Gần đây, nhiều chuyên gia máy tính ở Quy Nhơn phải kêu trời vì hàng loạt máy tính bị virus tấn công. Theo đó, nhiều dữ liệu trong máy tính bị xóa sạch và không ít máy đã "ra đi" vì những "vị khách" virus không mời mà đến...
* Những tác hại
Virus máy tính bắt đầu xuất hiện từ năm 1992 với khoảng 1.500 đến 2.000 loại, trong đó có khoảng 50% gây tác hại. Nhưng đến nay đã có khoảng 80.000 loại virus, phần lớn đều gây tác hại.
Anh Võ Gia Nghĩa - Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghệ thông tỉnh, phân tích: "Những loại virus nguy hiểm có thể phá hủy định dạng ổ đĩa cứng khiến cho các chương trình dữ liệu không thể phục hồi được, một số loại khác chỉ có tác động phá hủy từng phần, chỉnh sửa một số file hoặc nhóm file nào đó. Hậu quả là phải mất thời gian để phát hiện, chỉnh sửa nhưng cũng có khả năng hư hỏng không bao giờ phát hiện được để xử lý".
Virus máy tính không chỉ đơn thuần phá máy tính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Số liệu thống kê của ngành Bưu chính-Viễn thông cho thấy, ngày 25-11-1997 và 1998 hàng ngàn máy tính ở Việt Nam bị một loại virus tên Date xóa sạch dữ liệu, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 26-4-1999 và 2000, virus Chernobyl chỉ trong một buổi sáng đã phá hủy dữ liệu của hàng trăm ngàn máy tính tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Tháng 5-2000, virus Love Letter chỉ trong 6 giờ đã đồng loạt tấn công các máy tính tại 20 quốc gia (trong đó có Việt Nam) làm lây nhiễm 55 triệu máy tính, gây thiệt hại nghiêm trọng cho 3 triệu máy tính; năm 2001, xuất hiện hàng loạt các virus đặc biệt có loại virus Code red hay virus Nimda không chỉ tấn công qua đường Email mà còn đồng thời tấn công bằng nhiều con đường thông qua mạng Internet. Ngày 6-5-2002, virus KlezE.Worm tấn công hàng ngàn mạng máy tính của các tổ chức, cơ quan trong cả nước mà không thể khôi phục lại được. Và hiện nay, cả thế giới máy tính lại chịu cuộc tấn công của virus MyDoom, nhiễm vào hệ thống máy tính qua mạng Internet. Riêng trong năm 2003, virus đã gây thiệt hại tới 55 tỉ USD và tăng gấp đôi so với năm 2002, gây thiệt hại nhiều nhất là các chủng loại virus lây nhiễm qua mạng và thư rác.
* Phòng, chống thế nào?
Anh Hoài - Chuyên viên CNTT Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định, cho biết: "Virus máy tính lây nhiễm rất nhanh qua nhiều đường gồm các phần mềm không có bản quyền có khả năng mang virus từ máy, được sao chép hoặc copy tới; trò chơi điện tử; trang web tiện ích chuyên cung cấp phần mềm miễn phí và thư điện tử... Những máy tính dùng chung hệ thống mạng LAN thường chiếm tỷ lệ nhiễm virus lớn nhất, đặc biệt là những chiếc máy tính không cài đặt phần mềm chống virus. Các virus có khả năng tự nhân bản, tự copy vào các file chương trình. Mỗi con virus tự nhân bản mỗi khi máy tính đó đọc file bị lây nhiễm".
Theo nhiều chuyên gia máy tính, để phòng chống virus người sử dụng máy tính cần cẩn trọng khi nhận thông tin từ bên ngoài vào. Ở Việt Nam hiện có hai phần mềm diệt virus là Bkav và D2, ở nước ngoài có các chương trình Norton Antivirus, Mc Afee, Trend Micro, Panda. Tuy nhiên, dù máy tính đã cài đặt chương trình chống virus vẫn có khả năng lây nhiễm như thường. Ngoài ra, để hạn chế khả năng lây nhiễm và tác động xấu của virus lên máy tính, người sử dụng máy tính cần phải thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus như Bkav, D2, NAV. Với tốc độ phát triển của virus như hiện nay thì trong thời gian 1 tuần, người sử dụng nên cập nhật một lần với các phiên bản mới nhất. Người sử dụng cũng nên định kỳ quét virus trên máy tính mình sử dụng.
. Anh Tú |