Thiếu nguyên liệu trong lúc giá đường tăng đột biến, Nhà máy đường (NMĐ) An Khê (Gia Lai) đã đưa quân đổ bộ xuống vùng nguyên liệu của Công ty Đường Bình Định (BISUCO) để thu mua nguyên liệu mía, cuộc tranh giành thu mua nguyên liệu giữa 2 nhà máy diễn ra khá gay gắt khiến các đồng mía trong tỉnh nóng lên…
* "Ai thu mua giá cao hơn thì tôi bán!"
|
Xe của Nhà máy Đường An Khê đến tận ruộng của bà con nông dân xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) để thu mua mía |
Tại Vĩnh Thạnh, bình quân mỗi ngày, có từ 4-6 chiếc xe tải của NMĐ An Khê đi kèm là các đầu nậu đã lùng sục khắp huyện để thu mua nguyên liệu mía. Lực lượng thu mua nguyên liệu khá hùng hậu, được chia thành nhiều nhóm để hoạt động. Khi "săn" được ruộng mía đến kỳ thu hoạch, lập tức đầu nậu đến tận nhà hỏi mua ngay. Giá mía dao động từ 220.000 đến 320.000 đồng/tấn, tùy thuộc vào ruộng mía xa hay gần đường giao thông. Nhưng có thấp đến đâu thì vẫn cao hơn khoảng 20% - 30% so với giá sàn của BISUCO. Thỏa thuận xong là đầu nậu An Khê đếm tiền trả ngay, nhanh gọn như vậy nên đã nhiều hộ trồng mía đã bán cho họ. Ông Phan Đình Phùng, nông dân ở thôn Định Bình xã Vĩnh Quang - Vĩnh Thạnh cho biết: "Khi đường mất giá chả "ma" nào thu mua. Nay, giá đường lên, các nhà máy tranh nhau thu mua mía để sản xuất. Giá mía mà NMĐ An Khê thu mua cao hơn của BISUCO bình quân gần 30.000 đồng/tấn nên tôi quyết định thu hoạch 6 sào mía bán cho họ".
Không chỉ ở Vĩnh Thạnh, ngay tại huyện Tây Sơn - thủ phủ mía của Bình Định cũng xảy ra tình trạng tranh mua mía nguyên liệu quyết liệt. Thấy giá hấp dẫn, nhiều hộ đã thu hoạch để bán gấp dù mía chưa chín. Bên ruộng mía của mình ông Bùi Văn Đại, ở thôn Nam Giang xã Tây Giang cho biết: "Tôi có 3 sào mía cạnh đường dễ thu hoạch, dễ vận chuyển. Giá thu mua của ai cao hơn thì tôi bán, chẳng cứ gì Bình Định hay An Khê".
* BISUCO bị "ngoại công nội kích"
Ông Nguyễn Phúc Hưng, nhân viên Trạm thu mua nguyên liệu mía số 6 ở huyện Vĩnh Thạnh (BISUCO) lo lắng: "Mấy ngày qua, anh em chúng tôi thường xuyên túc trực trên các đồng mía, đến tận từng nhà để vận động bà con không bán mía cho NMĐ An Khê vì lợi ích lâu dài nhưng không sao ngăn được bà con. Họ đã thu mua ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa trên 350 tấn mía cây rồi".
Không chỉ bán mía, nhiều hộ gia đình ở 2 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh còn đứng ra làm đại lý thu mua nguyên liệu cho NMĐ An Khê, môi giới thu mua, bán mía cây để hưởng hoa hồng. Sự xuất hiện của "thù trong" khiến BISUCO vốn đang bối rối vì "giặc ngoài" càng thêm lo lắng. Ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc BISUCO thở dài: "Hàng trăm hộ đã bán mía cho NMĐ An Khê, lượng mía bán ra khoảng 10.000 tấn. Tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến kế hoạch sản xuất của công ty". Để đối phó với nạn "chảy máu" nguyên liệu, dù khá muộn nhưng cuối cùng BISUCO cũng đã nâng giá sàn thu mua mía cây từ 200.000 đồng lên 220.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường, tăng cường công tác kiểm tra nguyên liệu mía tại các huyện và vận động nông dân không bán nguyên liệu cho các NMĐ ngoài tỉnh vì lợi ích lâu dài. Mặt khác, BISUCO cũng thông báo tình hình cho các ngành chức năng trong tỉnh, kiến nghị với Bộ NN-PTNT về việc NMĐ An Khê tự nâng giá, cạnh tranh thu mua mía trên vùng nguyên liệu do công ty đầu tư.
Mới đây Bộ NN-PTNT đã có công văn số 462/BNN-CB yêu cầu Giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi kiểm tra, kiểm điểm những cán bộ và nhân viên vi phạm, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng việc chấm dứt thu mua mía trên vùng nguyên liệu Bình Định. Đối với mía nguyên liệu không nhận sự đầu tư của bất cứ nhà máy nào phải có xác nhận của chính quyền địa phương mới được phép thu mua và phải tuân thủ khung giá mà Hiệp Hội mía đường Việt Nam quy định…
Bất chấp yêu cầu của Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này, cuộc chiến mía đường vẫn nóng bỏng. Còn nhớ, vụ ép mía năm 2001-2002, cuộc chiến mía đường đã diễn ra gay gắt giữa Công ty Đường Quảng Ngãi với BISUCO. Sau đó, lãnh đạo hai bên đã thỏa thuận không thu mua mía trên vùng nguyên liệu của công ty bạn khi chưa có sự thống nhất. Thế nhưng vào vụ ép mía năm nay, thỏa thuận trên bị phá vỡ và cuộc chiến mía đường không biết đến lúc nào mới chấm dứt.
. Phạm Tiến Sỹ |