Chợ cá khu II - Mai này ra sao?
15:31', 4/3/ 2004 (GMT+7)

Chợ cá hình thành bắt nguồn từ nhu cầu buôn bán của các ngư dân ven bờ thuộc khu vực II phường Trần Phú. Dần dần, chợ trở thành đầu mối mua bán thủy - hải sản lớn thứ hai trong tỉnh. Đều đặn mỗi ngày chợ họp vào hai buổi từ 5-7 giờ sáng và 1-4 giờ chiều lúc các thuyền khai thác, đánh bắt hải sản trở về bến.

* Những người sống nhờ chợ cá

          Chợ cá khu II

Theo Ban quản lý (BQL) chợ, trung bình một ngày có khoảng 200 thuyền cập bờ và hơn 300 lượt khách ra vào. Chủ yếu những người mua bán ở đây là các lái buôn cá ở các chợ trong tỉnh và một số người ở Phú Yên, Gia Lai. Kiểu buôn bán ở đây cũng khá độc đáo, mọi người xúm lại thành từng vòng tròn nhỏ dọc theo bờ biển để mua bán. Thông thường có hai cách mua bán là đấu giá theo ký nhưng phải mua cả sọt từ 20-50 kg, cách thứ hai là ước lượng mua từng sọt, không cần cân ký. Chị Sáu Phước - một chủ thuyền cá ở đây cho biết: "Một ngày, mỗi thuyền đánh bắt cũng được hơn 50-100kg thủy - hải sản, trừ các chi phí nhiên liệu, công cán… một thuyền nhỏ thu nhập cũng được 200.000 đồng, nhưng so với các ngành nghề khác thì có vất vả hơn và chịu nhiều sự rủi ro lớn".

Chợ cá khu II không chỉ là nơi mua bán thủy - hải sản mà còn là nơi kiếm thêm thu nhập cho khá nhiều người dân ven bờ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ở đây có khoảng hơn 20 phụ nữ làm nghề gánh mướn. Mỗi gánh tùy vào số lượng và quãng đường mà các chị được trả từ 500-2.000đồng; tuy có vất vả nhưng thu nhập cũng được 15.000-25.000đ/ngày. Ngoài ra còn có khoảng 20-30 trẻ em từ 5-14 tuổi tụ tập kiếm sống bằng cách "hôi" cá. Ở chợ cá không có chuyện bán lẻ 5-10 kg cá nên ở đây hình thành thêm một đội ngũ mua đi bán lại. Chị L.T.Mẫn - ở đường Ngọc Hân Công Chúa - cho biết: "Chúng tôi có khoảng gần 20 người. Chủ yếu là những người có chút vốn, mua cá từ các thuyền để bỏ mối cho các tiệm bán thức ăn nấu sẵn hoặc những người tiêu dùng trực tiếp đến chợ cá để mua cho rẻ; so ra giá các loại cá ở tại "gốc" vẫn rẻ hơn ở các chợ. Chính vì vậy mà mỗi ngày tụi tui kiếm thêm cũng vài ba chục ngàn".

* Nỗi lo ngày mai

Đọng lại sau mỗi buổi chợ là những đống rác lớn nhỏ, khá nhiều bãi phóng uế nằm rải rác bên bờ biển. Được biết, BQL chợ có thu phí vệ sinh của mỗi chủ ghe tàu 1.000-2.000đ/ngày; những người mang tính chất kinh doanh hoặc đi chợ mua từ 50kg cá trở lên thì đóng 500đ/chuyến. Thế nhưng chuyện vệ sinh môi trường ở đây quả là… khủng khiếp. Theo ông Ngô Đình Việt - Trưởng ban Hải sản phường Trần Phú: "Chúng tôi đã đề nghị BQL chợ giải quyết tình trạng này, nhưng rất khó vì lực lượng chỉ có vài người, chỉ đủ phân công đi thu phí ở các cửa ra vào và canh giữ xe cũng như trật tự ở chợ. Một phần cũng do số hộ ở sinh sống ven bờ, đặc biệt là các khu nhà rầm chưa được giải tỏa nên vệ sinh môi trường ở đây không thể quản lý nổi."

Khi được hỏi về vấn đề này, các vị lãnh đạo ở phường đều khẳng định trong tương lai sắp tới chợ cá khu II sẽ chẳng còn tồn tại. Các hộ dân ở đây sẽ được di dời lên Xóm Tiêu. Và khi bờ kè ven biển của con đường Xuân Diệu hình thành thì không còn chỗ để bà con ngư dân buôn bán. Lúc đó mọi người sẽ không còn lo lắng về vệ sinh môi trường. Môi trường ở dọc bờ biển đoạn này sẽ trong sạch là điều đáng mừng, thế nhưng hơn 800 lao động đang sinh sống dựa vào chợ cá khu II sẽ thế nào? Anh N.T.Trợ - một ngư dân ở khu II cho biết: "Cả xóm đều làm nghề đi biển, các chị em thì buôn bán cá đã lâu năm, nếu di dời đi nơi khác thì chúng tôi sẽ tự kiếm chỗ để buôn bán. Có thể ở chợ cá khu I mà cũng có thể là ở nơi khác, vì ở chợ cá khu I quá đông rồi. Nhưng cũng chưa biết ra sao, chúng tôi rất mong các ban ngành liên quan giúp đỡ cho chúng tôi có nơi buôn bán kiếm sống".

Hy vọng lời đề nghị này sẽ được sự chú ý của các ban ngành liên quan, vì nếu chợ cá khu II được dẹp bỏ thì không sớm muộn gì cũng tự phát ra một chợ cá khu II thứ hai, và quang cảnh mất trật tự cũng như việc ô nhiễm môi trường sẽ tái diễn.

. Hải Yến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)
Hướng đến mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề   (01/03/2004)
Nhịp sống mới Nhơn Hòa…  (29/02/2004)
Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó   (27/02/2004)
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)
Các trại giống và 2 giống gia cầm quý hiếm ở tỉnh Bình Định: Vẫn đang rất an toàn  (16/02/2004)