|
Mô hình cầu vượt đầm Thị Nại |
Quảng Nam có Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Ngãi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cùng các khu công nghiệp phụ trợ, còn Bình Định có gì? Câu hỏi đã làm nhức đầu lãnh đạo tỉnh Bình Định bấy lâu nay. Một đề án xin xây dựng đặc khu kinh tế tại bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn, đã được UBND tỉnh đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Cách đây hơn 10 năm, khi được tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình cũ, Bình Định được xem là tỉnh có nhiều lợi thế để bứt phá phát triển kinh tế. Từ vị trí địa lý có cửa biển gần đường hàng hải quốc tế, nằm ở khu vực giữa vùng Nam Trung bộ, có quốc lộ 19 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên liên thông với vùng hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, miền Trung Thái Lan… cho đến cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại với cảng biển nối kết với 10 cảng quốc tế, cùng thành phố Quy Nhơn (được công nhận đô thị loại 2 năm 1998) tương đối bề thế, bắt mắt các nhà đầu tư. Thế nhưng, chỉ vài năm sau Quảng Ngãi, một tỉnh không có nhiều điều kiện như Bình Định, đã bắt tay xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cùng các khu công nghiệp phụ trợ. Và khi Quảng Nam đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập khu kinh tế mở Chu Lai, đã đặt Bình Định vào thế không thể đứng yên, không thể từ từ phát triển.
Đứng trước nguy cơ đi trước về sau, từ năm 2001, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển các khu công nghiệp, tăng cường chế biến xuất khẩu lâm sản - một thế mạnh của tỉnh - và khai thác đá granit. Vấn đề đặt ra cho Bình Định lúc này là, phải làm gì để tạo được bước đột phá, khai thác tối ưu các lợi thế của mình. Ông Bùi Quốc Hồng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Đối ngoại của tỉnh cho biết: "Trong đợt khảo sát nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc nghiên cứu hình thành đặc khu kinh tế của Việt Nam, bán đảo Phương Mai thuộc thành phố Quy Nhơn là một trong 5 điểm (Cần Giờ-TPHCM; Côn Đảo-Vũng Tàu; Chu Lai-Quảng Nam; Cát Bà-Hải Phòng) được xem là hội tụ đủ điều kiện cho việc hình thành một đặc khu kinh tế. Điều này đã mở ra một hướng đi mới cho Bình Định".
Đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là điểm mấu chốt của Bình Định, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, bộ mặt của thành phố Quy Nhơn đã thay đổi rõ rệt, từ việc ra đời các khu công nghiệp, đường sá được nâng cấp. Cuối năm 2003, Chủ tịch UBND tỉnh đã có tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch mở rộng thành phố đến năm 2020, trong đó bán đảo Phương Mai (cách TP Quy Nhơn 7km) sẽ là trung tâm của khu đô thị mới và cũng là điểm bứt phá phát triển kinh tế của tỉnh. Và kéo bán đảo lại gần Quy Nhơn được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Cuối năm 2002, dự án cầu đường Quy Nhơn -Nhơn Hội được khởi công thực hiện, đây được xem là dự án cầu đường lớn nhất Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Với tổng độ dài trên 7km, bao gồm 5 cầu nhỏ vượt các khu đầm và cầu chính vượt eo biển dài gần 2.500m. Tổng kinh phí toàn bộ dự án trên 392 tỷ đồng, được khởi công ngày 3-11-2002 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2005.
Song song với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cuối tháng 2-2004, UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập khu kinh tế Nhơn Hội (thuộc bán đảo Phương Mai). Theo đó, quy hoạch chung của khu kinh tế Nhơn Hội đang được hoàn thành với định hướng phát triển 4 phân khu chức năng gồm: khu phi thuế quan (500ha); khu cảng biển nước sâu (300ha); khu công nghiệp (1.000-1.500ha); khu đô thị mới (1.000ha) cùng các khu vui chơi, giải trí, du lịch… Với công trình mở đường vượt biển, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua, người dân và chính quyền tỉnh Bình Định tin rằng, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ phát huy hết lợi thế của mình, kết hợp với khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) tạo thành vùng trọng điểm kinh tế cho khu vực Nam Trung bộ.
. Theo SGGP