Xe độ chế - loay hoay phương pháp quản lý
15:35', 9/3/ 2004 (GMT+7)

Với đặc điểm giá thành rẻ, chi phí vận chuyển thấp, phù hợp với địa bàn nông thôn nên việc đưa xe độ chế vào phục vụ chuyên chở hằng ngày là nhu cầu khá lớn của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi đó, xe độ chế vừa là nguyên nhân gây nên nhiều vụ tai nạn vừa là tác nhân phá hoại các công trình giao thông. Do đó, việc tìm kiếm một phương pháp quản lý xe độ chế thích hợp để đưa loại hình vận chuyển này đi vào khuôn khổ là một việc làm cấp thiết.

* Những hung thần gieo... cái chết

Xe độ chế rất tiện lợi trong việc vận chuyển hàng hóa ở nông thôn, miền núi

Một ngày giữa trưa tháng 8-2003, một tiếng va chạm mạnh nổ ra cộng theo đó là những tiếng hét thất thanh của người đi đường đã kéo người dân xung quanh đoạn ngã ba Cây Xoài trên tỉnh lộ 640 (Phước Thuận - Tuy Phước) ra khỏi giấc ngủ trưa. Một cảnh tượng kinh hoàng đang bày ra trước mắt mọi người. Chiếc xe độ chế mang biển số 77K-5833 do Trương Văn Trung (35 tuổi) điều khiển chở vật liệu xây dựng đã gây tai nạn với chiếc xe máy mang biển số 77S6-5545 do anh Nguyễn Hợp (34 tuổi) ở Lộc Hạ, Phước Thuận (Tuy Phước) điều khiển. Hậu quả không dừng lại ở việc thiệt hại về vật chất mà phải đánh đổi cả tính mạng của anh Hợp khi vết thương của anh quá nặng.

Những cái chết tức tưởi như trường hợp của anh Nguyễn Hợp hay nhiều vụ tai nạn khác có nguyên nhân từ do xe độ chế không phải ít.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Bình Định, nếu năm 2001 toàn tỉnh có 7 vụ tai nạn (4 người chết và 7 người bị thương) do xe độ chế gây ra thì năm 2002 số vụ đã tăng lên đến 11 vụ (5 người chết và 8 người bị thương). Đến năm 2003, con số tiếp tục tăng vọt lên 17 vụ (với 10 người chết và 14 người bị thương). Còn chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 3 vụ tai nạn do xe độ chế gây ra với 2 người chết và 2 người bị thương. Theo nhận định của Phòng CSGT tỉnh, đây mới chỉ là những con số thống kê được do mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Trên thực tế, tình hình này còn diễn biến phức tạp hơn nhiều bởi số vụ tai nạn, va quẹt hoặc bị thương đều được chủ xe "dàn xếp" ổn thỏa.

* Tìm một phương pháp quản lý

Ngày 1-1-1995, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) ra quyết định đình chỉ sản xuất và đăng ký lưu hành đối với các loại xe độ chế có gắn động cơ một xy lanh (còn gọi là xe công nông đầu ngang). Tuy nhiên, trên thực tế do yêu cầu của các tỉnh đồng thời để phù hợp với yếu tố đường sá nông thôn và tiện sử dụng, nên loại xe này vẫn được "bật đèn xanh" cho phép lưu hành.

Tại Bình Định, để cho phương tiện này tiếp tục hoạt động tại địa bàn các huyện, ngày 11-9-2000 UBND tỉnh có quyết định số 3033 QĐ-UB về việc quản lý xe độ chế trên địa bàn toàn tỉnh. Với quyết định này, các xe độ chế muốn lưu hành phải được Sở GT-VT kết hợp với Công an tỉnh kiểm định kỹ thuật và phải đăng ký biển số. Tính từ năm 2000 đến tháng 9-2001, toàn tỉnh có 1.458 xe độ chế được đưa vào diện quản lý. Các xe này sẽ được kiểm định 9 tháng một lần. Nếu đạt sẽ được dán tem an toàn và tiếp tục được phép sử dụng. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ từ Sở GT-VT cho biết, số lượng xe trôi nổi (không qua kiểm định nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động) cũng đã chiếm đến hơn 50%. Do đó, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành quyết định mới bổ sung với hình thức thu hồi dỡ bỏ các xe độ chế hoạt động không qua đăng kiểm. Ngoài ra, quyết định cũng quy định chặt chẽ về kỹ thuật của xe, giới hạn tốc độ và khối lượng hàng vận chuyển tối đa, giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động, nhưng xem ra việc quản lý vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Trung tá Huỳnh Đức Hạnh - Phó trưởng phòng CSGT tỉnh xác nhận: "Hiện nay, việc quản lý xe độ chế rất khó. Chẳng hạn, trong quy định mỗi xe độ chế không được chở quá 2,5 tấn hàng hóa và hạn chế thời gian di chuyển trên quốc lộ và đường liên tỉnh có mật độ lưu thông cao, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nhưng thực tế, các lực lượng thanh tra, kiểm tra không thể ứng trực suốt 24/24 để xử lý".

Trong khi đó, việc quản lý đội ngũ xe độ chế này tại các địa phương lại khá lỏng lẻo. Nhiều địa bàn có khá nhiều xe độ chế trôi nổi nhưng không tiến hành dỡ bỏ hoặc nếu có cũng chỉ qua loa mang tính hình thức. Một cán bộ Sở GT-VT cho biết thêm, trong các hình thức quản lý có đề xuất việc quản lý ngay từ cơ sở bằng các nghiệp đoàn. Thế nhưng, hiện nay mới chỉ có duy nhất huyện Phù Cát thành lập được 3 nghiệp đoàn.

Được biết, đến năm 2008 Bộ GT-VT sẽ cho thay thế toàn bộ số xe độ chế có gắn động cơ 1 xy lanh bằng loại xe tải nhẹ - ô tô nông dụng tiến tới từng bước xóa bỏ xe độ chế. Nhưng vướng mắc lại nảy sinh đối với người dân khi giá cả một chiếc xe như thế lên đến hàng chục triệu.

Với khả năng giải quyết việc vận chuyển hàng hóa nông sản, giải phóng sức người, phù hợp với yêu cầu của xã hội (đặc biệt đối với các huyện miền núi) nên chắc chắn xe độ chế vẫn còn tồn tại trong một thời gian khá lâu nữa. Tuy nhiên, để xe độ chế tồn tại như thế nào cho có hiệu quả là việc làm mà các cơ quan hữu quan và các địa phương phải tính đến ngay từ bây giờ.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định: Mở đường vượt biển   (09/03/2004)
Việc đào đãi vàng trái phép ở Hoài Đức: Bao giờ chấm dứt?   (08/03/2004)
Các công trình thủy lợi đang… khát vốn!  (07/03/2004)
Chuyện ghi ở xóm Tiêu  (05/03/2004)
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)
Hướng đến mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề   (01/03/2004)
Nhịp sống mới Nhơn Hòa…  (29/02/2004)
Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó   (27/02/2004)
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)
Hoài Ân xóa đói giảm nghèo   (24/02/2004)
Niềm vui nơi xóm nhỏ  (23/02/2004)
Màu xanh trên vùng đất cằn  (22/02/2004)