Hợp tác xã của những cựu chiến binh
16:53', 12/3/ 2004 (GMT+7)

Sản xuất bao bì Carton tại HTX 22-12 (ảnh: Văn Lưu)

Đến TP Quy Nhơn hỏi thăm HTX 22-12 thì gần như ai cũng đều biết. Sự nổi tiếng không chỉ vì quy mô hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và uy tín chất lượng sản phẩm mà còn bởi đây là HTX duy nhất ở Bình Định do những cựu chiến binh (CCB) đứng ra thành lập. Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, đến nay HTX đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối vững mạnh. Nhà xưởng, văn phòng làm việc nằm trên khu đất rộng gần 1 ha. Tổng giá trị tài sản cố định và vốn lưu động trên 7 tỷ đồng. Nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất, thiết bị phòng cháy chữa cháy… cũng được đầu tư mua mới hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt trong năm 2002, bên cạnh dây chuyền sản xuất bao bì Carton, HTX còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng mở rộng ngành nghề mới bằng việc đầu tư thêm dây chuyền sản xuất chai Pet nhựa, công suất 12 triệu chai/năm nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Do đó đã giải quyết được hơn 94 lao động và con em xã viên, bộ đội xuất ngũ có việc làm thường xuyên và ổn định. Lương bình quân mỗi công nhân từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Các khoản phúc lợi xã hội như chế độ BHXH, bảo hộ lao động, nghỉ lễ, tết, thai sản, ốm đau… HTX đều thực hiện tốt.

Hàng năm doanh thu của HTX tăng cao. Nếu như năm 2001, doanh thu của HTX đạt 3,5 tỷ đồng thì đến năm 2002 con số này lên hơn 5 tỷ và năm 2003 là trên 7 tỷ đồng; nộp thuế cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trả lãi cổ phần luôn đảm bảo ở mức 1,2% vốn góp của xã viên.

Bác Nguyễn Hải, thiếu tướng, có trên 50 năm tuổi Đảng, hiện là chủ nhiệm của HTX tâm sự: "Sau khi về hưu, các anh em CCB chúng tôi muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa trong lúc tuổi già, giúp đỡ con em của các CCB có việc làm ổn định, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội, xóa được đói giảm được nghèo… Từ quyết tâm đó, HTX 22 -12 ra đời". Buổi đầu sơ khai, HTX chỉ sản xuất loại bao bì Carton phục vụ mặt hàng gỗ xuất khẩu cho các công ty gỗ ở địa phương. Nguồn vốn ban đầu chỉ có 500 triệu đồng do Hội viên CCB tự nguyện góp vào để mua sắm máy móc và thuê mặt bằng sản xuất. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, do còn thiếu kinh nghiệm, công nhân tay nghề thấp, khách hàng chưa nhiều nên HTX thua lỗ 2 năm liên tiếp gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên với tinh thần kiên cường của anh Bộ đội Cụ Hồ, không chịu khuất phục trước khó khăn, những người lính năm xưa đã quyết tâm vượt khó đi lên.

Máy dập chai Pet của HTX 22-12 (ảnh: Văn Lưu)

Sau khi tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ 2 năm, Ban quản trị mới đã rà soát nắm lại toàn bộ tình hình lực lượng, công nhân lao động của HTX, tinh gọn bộ máy, thực hiện khoán sản phẩm cho người lao động, phân công lao động chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Kết quả là chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2000 sản xuất đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 240 triệu đồng và trả lãi cho xã viên ở mức 6,3% vốn góp, vượt so với quy định ban đầu là 1,2%. Lãi ròng đạt từ 3-5%/doanh thu. Năm 2002, với chủ trương chuyển từ vốn vay lấy lãi sang vốn góp cổ phần, mỗi cổ phần thấp nhất là 5 triệu, cao nhất là 50 triệu đồng (10 cổ phần), đã tạo cho công tác quản lý tài chính của HTX tập trung và thống nhất, tăng thêm trách nhiệm cho mỗi lao động. Số xã viên ngày càng tin tưởng và gắn bó vào sự phát triển của HTX, chỉ trong vòng 3 năm (2000-2003) từ con số 117 xã viên đã tăng lên 227 xã viên. Cũng trong năm 2002, HTX đưa thêm dây chuyền sản xuất chai Pet nhựa vào hoạt động, doanh thu tăng thêm hàng tỉ đồng mỗi năm, tăng nguồn vốn tích lũy, từ đó HTX từng bước đầu tư cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những chai Pet nhựa do HTX sản xuất được bán cho các cơ sở chế biến nước mắm trong tỉnh và các tỉnh bạn như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên…

Do giá cả hợp lý, chất lượng cao và khả năng tiếp thị tốt nên gần như sản phẩm của HTX làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó. Công nhân sản xuất trực tiếp và gián tiếp, kể cả các thành viên trong Ban quản trị cũng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những nội quy do HTX quy định và bảo đảm tính kỷ luật cao trong sản xuất. Chính vì thế nên các chỉ tiêu của HTX luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Trở lại HTX 22-12 trong những ngày này, chúng tôi bắt gặp một không khí nhộn nhịp, phấn khởi của công nhân lao động. Có thể nói, HTX 22-12 là một điển hình về tính chịu đựng vượt qua mọi khó khăn thử thách và nhạy bén năng động trong mọi hoàn cảnh của những người CCB. Đây cũng là một điển hình trong phong trào kinh tế hợp tác - HTX ở Bình Định.

. Lê Quang Danh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Ân: Máu rừng vẫn chảy   (11/03/2004)
Nước mắm Như Hoa: Khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm   (10/03/2004)
Xe độ chế - loay hoay phương pháp quản lý   (09/03/2004)
Bình Định: Mở đường vượt biển   (09/03/2004)
Việc đào đãi vàng trái phép ở Hoài Đức: Bao giờ chấm dứt?   (08/03/2004)
Các công trình thủy lợi đang… khát vốn!  (07/03/2004)
Chuyện ghi ở xóm Tiêu  (05/03/2004)
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)
Hướng đến mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề   (01/03/2004)
Nhịp sống mới Nhơn Hòa…  (29/02/2004)
Giá xăng dầu tăng: Các đơn vị vận tải kêu khó   (27/02/2004)
Đầu tư cò con, làm sao hiệu quả?  (26/02/2004)
Thấp thỏm mùa dưa hấu  (25/02/2004)