Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng
17:8', 16/3/ 2004 (GMT+7)

Thị trường thép xây dựng có dấu hiệu âm ỉ tăng giá từ giữa năm 2003, nhưng vẫn chỉ dao động ở mức 5 triệu đồng/tấn, tăng 500 ngàn đồng/tấn so với thời điểm trước đó. Thế nhưng bước sang năm 2004, giá thép lại có biến động không ngờ. Đầu tháng 1, giá thép đã là 7 triệu đồng/tấn và hiện nay đang ở khoảng 9 triệu đồng/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2003. Đây là một mức giá kỷ lục từ trước đến nay.

* Giá thép leo thang chóng mặt

Nhiều công trình xây dựng ở Quy Nhơn phải dừng lại vì giá thép tăng

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, giá thép tăng vì mấy nguyên nhân sau: Để bảo hộ cho các nhà sản xuất trong nước, từ lâu Chính phủ đã không cho nhập khẩu thép thành phẩm. Tất cả các doanh nghiệp (DN) chỉ được nhập phôi thép. Trong khi đó, phôi thép sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất, còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Thế nhưng, từ giữa năm 2003 đến nay, giá phôi thép trên thị trường quốc tế liên tục tăng. Từ chỗ giá nhập khẩu chỉ 230 USD/tấn, đến nay đã tăng lên 480 USD/tấn. Nguyên nhân, do các nước sản xuất phôi thép hàng đầu thế giới như: Mỹ, Nga, Úc, Ukraina… giảm sản lượng khai thác hoặc siết chặt đầu ra đối với các loại nguyên liệu thép. Bên cạnh đó, còn do nhu cầu sử dụng thép tăng cao của Trung Quốc để xây dựng các công trình phục vụ cho Olympic 2008. Trung Quốc là nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, trong khi đó khả năng sản xuất của nước này chỉ đáp ứng hơn một nửa.

Vấn đề mà dư luận đang quan tâm hiện nay là bao giờ giá thép hạ và hạ đến mức nào? Theo như dự báo của các nhà phân tích kinh tế, giá phôi thép trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa năm 2004, và phải còn khá lâu mới hy vọng giá thép hạ nhiệt.

* Tốc độ xây dựng chững lại

Ngoài giá thép tăng, điều khó khăn cho các DN xây dựng và những người có nhu cầu xây dựng các công trình có liên quan đến thép là thép xây dựng đang trở nên khan hiếm trên thị trường. Gần như một số công trình xây dựng đòi hỏi có nhiều sắt thép của tỉnh đang "đóng băng". Các DN xây dựng đồng loạt giảm tiến độ thi công để chờ đợi giá thép hạ. Qua trao đổi với một số chủ DN xây dựng trong tỉnh, chúng tôi đã ghi nhận được một tâm trạng chung là: Tất cả đều bất ngờ và bị động trước tình cảnh này. Bởi vậy, cho dù hiện nay đang là mùa xây dựng của các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định, nhưng các hoạt động xây dựng năm nay trong tỉnh có phần chững lại, nhiều công trình tiến hành đấu thầu chậm, khởi công chậm và tiến độ xây dựng cầm chừng.

Đối với các chủ thầu tư nhân xây dựng quy mô nhỏ, chuyên xây dựng các nhà tư nhân, cũng chỉ biết kêu trời vì giá thép tăng; hợp đồng đã ký, cứ thế thực hiện, không thể kỳ kèo thêm bớt. Anh Nguyễn Cao Toại, một chủ thầu xây dựng ở An Nhơn, cho biết: "Thật khó cho chúng tôi. Bởi khi nhận hợp đồng thì tính toán giá thép ở mức 6 triệu đồng/tấn. Thế nhưng hiện nay giá thép lên đến 9 triệu đồng/tấn, nhưng mua cũng rất khó vì các cửa hàng, đại lý không bán nợ và chỉ bán với số lượng rất ít. Bởi vậy, hiện nay chúng tôi chỉ thi công những ngôi nhà hoặc công trình không có sắt thép và chờ đợi giá thép hạ mới thi công các công đoạn và các công trình còn lại". Còn những người đang có ý định và chuẩn bị xây nhà cũng đành ngưng lại để nghe ngóng đợi chờ thép hạ nhiệt.

* Doanh nghiệp xây dựng đang lao đao

Công ty TNHH Xây dựng Tân Phú là một trong nhiều công ty xây dựng của tỉnh đang gặp khó khăn vì giá thép tăng. Hiện nay công ty có 8 công trình xây dựng dở dang, phải cho 1 công trình tạm ngừng, các công trình còn lại tiến độ thi công chỉ bằng 1/2 so với trước, do không có khả năng bù lỗ vào khoản chênh lệnh quá lớn từ sự tăng giá thép này. Ông Nguyễn Chí Hạnh, Giám đốc Công ty, cho biết: "Thực tế đến bây giờ chúng tôi cũng chẳng biết xử lý thế nào. Giá thép tăng đã đẩy chúng tôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Bởi các công trình mà chúng tôi đấu thầu đều phải sử dụng một khối lượng thép rất lớn, nên giá thép tăng khiến chúng tôi phải lỗ rất nặng".

