Trong những ngày gần đây, nạn khai thác vận chuyển lâm sản trái phép ở Hoài Ân đang diễn ra hết sức phức tạp. Bọn lâm tặc đã có nhiều hành vi chống đối lực lượng quản lý và bảo vệ rừng….
* Lâm tặc lại lộng hành
|
Gỗ lậu được Hạt kiểm lâm Hoài Ân tịch thu |
Một ngày đầu tháng 3-2004 trên tuyến đường từ UBND huyện Hoài Ân đến xã Ân Thạnh, chúng tôi thấy nhiều chiếc xe máy ngang nhiên chở gỗ lậu từ Hoài Ân xuống Bồng Sơn để tiêu thụ. "Chúng tôi ở đây thấy hoài, nhưng không ai dám ho he gì vì sợ chúng nó trả thù" - một chủ quán ven đường cho biết như vậy. Có lẽ vì thế mà lâm tặc vẫn tự tung tự tác, ngang nhiên hoạt động trước mắt thiên hạ.
Chúng tôi đem chuyện này kể với ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện Hoài Ân. Ông Bổ rầu rĩ nói: "Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để lập lại trật tự kỷ cương. Tuy nhiên, nạn khai thác vận chuyển gỗ trái phép vẫn diễn ra phức tạp, lâm tặc ngày càng xảo quyệt hơn, và liều lĩnh chống đối người thi hành công vụ". Nói rồi, ông Bổ đưa cho chúng tôi danh sách các đối tượng chuyên phá rừng mà Hạt đã thống kê được. Danh sách dài trên 2 trang giấy A4 ghi chi chít tên tuổi của 117 đối tượng chuyên phá rừng ở 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong đó có 22 đối tượng mà theo ông Bổ, là những đối tượng đã có hành vi chống người thi hành công vụ nhiều lần.
Gần đây, lực lượng kiểm lâm huyện Hoài Ân luôn gặp phải sự chống trả quyết liệt của bọn lâm tặc. Ngày 7-1-2004, một toán thanh niên khoảng 20 người, cầm đầu là tên Nguyễn Văn Bé ở thôn Phú Hữu xã Ân Tường Tây đã vào trụ sở của HKL Hoài Ân đòi lại phương tiện chở gỗ lậu bị bắt giữ, nhục mạ và đánh anh Nguyễn Tấn Tạo - cán bộ pháp chế của Hạt - bị trọng thương. Ngày 3-2-2004, một nhóm thanh niên khác ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa tổ chức uống rượu say rồi vào quậy phá trụ sở UBND xã và đánh nhiều cán bộ xã bị thương. Mới nhất, đêm 19-2-2004, tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, lực lượng kiểm lâm đã phục kích bắt 9 đối tượng đang chở gỗ lậu và cũng đã bị chống trả quyết liệt. Trong 2 tháng đầu năm nay, HKL huyện Hoài Ân chỉ bắt được 29 đối tượng vi phạm Lâm luật, nhưng trên thực tế số người vi phạm Lâm luật lớn hơn rất nhiều.
* Quản lý, bảo vệ rừng thiếu hiệu quả
Huyện Hoài Ân có trên 52.700 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 16.371 ha đất có rừng, phân bố ở hầu khắp 14/14 xã, thị trấn. Tuy nhiên, người dân chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài của rừng nên thường xuyên lén lút vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Mặc dù huyện Hoài Ân đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Song, việc triển khai lại không đồng bộ, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhân dân nơi có rừng nên hiệu quả không cao, chỉ có một vài xã làm tốt công tác này, nhưng chưa được đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng. Trong khi đó, các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm Lâm luật của Hạt chưa đủ mạnh, nên nhiều đối tượng sau khi bị phát hiện, xử lý, đã tiếp tục vi phạm. Nguy hại hơn, những đối tượng này ngày càng có nhiều hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị phát hiện, và tiếp tay cho những kẻ khai thác gỗ từ địa phương khác đến.
. Phạm Tiến Sĩ
|