Khôi phục chăn nuôi gia cầm sau dịch cúm:
Các trại giống và người chăn nuôi đã sẵn sàng
15:51', 15/3/ 2004 (GMT+7)

Trong khi UBND tỉnh chuẩn bị chính thức công bố hết dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, thì các trại giống và người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị khôi phục sản xuất.

* Các trại giống gia cầm đã khởi động

Người dân đã bắt đầu nuôi vịt trở lại

Chúng tôi có mặt tại Trạm Thực nghiệm vật nuôi Diêu Trì (TNVNDT) ngày 12-3-2004. Các biện pháp bảo vệ đàn gia cầm giống gốc (các giống vịt) tại đây vẫn còn thắt chặt. Công nhân trong trại đều rất bận rộn với các công việc phun thuốc tiêu độc sát trùng, phân loại, tuyển lựa trứng vịt giống tốt để đưa vào lò ấp, chuẩn bị cung cấp con giống cho thị trường. Trạm trưởng Nguyễn Xuân Tân cho biết: "Để chuẩn bị cung cấp con giống cho người chăn nuôi, hiện nay Trạm đã tuyển chọn đưa vào lò ấp hơn 5.000 quả trứng vịt gồm các giống Kakicampell, CV 2.000. Dự kiến đến đầu tháng 4 tới, lứa vịt giống này sẽ được đưa ra thị trường. Trạm cũng đã cử lực lượng cán bộ kỹ thuật đến các địa phương để nắm bắt nhu cầu con giống của người dân nhằm có kế hoạch cung cấp kịp thời". Cũng theo ông Tân, với đàn vịt giống gốc 1.500 con của trạm hiện có, mỗi ngày có thể cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 đến 1.300 con giống. Với lượng giống này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu con giống cho người chăn nuôi sau khi tỉnh công bố hết dịch.

* Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT: Sẽ chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi gia cầm sau khi tỉnh có quyết định công bố hết dịch! Theo thống kê của Chi cục Thú y, giá trị thiệt hại do tiêu hủy và xử lý gia cầm trong đợt dịch cúm gia cầm vừa qua khoảng 5 tỉ đồng. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cho Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương thống kê lại toàn bộ thiệt hại, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi sau khi hết dịch cúm. Khoản kinh phí này nhằm giúp người dân mua con giống khôi phục lại chăn nuôi.

* Ông Nguyễn Đình Long, Trưởng Phòng Kinh doanh Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định: Chúng tôi đã chỉ đạo cho các chi nhánh ngân hàng ở các địa phương khảo sát lại nhu cầu vay vốn của hộ chăn nuôi gia cầm để có kế hoạch cho vay kịp thời sau khi tỉnh có quyết định công bố hết dịch cúm. Để thuận tiện cho việc vay vốn, Chi nhánh đã cử cán bộ tín dụng đến các xã bị thiệt hại để hướng dẫn, giúp đỡ nông dân làm các thủ tục vay vốn. Hiện nay, số hồ sơ mà nông dân đã lập để được vay vốn tái chăn nuôi đã lên đến vài tỉ đồng. Sau khi tỉnh công bố hết dịch cúm, chúng tôi sẽ tiến hành giải ngân để kịp thời hỗ trợ cho nông dân.

Tại Trại cung cấp gà giống An Nhơn thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền Trung, việc chuẩn bị con giống cũng đã sẵn sàng. Ông Đoàn Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Hiện nay, đàn gà giống của trung tâm đang được tăng cường khẩu phần thức ăn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiêm ngặt để đáp ứng nhu cầu con giống cho người dân. Với đàn giống 1.600 con gồm giống gà Hoa Lương Phượng và giống gà Sac - Sô, mỗi ngày trại giống này có thể đáp ứng khoảng 1.200 con giống. Bắt đầu từ trung tuần tháng 4 tới, Trại gà giống An Nhơn sẽ có gà giống cung cấp ra thị trường…

* Các trang trại chuẩn bị khôi phục chăn nuôi

Cơn lốc dịch cúm đi qua đã làm thiệt hại nặng nề cho các chủ trang trại và các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng không nản lòng trước khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi đã sẵn sàng cho việc khôi phục chăn nuôi gia cầm sau khi tỉnh công bố hết dịch. Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Xuân Du ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An (Tuy Phước) trong lúc ông đang cùng với lực lượng thú y tiến hành tiêu độc, sát trùng chuồng trại lần cuối để nuôi gà trở lại vào đầu tháng 4 tới. Trại chăn nuôi gà của ông là một trong số những trang trại có quy mô lớn của huyện Tuy Phước với 6 dãy chuồng nuôi, mỗi lứa nuôi được hơn 6.000 con gà. Trong đợt dịch vừa qua, đàn gà của ông tuy chưa có dấu hiệu dịch, nhưng để bảo đảm an toàn, ông đã tự nguyện tiêu hủy toàn bộ đàn gà của mình. Ông Du cho biết, khi tỉnh công bố hết dịch, ông sẽ phát triển trở lại đàn gà với qui mô khoảng 2.000 con…

Anh Trần Minh Định - chủ một trang trại gà giống ở thị trấn Tuy Phước, hiện có đàn gà giống 1.400 con, gồm hai giống: Hoa Lương Phượng và Isa Collor cũng đang tăng cường các biện pháp chăm sóc để sớm phát triển đàn gà giống của mình. Anh cho biết, mấy ngày nay, khẩu phần thức ăn cho đàn gà đã được tăng lên gấp nhiều lần, việc tiêu độc sát trùng cũng được triển khai triệt để. Đầu tháng 4 tới, đàn gà của anh sẽ cho trứng ổn định…

Hy vọng rằng, với các bước chuẩn bị khá tích cực của các trại giống và người chăn nuôi, trong thời gian không lâu nữa đàn gia cầm của tỉnh sẽ được khôi phục.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Virus máy tính: Phòng chống thế nào cho hiệu quả?  (14/03/2004)
Phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân  (14/03/2004)
Hợp tác xã của những cựu chiến binh   (12/03/2004)
Hoài Ân: Máu rừng vẫn chảy   (11/03/2004)
Nước mắm Như Hoa: Khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm   (10/03/2004)
Xe độ chế - loay hoay phương pháp quản lý   (09/03/2004)
Bình Định: Mở đường vượt biển   (09/03/2004)
Việc đào đãi vàng trái phép ở Hoài Đức: Bao giờ chấm dứt?   (08/03/2004)
Các công trình thủy lợi đang… khát vốn!  (07/03/2004)
Chuyện ghi ở xóm Tiêu  (05/03/2004)
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)
Hướng đến mục tiêu kinh doanh đa ngành nghề   (01/03/2004)
Nhịp sống mới Nhơn Hòa…  (29/02/2004)