|
Vùng nuôi tôm Phước Hòa |
Xã Phước Hòa là một trong những vùng nuôi tôm lớn của huyện Tuy Phước. Vụ nuôi tôm năm 2003, Phước Hòa đụng phải dịch tôm "thân đỏ, đốm trắng" làm 500 hộ nuôi tôm đã thua lỗ lại càng thêm trắng tay, bởi đây là năm thứ 3 liên tiếp địa phương này bị dịch tôm; con số dư nợ của dân nuôi tôm Phước Hòa ở các tổ chức tín dụng, ngân hàng lên đến gần 20 tỉ đồng. Nguyên nhân dịch tôm 3 năm liền (2001-2003) do môi trường nuôi nơi đây quá ô nhiễm, hệ thống thủy lợi không đồng bộ; người nuôi tôm còn thiếu tính cộng đồng trách nhiệm… Bên cạnh đó, việc thả nuôi con giống không qua kiểm dịch đã tạo thêm hệ lụy cho những mùa tôm thất bại, gần như đã được cảnh báo trước. Ông Nguyễn Ngọc Kính, Bí thư chi bộ thôn Huỳnh Giản - nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất xã Phước Hòa (240 ha) - cho biết: "Mất mùa tôm 3 năm liền, làm đời sống bà con chúng tôi khó khăn lắm, có đến 40-50 hộ thiếu đói thường xuyên, phải lén lút phá rừng kiếm sống. Các hộ nuôi tôm mang nợ chồng chất; nợ nhà nước, nợ bên ngoài ngày một nhiều. Nhưng ở vụ nuôi tôm mới này chúng tôi động viên nhau quyết tâm không bỏ hồ trống".
Ở vụ nuôi tôm này, Phước Hòa xác định lịch thời vụ thả chậm một tháng so năm 2003. Từ tháng 3 trở đi mới thả tôm và chỉ nuôi 1 vụ; còn vụ 2 nuôi cá, cua, hàu… Theo ông Nguyễn Đình Dũng, phụ trách khuyến ngư xã: "Vì bà con nuôi tôm cạn kiệt nguồn vốn, nên diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh năm nay giảm xuống còn 100 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Được cán bộ khuyến ngư trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, bà con cải tạo ao, phơi đáy bài bản hơn mọi năm. Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi mới được kiểm tra, chất lượng khá ổn định. Ở vụ nuôi này có thuận lợi là ao, hồ được tẩy rửa bởi 2 đợt lũ lớn cuối năm 2003. Tuy vậy, chúng tôi rất lo vì đến nay đã thả tôm giống được 60 ha, thì chỉ có 15% số hồ tôm giống qua kiểm định, số còn lại bị… bỏ lụi". Theo kế hoạch, đến cuối tháng 4-2004, toàn bộ 327 ha mặt nước ở Phước Hòa hoàn tất việc thả tôm giống vào nuôi. Song, theo các hộ nuôi tôm thì mức đầu tư năm nay chắc chắn giảm 2/3, quay lại thời kỳ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, chiếm 65% diện tích. Trầm trọng hơn nữa là việc thiếu hụt nguồn vốn đầu tư. Quỹ tín dụng nhân dân Phước Hòa theo sự chỉ đạo của Đảng bộ xã và chính quyền địa phương, khó khăn lắm mới cho vay bổ sung 400 triệu đồng mua tôm giống (nâng dư nợ cho vay lên 3,5 tỉ) nhưng cũng là cứu cánh cho người nuôi tôm trong lúc gặp khó khăn lớn về vốn đầu tư.
Ông Đoàn Minh Bảo, ở Huỳnh Giản, có diện tích ao nuôi hơn 7.000m2, tâm sự: "Nếu không có Quỹ tín dụng thì chúng tôi "chết" mất. Trước mắt là có tiền mua tôm giống tốt, còn vốn mua thức ăn cho tôm thì tính sau. Tôi tin tưởng vụ nuôi này chắc được". Tuy nhiên, khi tìm hiểu ở nhiều bà con nuôi tôm, chúng tôi thấy rằng có nhiều hộ không quan tâm mấy đến chất lượng tôm giống. Điều này hết sức nguy hiểm! Về việc thành lập các cộng đồng nuôi tôm, tuy đã có 6 chi hội, nhưng chỉ có 1 chi hội hoạt động tốt, 5 chi hội chỉ hoạt động hình thức "được chăng hay chớ". Hiện nay người nuôi tôm ở Phước Hòa tỏ ra có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi; nhưng ai dám chắc là họ có thực hiện rốt ráo các quy ước của cộng đồng, hay là "ai mất của thì người ấy xót"… nên lại tạo điều kiện cho dịch tôm lây lan trên diện rộng như 3 năm vừa qua?
Theo chúng tôi, Phước Hòa cần phải củng cố lại các chi hội nuôi tôm, có quy chế hoạt động rõ ràng, gấp rút thực thi phương án cải tạo lại hệ thống thủy lợi (mà người dân đang mong đợi) với hệ thống cấp, thoát nước riêng. Thực tế cho thấy, bên cạnh Huỳnh Giản có vùng nuôi tôm Mỹ Trung (xã Phước Thắng) trúng mùa liên tiếp, chưa một lần bị dịch bởi có hệ thống cấp nước ngọt dẫn tới từng ao nuôi, khống chế được độ mặn, tôm lột xác chóng lớn… Trong khi đó, điều kiện này không có ở vùng nuôi tôm rộng lớn của Huỳnh Giản. Vì thế, "bao giờ vùng nuôi tôm Phước Hòa trở lại bình yên?" vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời khi người nuôi tôm vào vụ mới cùng nỗi âu lo phập phồng.
. Xuân Thức |