Đứng trước thảm xanh của cánh đồng lúa đông xuân mơn mởn, ông Tạ Chấn - Trưởng thôn Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) vui vẻ nói: "Từ lúc có đường, có điện cuộc sống của người dân đã thay da đổi thịt, kinh tế phát triển, mọi người an tâm lắm, đã đến lúc người dân ở đây nghĩ đến việc xóa hết đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu"...
* Từ khu kinh tế mới
|
Những ngôi nhà khang trang như thế này hiện có rất nhiều ở Thiết Đính |
Trước năm 1990, Thiết Đính Bắc là một khu đồi hoang rộng lớn. Đất đai khá màu mỡ, nhưng không có bàn tay con người chăm bón nên ngày càng bạc màu và cằn cỗi. Thấy được tiềm năng phát triển nông-lâm, chăn nuôi… của vùng đất đồi này, chính quyền địa phương đã mạnh dạn xây dựng nơi đây thành vùng kinh tế mới để khai thác tiềm năng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, chỗ ở ổn định cho những người dân nghèo, ở khu vực Liêm Bình, Trung Lương, Thiết Đính… thuộc thị trấn Bồng Sơn. Khu đồi hoang được đầu tư làm thủy lợi. 50 hộ dân được đưa đến định cư ở đây. Bước đầu, mỗi hộ được hỗ trợ 6 tháng ăn, một thiên ngói, 500m2 đất thổ cư. Để giúp đỡ họ lập nghiệp trên vùng đất mới, những năm đầu, địa phương miễn tất cả các loại thuế và ưu tiên mọi chế độ. Ông Dương Tấn Lực - Chủ tịch thị trấn Bồng Sơn - tâm sự: Tình trạng thất nghiệp, đói nghèo vẫn còn nhiều, nếu không tạo cho dân có việc làm và chỗ ở ổn định thì trách nhiệm của chúng tôi vẫn còn nặng nề lắm. Khi con đường và trạm biến áp 180KVA với tổng giá trị gần 500 triệu hoàn thành, khu kinh tế mới này chỉ còn cách thị trấn Bồng Sơn không quá 5km.
* Đến cuộc sống mới
Chú Ba Bàn đang đứng bên cánh rừng xanh bạt ngàn. Thấy có khách, ông bỏ cuốc, mời khách vào ngôi nhà vừa mới xây ở trang trại cạnh bờ hồ thủy lợi rồi sai thằng con trai út bắt cá để làm món nhậu. Uống một ly mừng khách, ông thong thả nói: "Hồi mới lên, khổ lắm. Còn bây giờ thì cuộc sống của bà con ở đất này tốt lắm rồi". Cũng như chú Ba Bàn, những người dân khu kinh tế đã 14 năm góp từng mùa lúa, con heo, phát từng cây dại để biến "núi thành chợ". Bây giờ ai vào đây cũng ngạc nhiên trước bạt ngàn rừng đào, bạch đàn và những ngôi nhà khang trang, bề thế…
Từ khi có điện về, đường đi lại thuận lợi, kinh tế phát triển nhanh hơn. Những rừng đào, bạch đàn, những hàng dừa dần dần phủ kín những khu đồi trọc. Cạnh đó là những loại cây đu đủ, cà, chanh và ruộng lúa vươn lên. Cùng với phát triển nông lâm, những đàn gia súc cũng rất phù hợp với vùng đất này, hiện tại khu kinh tế có 70 con bò ta, bò lai, 3.000 con vịt, gà và heo…
Có điều kiện, nhiều người nghĩ đến chuyện làm giàu. Hơn 10 năm gắn bó với rừng, ông Phạm Ngọc Thảo có nông trại đã cho thu hoạch và nuôi cá ở hồ thủy lợi mỗi ngày thu hơn 70.000 đồng. Hàng ngày, đàn vịt 1.000 con cùng với hơn 20 con heo thịt và 4 con bò lai… đã đem lại cho ông Trần Gương hơn 100.000 đồng… Ông Trần Gương cho biết: "Nếu không nhờ nhà nước có chính sách đúng đắn và tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, làm sao leo qua được vách nghèo hả chú".
Mười bốn năm vật lộn, những người dân nơi đây đã biến đồi hoang thành những trang trại bạt ngàn một màu xanh của bạch đàn, đào và những cây công nghiệp ngắn ngày. Những con đường chạy ra từ các trang trại hàng ngày vang giòn tiếng xe máy của người dân chở hàng xuống chợ. Ông Dương Tấn Lực tâm sự: "Khi nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ đã hết, khu kinh tế vẫn còn khổ lắm. Chính quyền thị trấn đã tìm mọi cách tạo điều kiện để họ ổn định làm ăn. Bây giờ vùng hoang đã thành làng xóm, người dân có cơm no áo ấm, mình cũng đã phần nào yên tâm".
. Nguyễn Ngọc Oanh
|