Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Đoàn viên thanh niên Hoài Nhơn với phong trào thi đua lập nghiệp
16:0', 26/3/ 2004 (GMT+7)

Khi biết chúng tôi về Hoài Nhơn lần này là để tìm hiểu phong trào thanh niên lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Dũng, Bí thư huyện đoàn đã đưa chúng tôi đến thăm một trong những mô hình điển hình của phong trào. Đó là mô hình "nuôi tôm trên cát" của anh Đỗ Văn Sơn, 29 tuổi, bí thư chi đoàn thôn Lâm Trúc, xã Hoài Thanh.

           Nuôi tôm trên cát

Từ đường 4 dọc theo các xã ven biển của huyện Hoài Nhơn, chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường cát khá dài, xuyên qua rừng dương liễu, mới đến cơ sở nuôi tôm của anh Sơn. Trước mắt chúng tôi là 2 hồ nuôi tôm vuông vắn, nước xanh rì, nổi bật trên nền cát trắng. Dàn máy đảo nước đang hoạt động, làm mặt nước xao động, bắn tung tóe những giọt nước trắng xóa. May cho chúng tôi là anh Sơn đang ở hồ tôm, và câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh chủ đề: vì sao anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm trên cát?

Anh Sơn vui vẻ cho biết: Từ năm ngoái, với số vốn gần 200 triệu đồng, anh đã đầu tư cải tạo vùng cát trắng này thành 2 hồ nuôi tôm có diện tích 9.700 m2 cùng một số trang thiết bị khác. Ngoài nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, trong vụ, anh đã đầu tư thêm 118 triệu đồng để thả nuôi, sau 3 tháng thì thu hoạch được 3 tấn. Tuy nhiên, do tại thời điểm thu hoạch, giá tôm thấp, nên anh chỉ huề vốn. Còn trong vụ nuôi tôm năm nay, anh Sơn đã đầu tư gần 15 triệu đồng, mua 15 vạn tôm giống thả nuôi, đến nay được hơn 1 tháng.

"Cũng nhờ thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật do Huyện Đoàn, Xã Đoàn phối hợp với Trung tâm khuyến ngư, Trạm khuyến nông huyện tổ chức, mà mình nắm được kỹ thuật nuôi tôm, và mạnh dạn làm" - anh Sơn nói - "Mà cũng không riêng gì tôi đâu, ở đây, bây giờ có nhiều thanh niên cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở cơ sở đóng tàu, hùn vốn mua tàu đi đánh bắt. Lợi thế vùng biển mà…".

Quả thật, ở một vùng quê như miền biển Hoài Thanh, số đoàn viên thanh niên (ĐVTN) mạnh dạn đi đầu trong việc đầu tư vốn làm ăn không phải là hiếm. Việc ĐVTN đi biển nhiều cũng có những khó khăn nhất định trong sinh hoạt đoàn, nhưng theo Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Văn Dũng, chỉ có thông qua phong trào thanh niên lập nghiệp thì mới giữ được thanh niên ở lại với quê hương, đồng thời thông qua đó mới tập hợp đoàn kết được ĐVTN.

Cũng chính xuất phát từ việc đẩy mạnh phong trào thanh niên thi đua lập nghiệp, khác với miền quê biển Hoài Thanh, ở vùng đất có nhiều nơi nhiễm phèn như xã Hoài Thanh Tây, phong trào này hình thành những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây lúa. Hộ gia đình đoàn viên Nguyễn Đức Lịnh ở thôn Tài Lương 4 là một trong những mô hình như vậy. Thông qua các buổi tập huấn, tham quan các mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả trong xã, trong huyện, anh đã vận động gia đình chuyển 1 sào rưỡi đất nhiễm phèn vườn nhà trồng lúa năng suất thấp sang trồng khổ qua, ớt, đậu bắp, dưa leo. Mùa nào thức nấy, cứ mỗi năm làm 3 vụ, mỗi vụ bình quân thu nhập hơn 1 triệu rưỡi đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. Bây giờ thì nhiều ĐVTN khác ở trong xã trong huyện thông qua các tổ chức đoàn đã đến vườn nhà anh để tham quan học tập, tạo thành một phong trào khá sôi nổi ở một vùng quê vốn yên tĩnh này.

