Nhịp sống mới Nhơn Hòa…
15:24', 29/2/ 2004 (GMT+7)

Các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn xã Nhơn Hòa khu vực dọc Quốc lộ 19

Là xã nông nghiệp, nhưng mỗi người dân Nhơn Hòa (An Nhơn) chỉ được cấp 450 m2 đất canh tác, nên suốt một thời gian dài người lao động ở đây - đặc biệt là thanh niên - nối tiếp nhau bỏ quê đi làm ăn xa. Nhưng rồi, 3-4 năm trở lại đây, khi có các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trên địa bàn xã, thu hút một lực lượng lao động lớn của địa phương, tình trạng ly hương đã giảm, đời sống người dân dần dần được nâng lên…

Anh Đặng Văn Lộc, công nhân Xí nghiệp sản xuất Lâm sản xuất khẩu 19 tại Nhơn Hòa, bộc bạch: "Ở đây mỗi nhân khẩu chỉ được cấp 450 m2 ruộng nên dựa vào ruộng không đủ trang trải cho cuộc sống được. Do đó, ngày trước tôi phải đi làm thuê ở tận Buôn Mê Thuột, Hà Nội để kiếm tiền về trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng bởi đi làm mướn ở phương xa, mỗi lần đi về chẳng còn bao nhiêu tiền, nên cái nghèo vẫn cứ luôn đeo bám. Bây giờ làm công nhân ở gần nhà nên đỡ hơn mọi bề". Ngày trước số người phải ly hương làm ăn nơi đất khách rất nhiều. Theo thống kê của xã, những năm 2000-2001, trung bình mỗi năm cả xã có từ 600-700 người làm đơn xin tạm vắng để đi làm thuê, làm mướn nơi khác.

Đời sống của người dân Nhơn Hòa có sự chuyển biến mạnh là từ khi trên mảnh đất này mọc lên các công ty, xí nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân ở địa phương. Với lợi thế có đường Quốc lộ 19 chạy từ Tây Nguyên xuống Quy Nhơn và Quốc 1A nối liền Bắc - Nam, giao thông thuận tiện nên các công ty, xí nghiệp đã chọn nơi đây để đầu tư xây dựng nhà xưởng. Từ năm 2000 đến nay, ở đây đã có 22 nhà máy, xí nghiệp của Trung ương và địa phương xây dựng và đưa vào hoạt động với đủ các ngành nghề: chế biến lâm sản, nông sản, khai thác đá… đã thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ông Hà Trọng Gia, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay Nhơn Hòa có hơn 2.000 nông dân "thoát xác", trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Nhờ đó, tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi xa hầu như không còn.

Khi các nhà máy, xí nghiệp mọc lên nhiều đã tạo cho khu vực này trở nên sầm uất và sôi động hơn. Theo đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển rất nhanh và đã giải quyết thêm việc làm cho cả ngàn lao động nữa của địa phương. Anh Trần Văn Bình, chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ở Nhơn Hòa, cho biết: "Nhờ lực lượng công nhân tập trung đông, nên việc buôn bán của gia đình tôi đắt đỏ hơn trước nhiều". Hiện nay ở đây có hàng chục cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, với giá trị sản xuất chiếm 17,3% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của xã. Chẳng những vậy, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề khác cũng theo đó phát triển không ngừng. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã hiện nay đã đạt hơn 35 tỷ đồng/năm và chiếm 41% trong cơ cấu kinh tế, bình quân mỗi năm tăng 14%. Hiện thu nhập của người dân ở đây đã đạt gần 4,8 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2000. Với sự phát triển như vậy, nên hiện nay công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đã lãnh lấy trách nhiệm làm giàu quê hương thay cho nông nghiệp.

Bây giờ đến Nhơn Hòa, không còn cảnh đìu hiu như trước nữa mà thay vào đó là một nhịp sống sôi động với các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất, các nhà máy, xí nghiệp công nhân lao động khẩn trương…

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó   (27/02/2004)
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)
Các trại giống và 2 giống gia cầm quý hiếm ở tỉnh Bình Định: Vẫn đang rất an toàn  (16/02/2004)
Cư dân ven tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội: Khó khăn và hy vọng   (15/02/2004)
Doanh nghiệp và việc hội nhập kinh tế quốc tế  (13/02/2004)
Không ngừng khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu  (12/02/2004)
Quê biển... lên đời!  (11/02/2004)