22-12-2000 về việc quy hoạch sử dụng đất đường Quy Nhơn - Sông Cầu và chương trình hành động phát triển du lịch tỉnh Bình Định giai đoạn 2000-2005. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án của chúng tôi vẫn chưa được phê duyệt. Lý do được giải thích là phải chờ quy hoạch chi tiết. Do vậy, chúng tôi đâu dám đầu tư".

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Lân, Trưởng phòng Công thương TP Quy Nhơn, cho biết: "Quả thật là trước đây vài năm, một số DN này đã làm thủ tục xin phép đầu tư, nhưng đến nay vẫn còn chờ quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên tuyến đường này của tỉnh". Theo ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Xây Dựng (Sở Xây dựng) - đơn vị được giao nhiệm vụ quy hoạch các điểm du lịch này - thì phải đến cuối tháng 3-2004, quy hoạch chi tiết này mới có thể hoàn thành.

Hiện nay, các DN lại đang trong tâm trạng phập phồng chờ quy hoạch. Cũng cần nói thêm, dù chỉ là du lịch "cóc" nhưng số vốn đầu tư họ đã bỏ ra không ít, chí ít cũng vài ba trăm triệu đồng. Do vậy, mong muốn lớn nhất của họ là nhà nước có chính sách nhất quán để họ có thể yên tâm tiếp tục đầu tư, hoặc có hướng chuyển đổi cho phù hợp.

* Lãng phí tài nguyên?

Quy Nhơn - Sông Cầu, tuyến đường ven biển chạy dọc triền núi, nằm sát bên thành phố Quy Nhơn, sơn - thủy hữu tình, mang nét hùng vĩ và lãng mạn riêng, quả là một nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Quy Nhơn. Đây cũng là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh Bình Định nói riêng và Quy Nhơn nói chung. Tuy nhiên, có thể thấy, do quy hoạch chậm, du lịch "cóc" phát triển một cách tự phát, vô tổ chức, nên hoạt động du lịch trên tuyến đường này không mang lại hiệu quả cao, lãng phí diện tích và lợi ích về tài nguyên du lịch. Hơn thế, khi các điểm du lịch "cóc" phát triển tự phát, không thiết kế, không quy hoạch, cảnh quan của tuyến đường du lịch đầy tiềm năng này tất nhiên không thể không bị đe dọa. Giá như, quy hoạch thật sự đi trước một bước, thì sự đầu tư tự phát có thể làm ảnh hưởng đến cảnh quan và tâm trạng phập phồng của các DN như hiện nay đã không xảy ra. Kinh nghiệm của tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà cho thấy, sau khi hoàn thành quy hoạch, đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và muốn được đầu tư du lịch tại đây.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)
Các trại giống và 2 giống gia cầm quý hiếm ở tỉnh Bình Định: Vẫn đang rất an toàn  (16/02/2004)
Cư dân ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội: Khó khăn và hy vọng   (15/02/2004)
Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế  (13/02/2004)
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)
Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn   (10/02/2004)
Diêm Tiêu hôm nay   (09/02/2004)