Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (GĐT) - thị trấn Đập Đá (An Nhơn) - chính thức hình thành và đón các doanh nghiệp (DN) vào hoạt động từ cuối năm 2002. Ở một địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp và các làng nghề truyền thống nhỏ lẻ như thị trấn Đập Đá, việc có được Cụm công nghiệp đã tạo cơ hội cho các cơ sở mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Một góc Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng |
Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Đập Đá, phấn khởi cho biết: "Cụm công nghiệp GĐT mặc dù mới hình thành nhưng đã giải quyết được 656 lao động tại địa phương và 300 lao động ở địa phương khác. Khi chưa có Cụm công nghiệp, tỉ trọng kinh tế của ngành CN-TTCN thị trấn chỉ chiếm 38%, sau khi có Cụm công nghiệp đã tăng lên 45,2%". Được biết, Cụm công nghiệp GĐT có diện tích 17 ha, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gần 9 tỷ đồng, nằm kề với Quốc lộ 1A rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Sau hơn một năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay Cụm công nghiệp GĐT đã được lấp đầy với 49 DN đăng ký thuê đất. Trong đó có 39 DN đã đi vào sản xuất, 7 DN vừa sản xuất vừa hoàn thiện nhà xưởng, 3 DN khác đã đăng ký thuê đất nhưng vẫn chưa xây dựng nhà xưởng. Theo ông Trương Mạnh Hùng, Trưởng phòng Công nghiệp và Xây dựng huyện An Nhơn, Cụm công nghiệp GĐT đã lấp đầy khá nhanh. Hiện nay còn khá nhiều DN đăng ký xin vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp GĐT nhưng không có đất để giải quyết. Trước những yêu cầu bức thiết của các DN, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt cho mở rộng Cụm công nghiệp GĐT thêm 22 ha để tạo điều kiện cho các DN đăng ký vào sản xuất tại đây.
Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hiện nay Cụm công nghiệp GĐT còn nhiều vấn đề khiến các DN chưa yên tâm để sản xuất. Đường ống cấp thoát nước và hệ xử lý nước thải tập trung vẫn chưa làm xong. Đường vào Cụm công nghiệp và đường nội bộ làm dang dở rồi ngừng thi công, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa của các DN. Ông Anh cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện An Nhơn, sớm hoàn thiện các phần việc còn lại để cho các DN yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó cũng đề nghị thu hồi đất của 3 DN đã đăng ký thuê đất nhưng quá hạn vẫn chưa hoạt động, giao lại cho các DN khác đang thực sự cần đất để mở rộng sản xuất".
Khi chưa có Cụm công nghiệp GĐT, các cơ sở tại địa phương chỉ sản xuất thủ công với qui mô nhỏ hẹp. Thì giờ đây, sau khi được đầu tư vào Cụm công nghiệp GĐT, các cơ sở đã mở rộng qui mô sản xuất. Chẳng hạn DN tư nhân sản xuất bột nhang Nguyễn Nga Lâu, lúc đầu chỉ là một cơ sở sản xuất bột nhang thủ công với 5 lao động, sản phẩm làm ra chủ yếu cung cấp cho những hộ làm nhang trong vùng. Sau khi đầu tư mở rộng sản xuất vào Cụm công nghiệp GĐT, sản phẩm của Nguyễn Nga Lâu làm ra không những mở rộng tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn ra nước ngoài. Hiện sản phẩm bột nhang của DN tư nhân Nguyễn Nga Lâu đã xuất khẩu được sang các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ… Năng lực sản xuất của DN tư nhân Nguyễn Nga Lâu hiện nay khoảng 300 tấn bột nhang/tháng; giải quyết việc làm cho 200 lao động với thu nhập bình quân hơn 700 ngàn đồng/người/tháng. Trong năm 2003, DN tư nhân Nguyễn Nga Lâu đã đầu tư xây dựng thêm cơ sở sản xuất bao bì, mỗi tháng sản xuất khoảng 1 tấn bao bì các loại, giải quyết việc làm cho 60 công nhân với mức lương 600 ngàn đồng/người/tháng.
Và không chỉ có DN Nguyễn Nga Lâu, nhiều DN khác cũng đã có sự "lột xác" lớn mạnh thực sự sau khi đăng ký đầu tư sản xuất trong Cụm công nghiệp GĐT. Có thể nói, việc Cụm công nghiệp GĐT hình thành và đi vào hoạt động đã không chỉ góp phần thúc sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Đập Đá và huyện An Nhơn mà còn là một bước đệm để đưa thị trấn Đập Đá trở thành một thị trấn công nghiệp trong tương lai không xa.
. Nguyễn Phúc
|