Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó
15:22', 27/2/ 2004 (GMT+7)

Từ ngày 22-2, giá bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã bắt đầu được điều chỉnh tăng 250-400 đồng/lít tùy chủng loại. Sự tăng giá này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị vận tải (ĐVVT) trên địa bàn tỉnh. Theo khảo sát của chúng tôi, đến ngày 27-2, tức là đã 5 ngày giá xăng dầu tăng, nhưng các ĐVVT vẫn chưa có sự biến động về giá cước vận tải. Các đơn vị đã chấp nhận bù lỗ, chấp nhận sụt giảm lợi nhuận và đang "vò đầu bứt tai" vì khó khăn.

* Chi phí tăng, giá cước không đổi

Xăng dầu tăng giá, các xe khách gặp khó khăn (ảnh VietNamNet)

Mặc dù việc tăng giá xăng dầu là chủ trương của Chính phủ, các ĐVVT chấp nhận thực tế chung nhưng xem ra họ đều không thể không quan ngại về những khó khăn của mình. Ở lĩnh vực vận tải, xăng dầu là nguồn nhiên liệu không thể thay thế. Giá xăng dầu tăng lập tức kéo theo một loạt các yếu tố dịch vụ khác tăng theo trong khi chi phí cho bộ máy hoạt động vẫn không hề cắt giảm. Do đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải, cụ thể là hiệu quả hoạt động và doanh thu.

Ông Nguyễn Từ Mẫn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Minh phân tích: "Giá nhiên liệu xăng dầu chiếm tỉ trọng 30% giá cước vận tải. Hiện tại, đơn vị có tổng cộng 30 đầu xe ô tô phục vụ hành khách. Nếu quy ra tỉ lệ, giá nhiên liệu cho các đầu xe trên tăng lên 6% giá thành thì bắt buộc sẽ giảm đi ngần ấy hiệu quả hoạt động". Ông Nguyễn Đăng Danh - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Bình Định cũng đồng ý với ý kiến này, đồng thời phân tích thêm: "Trước đây, hệ số khai thác của các đầu xe của đơn vị là 80% thì nay hầu như chỉ còn lại 60%. Doanh thu khai thác vì thế cũng bị sụt giảm theo. Nếu không tăng giá cước hoặc có biện pháp bình ổn mức giá nhiên liệu xăng dầu thì rất khó".

Có thể nói, việc tăng giá xăng dầu đã tạo nên một sức ép đối với giá cước vận tải. Bên cạnh các ĐVVT hoạt động có bến bãi vẫn còn khá nhiều lực lượng "xe dù" ngoài tầm kiểm soát. Với lực lượng này, chi phí khấu hao cho các đầu xe ít, giá cước vận chuyển vì thế cũng thấp nên đã tạo ra sự cạnh tranh không cân bằng với các đơn vị có quản lý.

Không chỉ riêng gì các ĐVVT quốc doanh mà các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải bằng taxi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các đơn vị này hoạt động theo kiểu bao trùm mọi chi phí và lợi nhuận chứ không khoán doanh thu cho từng lái xe. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, chủ Doanh nghiệp tư nhân Quý Taxi, phân trần: "Đơn vị trực tiếp đứng ra quản lý 10 đầu xe taxi chứ không khoán doanh thu nên mọi chi phí lời lỗ đều do đơn vị chịu". Ông Hiệp còn làm một phép tính, cứ 100 km thì xe tiêu thụ hết 10 lít xăng, với chiều dài 1.000 km nếu mỗi lít xăng tăng thêm 400 đồng nhân lên cho 10 chuyến thì đơn vị phải bù vào 4 triệu đồng. Trong khi đó, cái khó là các xe phải chạy liên tục nên phần bù lỗ và chi phí khấu hao cứ thế cộng dồn vào thành ra một con số rất lớn.

* Khó vì vận tải theo mùa

Có một mâu thuẫn đối với loại hình vận tải hàng hóa hiện nay là một vài ĐVVT gần như phải hoạt động theo mùa. Ông Nguyễn Đăng Danh - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải ô tô Bình Định cho biết: "Công ty hiện có 11 đầu xe vận tải khách và 17 đầu xe vận tải hàng hóa. Với cả hai loại như thế, chúng tôi phải chấp nhận bù lỗ nhưng khổ nhất vẫn là vận tải hàng hóa. Bình thường, khi nông dân vào mùa thì các đầu xe này mới hoạt động hết công suất. Trong khi thời gian này, giá xăng tăng, nhu cầu của người dân không có nhưng các đầu xe vẫn bắt buộc hoạt động rải rác nên đã lỗ lại càng lỗ hơn".

Còn với một ĐVVT hoạt động khá mạnh với 30 xe chất lượng cao và 10 xe taxi tại thị trường Bình Định như Doanh nghiệp vận tải và thương mại Thuận Thảo thì tình hình hoạt động vận tải cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc chi nhánh Thuận Thảo tại Bình Định tâm sự: "Đối với doanh nghiệp chúng tôi, mùa này rất ít khách nên gặp khó khăn. Tuy nhiên, vì chữ tín nên chúng tôi vẫn chạy đúng giờ, đúng tuyến như trước".

* Đi tìm giải pháp

Xăng dầu tăng giá, cơ quan chủ quản vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể nên các ĐVVT vẫn chưa "rục rịch" gì. Nhưng về lâu dài, cần thiết phải tìm ra giải pháp để các ĐVVT duy trì hoạt động. Hiện tại, một số đơn vị đã bắt đầu gặp khó khăn và họ rất lo lắng nếu tình trạng này kéo dài. Các đơn vị vận tải đang tính đến chuyện xin cơ quan chủ quản tổ chức hiệp thương với các ban ngành chức năng để nâng mức giá cước. Tuy nhiên, cái khó lại... bó vào các đơn vị xe taxi và xe chất lượng cao vì mức giá cước hiện nay đã cao, nhu cầu đi lại ít, nhiều đơn vị hoạt động nên nếu tăng giá cước sẽ có thể mất khách. Một giải pháp nữa, theo ông Nguyễn Đăng Danh, là Nhà nước nên có chính sách bình ổn giá, đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị hoạt động.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)
Các trại giống và 2 giống gia cầm quý hiếm ở tỉnh Bình Định: Vẫn đang rất an toàn  (16/02/2004)
Cư dân ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội: Khó khăn và hy vọng   (15/02/2004)
Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế  (13/02/2004)
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)
Tích cực thu bạc lẻ, sẽ có cơ hội thu lớn   (10/02/2004)