Theo tính toán của các DN xây dựng, giá thép xây dựng thông thường chiếm khoảng 15-20% tổng giá trị công trình, do vậy khi giá thép tăng lên gấp đôi như hiện nay thì giá thành công trình thường tăng khoảng 13-18%. Đơn cử như Công ty 508 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5) đơn vị trúng thầu thi công các công trình như: Cầu Hà Thanh 2, cầu Hà Thanh 5 và thi công phần dầm mặt cầu Hà Thanh 1, đang gặp rất nhiều khó khăn trong thi công các công trình này, do sự tăng giá thép đột biến. Tổng giá trị hợp đồng của 3 công trình này là 28,3 tỉ đồng. Thế nhưng với việc giá thép tăng như vậy, riêng phần trượt giá thép đã là 5,2 tỉ đồng. Một con số rất lớn so với tổng giá trị hợp đồng trúng thầu của đơn vị. Ông Nguyễn Chí Hạnh, cho biết thêm: "Nếu Nhà nước mà không kịp thời có những chính sách phù hợp cho nhà thầu tụi tôi thì chắc chắn các DN như chúng tôi sẽ bị thua lỗ đến phá sản".

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, ở những công trình lớn có tình trạng chủ đầu tư không chấp nhận nâng đơn giá cho các nhà thầu. Chủ đầu tư lập luận: dự án đã ký kết, theo đúng lý nhà thầu phải thi công "lời ăn lỗ chịu". Còn nhà thầu cho rằng, càng thi công càng lỗ, nên chấp nhận chịu phạt. Điều này nằm ngoài ý muốn của các DN, bởi vì giá thép tăng là điều bất khả kháng mà DN không lường trước được trong sản xuất kinh doanh.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có công văn gửi đến các sở, ban ngành trực thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát tất cả các công trình xây dựng cơ bản do đơn vị làm chủ đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên các công trình cần đẩy nhanh tiến độ như: trường học, công trình giao thông, cơ sở hạ tầng các khu tái định cư…, lập báo cáo gửi UBND tỉnh trước ngày 15-3 để tỉnh có hướng xử lý cho phù hợp.

. Ngọc Thái

 

Ông Nguyễn Ngọc Trai, Phó giám đốc Sở Xây dựng: Hiện nay, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tái định cư tiến độ đều chậm vì bị ảnh hưởng bởi giá vật liệu xây dựng, nhất là cơn sốt thép với giá tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Các nhà lập dự án, thiết kế, lập dự toán đều tính theo những tháng hoặc năm trước, giờ đây không phù hợp. Bởi vậy, các DN xây dựng đã không dám đẩy nhanh tiến độ xây dựng vì sợ bị lỗ. Trước thực trạng như vậy, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở đã nắm bắt tình hình từ các DN để tập hợp, đề xuất biện pháp trình tỉnh có hướng giải quyết.

Ông Võ Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tân Thành: Giá sắt thép tăng như vậy khiến cho các DN xây dựng như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc phải bù lỗ vào khoản chênh lệch do giá thép tăng, việc tăng giá này đã dẫn đến hệ quả là một số đại lý cung cấp sắt thép không chịu bán hàng như ngày trước, cho DN nợ khoảng 20-40% số tiền mua hàng hoặc cho trả chậm trong vòng 1-2 tuần. Hiện nay, DN muốn mua sắt thép thì phải trả tiền ngay, nhưng các đại lý cũng chỉ bán với số lượng có hạn với mức giá tự phát. Trước thực trạng này, chúng tôi xin kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng nhanh chóng có các biện pháp giải quyết, tạo điều kiện cho DN có thể tiếp tục thi công các công trình đúng tiến độ, giảm nhẹ thiệt hại về tài chính, nếu không thì DN có nguy cơ bị phá sản.

Ông Võ Văn Bung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thu Hương (Quy Nhơn): Sở dĩ hiện nay chúng tôi không bán nợ sắt thép cho các đơn vị xây dựng là bởi giá thép tăng liên tục và không ổn định. Có nhiều lúc chúng tôi vừa mới bán hàng ra, mua vào liền, mà đã bị lỗ ngay vì sự tăng giá này. Ngoài ra, ngày trước chúng tôi có thể mua nợ sắt thép được của các công ty, đơn vị sản xuất và cung ứng, nhưng hiện nay thì không. Bây giờ chúng tôi cũng phải giao tiền mặt mới có thể nhận được hàng.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng - Động lực phát triển của thị trấn Đập Đá   (15/03/2004)
Các trại giống và người chăn nuôi đã sẵn sàng   (15/03/2004)
Virus máy tính: Phòng chống thế nào cho hiệu quả?  (14/03/2004)
Phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân  (14/03/2004)
Hợp tác xã của những cựu chiến binh   (12/03/2004)
Hoài Ân: Máu rừng vẫn chảy   (11/03/2004)
Nước mắm Như Hoa: Khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm   (10/03/2004)
Xe độ chế - loay hoay phương pháp quản lý   (09/03/2004)
Bình Định: Mở đường vượt biển   (09/03/2004)
Việc đào đãi vàng trái phép ở Hoài Đức: Bao giờ chấm dứt?   (08/03/2004)
Các công trình thủy lợi đang… khát vốn!  (07/03/2004)
Chuyện ghi ở xóm Tiêu  (05/03/2004)
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)
Màu xanh trên vùng đất mới   (03/03/2004)
Đa dạng hóa ngành nghề sản phẩm   (02/03/2004)