|
Vá lưới, một công việc của phụ nữ miền biển (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Chị Nguyễn Thị Ánh Phương, ở thôn Ka Kông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, làm nghề chế biến nước mắm đã lâu. Cơ sở sản xuất của chị không lớn lắm, nhưng vào vụ muối cá, cùng một lúc phải mua cả chục tấn cá, thì chị lại thiếu vốn, phải đi vay mượn, thậm chí có khi với lãi suất cao. Tháng 8 năm ngoái, lúc ấy cũng vào vụ muối cá, chị Phương được Hội LHPN xã cho vay 10 triệu đồng. Số tiền vay tuy không lớn, nhưng nó đã giúp chị có tiền đúng lúc để mua cá, kịp thời chượp vào các bể sản xuất nước mắm của chị. Chị Phương cho biết, với số tiền đó, cùng với tiền vốn ở nhà, chị mua 10 tấn cá, muối mắm và bán cho đến nay, lãi cũng được vài triệu đồng, đủ trang trải chi phí trong gia đình. Hiện nay, đang chờ vụ cá, gia đình cũng đang chuẩn bị các bể chượp sẵn sàng để vào vụ mới.
Chị Nguyễn Thị Ánh Phương là 1 trong số 30 hội viên phụ nữ của xã Hoài Hương được vay vốn từ nguồn vốn của dự án chế biến nước mắm do Hội Phụ nữ xã làm chủ đầu tư. Xuất phát từ đặc thù của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho phụ nữ miền biển có việc làm, Hội LHPN đã lập dự án này nhằm hình thành làng nghề chế biến nước mắm. Với nguồn vốn 300 triệu đồng vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đến nay, qua hơn 6 tháng, dự án này phát huy được hiệu quả, cả 30 hội viên vay vốn đều làm ăn có lãi. Không những thế, một số cơ sở của các chị còn góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho phụ nữ ở nông thôn miền biển.
Và không chỉ có dự án này, trong những năm qua, Hội LHPN xã Hoài Hương còn làm chủ nhiều dự án vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau để cho chị em hội viên vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Vai trò của Hội thể hiện rất rõ trong các dự án này, và Hội Phụ nữ xã ngày càng trở nên gần gũi hơn với hội viên.
Cũng tương tự như Hội Phụ nữ xã Hoài Hương, hiệu quả rõ rệt nhất từ các dự án vay vốn của phụ nữ ở xã Tam Quan Nam (cũng do Hội LHPN xã làm chủ dự án) là dự án phát triển chăn nuôi. Xuất phát từ mục tiêu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đồng thời tận dụng phế phẩm nông nghiệp tại địa phương, Hội LHPN xã đã lập dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, giúp hội viên phụ nữ vay vốn phát triển chăn nuôi. Với tổng nguồn vốn vay 129 triệu đồng, Hội đã cho 24 hội viên vay vốn để chăn nuôi bò, bình quân mỗi hội viên được vay 2,5 triệu đồng; và 43 hội viên vay vốn chăn nuôi heo, mỗi hội viên được vay 1,5-2 triệu đồng. Đến nay, dự án này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đối với số hội viên vay vốn chăn nuôi bò. Với nguồn vốn vay, các hội viên đã phát triển đàn bò lên 58 con, trong đó 80% là bò lai và bò sữa.
Và cũng không chỉ có dự án vay vốn phát triển chăn nuôi, Hội Phụ nữ xã Tam Quan Nam còn làm chủ nhiều dự án khác vay vốn từ các kênh, như: Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp, Quỹ "Vì phụ nữ nghèo", đồng thời vận động hội viên xây dựng các tổ tín dụng tiết kiệm, tổ phụ nữ đoàn kết, để tranh thủ nhiều nguồn vốn cho hội viên phụ nữ trong xã vay, giúp cho chị em hội viên từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Có thể nói rằng, các Hội LHPN các xã Tam Quan Nam, Hoài Hương nói riêng, Hội LHPN huyện Hoài Nhơn nói chung đã thực hiện tốt chương trình của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Theo chị Võ Thị Huy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Nhơn, thời gian qua, cùng với phong trào giúp nhau trong phát triển kinh tế gia đình, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã mạnh dạn, chủ động tranh thủ các nguồn vốn, tạo điều kiện giúp cho hội viên đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, mua bán nhỏ, qua đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Năm 2003 vừa qua, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã khai thác thêm các nguồn vốn và hiện đang quản lý tổng nguồn vốn hơn 8,4 tỷ đồng, với hơn 2.730 hội viên vay vốn. Ngoài các nguồn vốn theo các dự án do Hội LHPN các cấp làm chủ đầu tư, Hội còn thành lập các tổ vay vốn theo Nghị quyết liên tịch số 02 để vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT, với 34 tổ, hơn 300 hội viên tham gia; hình thành các tổ tín dụng tiết kiệm. Hiện toàn huyện có 98 tổ tín dụng tiết kiệm phụ nữ với hơn 1.200 hội viên tham gia, có 90 triệu đồng tiền vốn, cho hơn 500 hội viên khác vay vốn làm ăn. Ngoài ra, các cấp hội còn xây dựng tổ phụ nữ đoàn kết, huy động vốn nhàn rỗi trong chị em nhằm giúp đỡ các chị em khác có khó khăn về vốn mượn để buôn bán nhỏ, chăn nuôi, phát triển sản xuất, giúp chị em ổn định cuộc sống. Trong năm rồi, có hơn 100 tổ như vậy được thành lập, nâng tổng số tổ đoàn kết phụ nữ trong toàn huyện lên 785 tổ, có gần 10.000 chị em tham gia, số tiền hơn 700 triệu đồng, giúp cho hơn 2.700 chị em vay vốn.
Điều quan trọng trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất ở huyện Hoài Nhơn không chỉ là việc cho vay vốn, mà các cấp hội còn tạo điều kiện cho hội viên nâng cao kiến thức trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến, thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, tham quan mô hình có hiệu quả. Cùng với việc tạo vốn cho chị em vay, đây cũng chính là hướng mà các cấp hội phụ nữ trong huyện đang phấn đấu thực hiện để tạo hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng các nguồn vốn vay vào sản xuất của chị em phụ nữ.
. Khánh Hoàng |