|
Gia cố thân đập một công trình thủy lợi |
Hiện ở Bình Định có 152 hồ chứa nước lớn nhỏ, 140 đập dâng trên sông, 250 trạm bơm và hàng ngàn km kênh và công trình trên kênh. Các công trình này hằng năm cung cấp trên 1 tỷ m3 nước tưới cho 120.000 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt cho người và gia súc. Ngoài ra còn góp phần cắt lũ, bảo vệ môi trường ổn định đời sống cho nhân dân. Thế nhưng sau 2 cơn lũ xảy ra liên tiếp vào cuối năm 2003, toàn bộ những công trình trên đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Theo ước tính của ngành thủy lợi tỉnh, đã có khoảng 300 ngàn m3 đất đá bị cuốn trôi; hàng ngàn mét đê sông, kênh tưới nội đồng bị sạt lở gây khó khăn cho việc điều tiết, phân bổ nguồn nước tưới.
Theo ông Trần Châu, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hầu hết những công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ năm 1980 trở về trước, và đều thực hiện theo quy phạm thiết kế có tần suất lưu lượng lũ thấp hơn nhiều so với thiết kế. Thêm vào đó, hầu hết những công trình này đều được xây dựng bằng phương pháp đắp đất thủ công nên qua thời gian dài vận hành khai thác, giờ không còn mấy khả năng trụ được trước những cơn lũ khắc nghiệt. Bởi bị lũ thấm lâu dài sẽ làm tan hết những hạt mềm trong đập, chỉ còn lại hạt thô và sau đó nếu gặp thủy lực lớn, công trình rất dễ bị sụp đổ. Một hiện tượng phổ biến đang xảy ra trên nhiều công trình thủy lợi hiện nay là: nước rò ra sau đập và 2 bên mạn cống - đó là dấu hiệu của sự hư hỏng đang tiềm ẩn trong các công trình. Thực trạng này đang xảy ra trên gần 2/3 số công trình hiện có. Ngay đến cả các công trình lớn như hồ Núi Một, hồ Long Mỹ, hồ Phú Khương… cũng bị thấm.
Trong thời gian qua, ngành thủy lợi tỉnh phải dồn tổng lực mới kịp thời khắc phục lại toàn bộ những hư hỏng để kịp phục vụ nước tưới cho vụ đông xuân. Tuy nhiên, cũng theo ngành thủy lợi tỉnh, những khắc phục trên chỉ mới dừng lại ở mức độ "chữa cháy" trong lúc những công trình này cần được ổn định lâu dài để hằng năm khỏi phải mất đi một khoản lớn kinh phí dùng cho việc sửa chữa. Ông Trần Châu cho biết thêm: "Hầu hết các công trình thủy lợi đã bộc lộ sự xuống cấp và thiếu an toàn trong vận hành. Khó khăn hàng đầu của ngành thủy lợi hiện nay là vốn! Chưa nói đến chuyện tu sửa kiên cố phục vụ lâu dài, mỗi năm tỉnh phải chịu mất đi 50 tỷ đồng để duy tu sửa chữa các công trình hư hỏng. Không thể hoàn toàn trông chờ vào nguồn ngân sách của tỉnh, chúng tôi đành "tựa" phần lớn vào nguồn thu thủy lợi phí. Thế nhưng công tác thu thủy lợi phí hằng năm luôn gặp khó khăn nên chúng tôi chỉ còn cách "giật gấu vá vai" và làm "nợ" trả sau."
Rõ ràng, hơn lúc nào hết, các công trình thủy lợi của tỉnh đang cần đến sự quan tâm ưu tiên về kinh phí của các cấp, ngành chức năng để có được sự ổn định lâu dài, chống chọi được với diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết.
. Vũ Đình Thung |