Chuyện ghi ở xóm Tiêu
17:1', 5/3/ 2004 (GMT+7)

Tiệm sửa xe đạp của anh Cao Văn Đạt tại khu xóm Tiêu

Những ngày này, anh Nguyễn Hồng Thu - khu vực trưởng KV 6, phường Quang Trung (Quy Nhơn) - tất bật với bao nhiêu công việc. Nào là lên danh sách số cử tri trong khu vực, chuẩn bị cho ngày bầu cử HĐND sắp tới; nào là chuẩn bị cho lễ ra mắt 3 khu vực mới tại khu tạm cư xóm Tiêu - nơi ở mới của 557 hộ dân phường Trần Phú phải di dời để giải phóng mặt bằng làm đường Xuân Diệu. Cũng như ở các khu tạm cư khác trong tỉnh, tại khu tạm cư xóm Tiêu cũng đang diễn ra những cung bậc của cuộc sống mới, với tất cả những mừng vui, băn khoăn, bức xúc đời thường.

* Niềm vui nhà mới

Câu chuyện trở nên sôi nổi hơn khi anh Thu nói đến chuyện nhà cửa. Niềm vui của anh Thu cũng là tâm trạng chung của hầu hết người dân trong khu tạm cư này. Không còn cảnh phải chui ra chui vào trong những căn nhà tạm, nhà ổ chuột tranh tre nứa lá, phải uống nước giếng nhiễm phèn nhiễm mặn, điện đóm chập chờn, bây giờ những cư dân phường Trần Phú vốn sống dọc bờ biển đã có được một mái nhà ổn định, chắc chắn.

Cùng với màu vôi mới, những sắc màu sinh động khác của cuộc sống cũng đã hiện diện nơi đây. Một ngôi trường cấp II dành cho học sinh khu tạm cư đang được xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm học tới. Dọc các dãy nhà tạm cư, cả những dãy chưa có người ở, những cây xanh cao ngang đầu người đã được mang đến trồng. Lác đác ở mỗi dãy nhà cũng đã mọc lên một vài hàng quán. Tiệm cắt tóc, sửa xe đạp, quầy tạp hóa, quán giải khát, một chiếc xe bán kem dạo với lũ trẻ bu quanh…, tất cả là biểu thị cho sự khởi đầu của một cuộc sống mới.

 Một góc khu tạm cư xóm Tiêu

Sự hiện diện của mấy trăm hộ dân tạm cư cũng mang lại một sức sống mới cho khu dân cư xóm Tiêu. Nhiều nhà vốn lâu nay ở tận trong ruộng bỗng dưng trở thành nhà mặt đường - nghĩa là chỉ mấy bước đã ra tới đường lớn chứ không phải đi quanh đi quẹo như trước. Ông Nguyễn Ngọc Điệp ở KV 6 - một người dân gốc xóm Tiêu - bày tỏ: "Từ ngày có khu tạm cư này, cuộc sống ở đây đã có sự thay đổi. Nói nhộn nhịp thì chưa, nhưng cũng đã khác trước nhiều lắm". Sự đổi khác ấy còn hiện diện ở những ngôi nhà cao tầng mới xây ngay cạnh khu tạm cư. Đó là nhà của những hộ tái định cư sau khi nhà cũ bị giải tỏa để xây dựng khu tạm cư này.

* Và những "chuyện thường ngày"

Cái khó khăn nhất hiện nay của dân khu tạm cư xóm Tiêu mà đi đến đâu, gặp bất cứ ai cũng đều được nghe kể, đó là chuyện đi lại. Trong số 470 hộ đang tạm cư ở đây có hơn 80% số hộ làm nghề biển. Nhà mới cách xa biển, vì vậy để đi làm, họ phải đi xe. Nhưng không phải ai cũng có xe để đi và không phải ai cũng biết đi xe, cho dù là xe đạp. Vì thế, khoản tiền ít ỏi làm được trong ngày phải chi cho 2 vòng xe thồ, vị chi là mười ngàn đồng. Chị Trương Thị Hoa - Khu vực trưởng KV 7 - kể: "Vì muốn tiết kiệm tiền, có những chị chấp nhận đi bộ từ đây xuống dưới biển để buôn bán cá, gánh cá mướn chứ không đi xe". Mặt khác, một số hộ có ghe đã nhận nhà mới nhưng mà vẫn ở nhà cũ để trông coi ghe thuyền. Vì đi lại khó khăn, một số người đã chuyển nghề. Hai anh Huỳnh Văn Hoa và Diệp Văn Phước ở KV 6 bỏ nghề đi bạn, đi làm công nhân gỗ và đào ống cống, nhưng rồi do thu nhập thấp, lại không quen với việc mới, họ lại trở về với nghề cũ.

