Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phước An: 3 năm vẫn còn nằm trong... dự án
17:6', 19/3/ 2004 (GMT+7)

Để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, huyện Tuy Phước đã xác định cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và các ngành dịch vụ, thương mại. Trong xu hướng đó, cụm CN-TTCN Phước An được ra đời nhằm tạo ra một thế và lực mới. Thế nhưng, đã gần 3 năm nay cụm CN-TTCN này vẫn chỉ là trên... văn bản.

* Hướng mở từ một dự án

Nhà xưởng ở Tuy Phước mọc lên ngày càng nhiều

Tuy Phước là một huyện đồng bằng với diện tích tự nhiên 28.500 ha (trong đó, đất nông nghiệp 11.803 ha, đất lâm nghiệp 3.705 ha, đất hoang 8.536 ha). Số người thất nghiệp chiếm tỷ lệ bình quân 4,6%, riêng khu vực thành thị đã chiếm gần 10%. Thế mạnh kinh tế của Tuy Phước vẫn là sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các ngành nghề trên còn mang tính chất mùa vụ. Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc sử dụng lao động trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, dẫn đến tình trạng dôi thừa khá lớn lao động nông thôn ở các xã, nhất là vào những thời điểm nông nhàn.

Trong dự án, cụm CN-TTCN Phước An nằm gần như trọn vẹn trên địa bàn thôn Ngọc Thạnh (Phước An) với quy mô 26,4 ha. Theo khảo sát của Trung tâm quy hoạch xây dựng Bình Định, đây là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý cũng như điều kiện của vùng để triển khai xây dựng các công trình. Tại địa bàn xã Phước An cũng đã có 7 doanh nghiệp sản xuất đá hoa cương, đá Granit, dầu ăn, chế biến gỗ... vào đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Song phần lớn các cơ sở này vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô sản xuất nhỏ nên chưa thể thu hút hết lực lượng lao động dôi thừa. Vì vậy, một số lượng khá lớn lao động phải đi tìm việc ở các nơi khác. Ngoài ra, việc các đơn vị kinh doanh trên địa bàn nằm phân tán xen lẫn trong khu dân cư gây nên tác động tiêu cực trong quản lý và môi trường.

Do đó, việc hình thành cụm CN-TTCN Phước An sẽ tập trung được các cơ sở sản xuất TTCN và công nghiệp nhỏ của huyện, góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tuy Phước.

* Vì sao vẫn chưa hoạt động?

Cụm CN-TTCN Phước An được chọn làm thí điểm đầu tiên cho các mô hình về sau của huyện. Với các điều kiện vừa phân tích ở trên, nó hứa hẹn nhiều kết quả khả quan và cụm CN-TTCN này đã được tỉnh phê duyệt từ cuối năm 2001. Nhưng đến nay, dự án tuy đã được thông qua nhiều lần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu triển khai hoạt động. Vậy nguyên nhân tại đâu?

Trước hết, có thể thấy rõ là yếu tố giao thông. Cụm CN-TTCN nằm bên cạnh đường sắt Bắc - Nam, nhưng đoạn qua thôn Ngọc Thạnh vẫn chưa có ghi chắn đảm bảo an toàn cho người dân chứ chưa nói gì đến hoạt động liên tục của các đơn vị nếu đi vào sản xuất. Trục đường chính xuất phát từ tỉnh lộ ĐT 638 kéo dài cho đến hết cụm CN-TTCN là đường liên thôn của địa phương chỉ dùng phục vụ nhu cầu đi lại trong nội bộ xã nên lòng đường hẹp, nhà cửa hai bên tuyến xây dựng kiên cố. Nếu triển khai đúng theo quy hoạch thì công tác giải tỏa đền bù rất lớn.

Tiếp theo là vấn đề môi trường. Tuy Phước tỏ ra rất thận trọng với vấn đề này. Thực tế từ các cụm CN-TTCN của các huyện đến KCN Phú Tài cho thấy, nếu vấn đề môi trường không được xử lý triệt để thì sản xuất của các cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Xí nghiệp tư vấn - xây dựng (Công ty 508), khu vực dự án nằm ở ven sông Hà Thanh nên mực nước ngầm tương đối nông. Đây là một thuận lợi cho việc thi công dự án nhưng cũng là bất lợi khi các đơn vị sản xuất hóa chất vào đầu tư sẽ dễ dàng gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, cũng cần phải tạo ra vùng đệm cho cụm CN-TTCN. Kinh nghiệm từ cụm CN-TTCN Gò Đá Trắng (An Nhơn) cho thấy, diện tích chỉ 17 ha nhưng có đến 49 doanh nghiệp đăng ký thuê đất.

Song, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư dự án. Theo tính toán từ năm 2001, sơ bộ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng đã lên đến 19 tỷ đồng (tỉnh đầu tư 50%, phần còn lại của huyện). Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của huyện hầu như năm nào cũng chịu áp lực của việc tu bổ đê điều. Theo ông Võ Ngọc Cang - Phó Phòng Công nghiệp và xây dựng huyện, dự kiến mỗi đơn vị sản xuất có thể được phân 1ha để còn tạo ra vùng đệm nhưng nếu làm theo chuẩn này, liệu các đơn vị có chấp nhận vào đầu tư hay không? Trong khi KCN Long Mỹ của tỉnh lại nằm gần ngay đó, buộc các đơn vị sẽ có sự lựa chọn.

Hiện tại, huyện Tuy Phước sẽ triển khai xây dựng cụm CN-TTCN Phước An theo nhiều bước. Trước mắt, để hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, dự án ưu tiên cho một số nhóm ngành nghề: chế biến nông - lâm sản và thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, cơ khí… Dự kiến trong tháng 3 này, Ban điều hành dự án sẽ triển khai cuộc họp với các đơn vị đăng ký và các đơn vị đang sản xuất trên địa bàn huyện để có phương án đầu tư và chính sách hỗ trợ thích hợp, nhằm sớm đưa cụm CN-TTCN Phước An đi vào hoạt động.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khát vọng làm giàu từ cây dó   (17/03/2004)
Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng   (16/03/2004)
Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng - Động lực phát triển của thị trấn Đập Đá   (15/03/2004)
Các trại giống và người chăn nuôi đã sẵn sàng   (15/03/2004)
Virus máy tính: Phòng chống thế nào cho hiệu quả?  (14/03/2004)
Phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân  (14/03/2004)
Hợp tác xã của những cựu chiến binh   (12/03/2004)
Hoài Ân: Máu rừng vẫn chảy   (11/03/2004)
Nước mắm Như Hoa: Khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm   (10/03/2004)
Xe độ chế - loay hoay phương pháp quản lý   (09/03/2004)
Bình Định: Mở đường vượt biển   (09/03/2004)
Việc đào đãi vàng trái phép ở Hoài Đức: Bao giờ chấm dứt?   (08/03/2004)
Các công trình thủy lợi đang… khát vốn!  (07/03/2004)
Chuyện ghi ở xóm Tiêu  (05/03/2004)
Chợ cá khu II - Mai này ra sao?   (04/03/2004)