Việc đào đãi vàng trái phép ở Hoài Đức: Bao giờ chấm dứt?
16:30', 8/3/ 2004 (GMT+7)

Miệng một hầm khai thác vàng

Từ Trạm Quản lý và bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn, sau 4 giờ xuyên rừng, chúng tôi đã có mặt tại địa điểm đào đãi vàng nằm ở độ cao trên 500m so với mặt biển. Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng nó đã bị xới tung như vừa trải qua đợt rải thảm của B.52.

Anh Trần Trung Miên, Hạt trưởng Kiểm lâm cho biết, hiện trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc 2 thôn Định Bình và Diễn Khánh của xã Hoài Đức có 8 điểm khai thác với hơn 100 hầm. Nhiều hầm đào âm vào lòng đất sâu từ 15 đến 20m. Dụng cụ chống sập là những loại cây rừng đan xen tạm bợ khiến chúng tôi không ai đủ can đảm để luồn sâu vào miệng hầm dù chỉ vài ba mét. Nguy cơ sập hầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Còn những mảng rừng thì loang lổ do sạt lở đất.

Tại hiện trường có 8 phương tiện máy móc và khoảng vài chục công nhân. Trong đó, chỉ có 4 người ở địa phương, còn lại là những người có thâm niên trong nghề đến từ bãi vàng ở Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Theo Công an huyện Hoài Nhơn, số người này chẳng ai có giấy tờ gì để đăng ký tạm trú hoặc chí ít cũng chứng minh là công dân hợp pháp. Vì là khai thác trái phép nên khi chúng tôi có mặt thì họ đã trốn sâu vào rừng, phương tiện đào đãi vàng cũng được tẩu tán chỉ còn chơ vơ những chòi và lán trại. Có lẽ thông tin về đợt truy quét đã bị lộ do một số chủ hầm là người thân hoặc có sự quen biết với một số cán bộ của xã. Như những lần trước, hiệu quả của đợt truy quét lần này cũng chỉ dừng lại ở mức độ là phá hủy phương tiện dùng khai thác vàng. Và do vậy, chỉ chờ lực lượng truy quét rút đi là các đối tượng đào đãi vàng trở lại tiếp tục hoạt động. Có thời điểm lực lượng công an và chính quyền xã Hoài Đức bố trí lực lượng thường trực canh giữ bãi vàng. Nhưng đối tượng khai thác từ các nơi kéo về rất đông, bãi vàng lại ở chốn "thâm sơn cùng cốc" này nên biết cử bao nhiêu người quản lý bảo vệ cho đủ? Thế là đành bỏ lại địa bàn cho chúng mặc sức khai thác.

Việc khai thác vàng bừa bãi đã gây nên thảm hoạt về môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bà con trong vùng. Ở đây, mọi con suối đều đục ngầu vì bùn đất và các loại chất độc. Một số trâu bò của bà con ở thôn Định Bình đã bị chết do uống phải dòng nước nhiễm hóa chất. Hàng chục ha rừng khoanh trồng nhận khoán và bảo vệ của nhân dân đã bị cày xới. Nhân dân 2 thôn đã kêu kiện đến các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Vùng rừng núi của xã Hoài Đức được phát hiện có vàng vào năm 2001. Liền sau đó, hết Công ty cổ phần Mạnh Thắng rồi đến Công ty Phú Tài có tờ trình xin UBND tỉnh cấp phép khai thác tận thu vàng. Ngày 16-4-2002, UBND tỉnh có CV 785/UB-CV chính thức cho phép Công ty Phú Tài khai thác trong phạm vi 20 ha tại thôn Diễn Khánh. Khi khai thác, Công ty Phú Tài đã có nhiều vi phạm như khai thác ngoài phạm vi cho phép, lấn sang vùng đất của thôn Định Bình, gây ô nhiễm môi trường, khiến nhân dân địa phương rất bất bình. Trên cơ sở kiến nghị của UBND xã Hoài Đức, UBND huyện Hoài Nhơn đã thành lập đoàn kiểm tra và đề nghị Công ty Phú Tài chấm dứt việc khai thác ngoài phạm vi cho phép, san lấp hầm và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu chậm nhất đến ngày 30-9-2002. Nhưng trên thực tế chỉ có một số ít hầm được san lấp lấy lệ. Thậm chí nhiều hầm độ sâu trên 10m nhưng chỉ gác cây, phủ lá rồi phả đất lên mặt tựa hồ như bẫy rình rập sinh mạng của người dân và súc vật trong vùng. Từ đó đến nay, các đối tượng từ khắp nơi lấy danh nghĩa hợp đồng với Công ty Phú Tài đưa máy móc vào bãi vàng xã Hoài Đức khai thác trái phép, phá hủy diện tích rừng đầu nguồn và thải các loại hóa chất gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân địa phương. UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện Hoài Nhơn và các ngành chức năng lập kế hoạch truy quét số đối tượng khai thác vàng trái phép nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến.

Chưa biết tình hình đào đãi vàng trái phép ở đây rồi sẽ ra sao?

. Tấn Tài

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Các công trình thủy lợi đang… khát vốn!  (07/03/2004)
Chuyện ghi ở xóm Tiêu  (05/03/2004)
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)
Hướng đến mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề   (01/03/2004)
Nhịp sống mới Nhơn Hòa…  (29/02/2004)
Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó   (27/02/2004)
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)
Thị trường trong cơn dịch cúm gà: thiệt đơn, thiệt kép   (20/02/2004)
Nỗ lực xây dựng vùng mía nguyên liệu thâm canh năng suất cao  (19/02/2004)