Không chỉ có ở các xã vừa nêu, phong trào thanh niên thi đua lập nghiệp ở huyện Hoài Nhơn còn xuất hiện nhiều mô hình khác nữa, mà chúng tôi không có nhiều thời gian để đến thăm. Theo lời anh Nguyễn Văn Dũng, trong những năm qua, phong trào này ở huyện đã có những chuyển biến, nhưng rõ nhất là từ năm 2002, khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ 8. Các cấp bộ đoàn đã tập trung chỉ đạo phong trào bằng nhiều hình thức phong phú, như phối hợp với Phòng nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Trạm thú y tổ chức các lớp tập huấn nhằm chuyển giao các tiến bộ KHKT cho ĐVTN; thực hiện liên tịch với các ngành tạo điều kiện về vốn cho ĐVTN làm ăn. Riêng trong năm 2003 vừa qua, các cấp bộ đoàn đã phối hợp tổ chức 28 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trên các lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 1.200 lượt ĐVTN tham gia. Thông qua phong trào, nhiều mô hình ĐVTN lập nghiệp xuất hiện. Ngoài các mô hình vừa nêu, còn có mô hình sản xuất đá của ĐVTN xã Hoài Châu Bắc, làm biôga, trồng dứa ở Hoài Thanh Tây, nhiều mô hình hiệu quả trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, như cấp I hóa giống lúa, trồng ngô lai, làm nấm, trồng dưa, nuôi bò lai, heo hướng nạc, đầu tư nuôi tôm cá, làm dịch vụ đóng tàu thuyền, trồng rừng, mô hình kinh tế trang trại...

Cũng thông qua phong trào, các tổ ĐVTN trợ vốn, góp vốn giúp nhau lập nghiệp đã được hình thành. Đến nay, toàn huyện có 69 tổ trợ vốn, góp vốn, với tổng số tiền 193 triệu đồng, đã giúp cho hàng trăm ĐVTN trong sản xuất, xây dựng nhà ở. Ngoài ra, Huyện Đoàn còn lập 4 dự án vay vốn với tổng số tiền 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 160 ĐVTN.

Có thể nói, phong trào thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo đã phát triển sâu rộng bằng nhiều việc làm thiết thực trong ĐVTN ở huyện Hoài Nhơn, qua đó đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đồng thời qua đó đã thu hút, tập hợp được ĐVTN ở địa phương. Anh Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện Đoàn Hoài Nhơn, sau khi khẳng định "Từ năm 2004 trở đi, chúng tôi tập trung mạnh hơn nữa trong chỉ đạo phát triển phong trào này ở địa phương" đã nhắc lại phương châm: "Chỉ có thực hiện tốt phong trào thanh niên lập nghiệp thì mới giữ được thanh niên ở lại với quê hương, đồng thời thông qua đó mới tập hợp đoàn kết được ĐVTN ở địa phương.

. Khánh Hoàng

                                                           

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Hải: Nuôi tôm hùm giống - Mở hướng làm giàu  (25/03/2004)
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công   (24/03/2004)
Khởi động những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm   (23/03/2004)
Công nghiệp Bình Định trên đà khởi sắc  (22/03/2004)
Vùng nuôi tôm Phước Hòa: Phập phồng vào vụ mới  (21/03/2004)
Hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở Hoài Nhơn  (19/03/2004)
Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phước An: 3 năm vẫn còn nằm trong... dự án   (19/03/2004)
Khát vọng làm giàu từ cây dó   (19/03/2004)
Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng   (16/03/2004)
Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng - Động lực phát triển của thị trấn Đập Đá   (15/03/2004)
Các trại giống và người chăn nuôi đã sẵn sàng   (15/03/2004)
Virus máy tính: Phòng chống thế nào cho hiệu quả?  (14/03/2004)
Phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân  (14/03/2004)
Hợp tác xã của những cựu chiến binh   (12/03/2004)
Hoài Ân: Máu rừng vẫn chảy   (11/03/2004)