* Số dân phải di chuyển để làm đường Xuân Diệu: gần 2.500 hộ với 12.000 nhân khẩu.

* Khu tạm cư xóm Tiêu:

Số căn hộ: 903 căn, diện tích từ 32m2 - 42m2

Kinh phí xây dựng: 20 tỉ đồng.

Số hộ phải di dời đến khu tạm cư xóm Tiêu: 1.005 hộ, trong đó:

* Hộ có tàu thuyền: 243

* Hộ liên quan đến nghề biển và nghề nghiệp khác: 724

* Hộ cán bộ công chức: 38

Việc đi lại tốn kém không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người làm biển mà cả người buôn bán cũng bị "vạ lây". Một chị bán tạp hóa nhà ở dãy C1 than: "Buôn bán ế lắm. Do tốn tiền đi xe thồ nên người ta dè xẻn hơn chứ không chi tiêu thoải mái như trước". Còn với chị Võ Thị Thủy (KV7), gánh bún bán sáng "lập nghiệp" tại nơi ở mới của chị chỉ tồn tại được vài bữa. Bún ế, chị cùng đứa con gái xuống phường Trần Phú dạo quanh quán xá mời khách từng lon đậu phụng nấu.

Thiếu thốn phương tiện thông tin liên lạc và môi trường bị ô nhiễm cũng là vấn đề được đề cập trong câu chuyện thường ngày của người dân khu tạm cư. Chị Trương Thị Hoa - Khu vực trưởng KV 7- bức xúc: "Nhiều khi có đánh lộn hay một vụ gây rối nào đó, tôi phải đạp xe đi báo cáo, khi công an xuống thì đám lộn xộn đã giải tán". Một người dân khác phản ánh: "Nếu có điện thoại, chỉ cần nhấc máy là biết bữa nay dưới đó có đi biển không, khỏi chạy xuống chạy lên, vừa mất công lại vừa tốn tiền xe thồ". Còn chuyện môi trường ô nhiễm thì nó hiển hiện hàng ngày hàng giờ ở đây bằng những đám bụi đất đỏ mù mịt tấp vào nhà dân, vào người đi đường mỗi khi có xe lớn chạy qua. Nắng đã thế, mưa lại càng "đau khổ" vì đường lầy lội, nhớp nháp. Người dân KV 6 còn đau đầu hơn vì phải sống gần mương thoát nước thải từ xưởng chế biến than đá, vôi gần đó và của cả dân khu xóm Tiêu.

Những vấn đề phát sinh trong cuộc sống ở khu tạm cư xóm Tiêu đã nhiều lần được phản ánh đến các nhà chức trách. Ông Nguyễn Tấn Lung - Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: "Để giúp bà con ổn định cuộc sống, ngoài những vấn đề nêu trên, phường còn phải quản lý vấn đề an ninh trật tự, lo cho các em học sinh được đi học gần nhà. Có đến 43 hộ ở khu tạm cư là hộ nghèo nên số hộ nghèo của phường Quang Trung vốn vừa giảm từ 102 hộ (năm 2002) xuống 85 hộ (2003), nay lại tăng lên thành 128 hộ".

Một trạm xe buýt gần khu tạm cư để tiện việc đi lại, cho người dân mắc điện thoại, hoặc đặt một đại lý bưu điện gần đó, rải nhựa các con đường, đó là tất cả những gì người dân khu tạm cư xóm Tiêu đang mong đợi. Họ đã có một cuộc sống tốt hơn trước và họ vui mừng vì điều đó. Nhưng họ cũng thấp thỏm bởi hai chữ "tạm cư": không lẽ cứ tốn tiền xe thồ đi làm hoài dù thu nhập không tăng thêm, chừng nào thôi cảnh thuyền một nơi nhà một ngả, chừng nào thì được định cư… Dẫu biết rằng giải quyết được chỗ tạm cư cho dân đã là một cố gắng rất lớn của tỉnh, nhưng những phát sinh của nó cũng cần được quan tâm đúng mức, nhất là khi khu tạm cư xóm Tiêu được lấp đầy trong năm nay, để người dân có thể an cư lạc nghiệp.

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)
Hướng đến mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề   (01/03/2004)
Nhịp sống mới Nhơn Hòa…  (29/02/2004)
Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó   (27/02/2004)
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)
Sản xuất và tiêu thụ gạch thủ công đang hồi phục   (18/02/2004)
Những đổi thay ở một ngôi làng vùng cao   (17/02/2004)