Chốt đóng tại quốc lộ 19, "con đường tơ lụa" của lâm tặc, lực lượng kiểm lâm An Nhơn thường xuyên đấu tranh ngăn chặn vận chuyển gỗ lậu, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng. Từ câu chuyện ở hạt kiểm lâm này, còn hé mở ra những điều mà những ai quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển rừng có lẽ phải trăn trở…
* Cuộc chiến gian nan
Với chừng một "tiểu đội", các kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm An Nhơn phải đảm đương trọng trách bảo vệ gần 7.000ha rừng nguyên sinh ở vùng núi Một - An Trường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, kết hợp với biện pháp vận động quần chúng tình nguyện làm tai mắt cho lực lượng kiểm lâm, trong thời gian gần đây, Hạt kiểm lâm An Nhơn đã phát hiện, truy bắt 137 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, thu gần 150m3 gỗ nhóm I đến nhóm V và thu giữ 7.000 kg động vật rừng, khởi tố một vụ chống thi hành công vụ, triệt phá hai tụ điểm mua bán gỗ trái phép tại Bá Canh, Đập Đá và ngã ba Cầu Bà Di.
|
Gỗ lậu giấu trong một xe tải chở bí đỏ (ảnh: B.P) |
Xác định khâu vận chuyển lâm sản là khâu yếu nhất của bọn lâm tặc, lực lượng kiểm lâm An Nhơn đã có các phương án đánh trả khá hữu hiệu. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, lâm tặc đã dùng xe chở khách, lợi dụng lúc đêm khuya xuôi Quốc lộ 19. Hộ tống cho xe chở gỗ lậu này gồm những chiếc xe mô tô chạy đầu và khóa đuôi. Khi bị kiểm lâm đuổi theo, các xe mô tô chặn đầu khóa đuôi xe kiểm lâm hòng tạo lối thoát cho xe chở gỗ lậu. Bọn lâm tặc thiết kế những chiếc xe hai ngăn, hai đáy, hai mui để chứa gỗ lậu. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", đã có 12 xe ô tô của bọn lâm tặc bị sa bẫy kiểm lâm. Gần đây, bọn lâm tặc vận chuyển gỗ lậu bằng cách xé lẻ, dùng xe mô tô phân khối lớn đi từng tốp 5-7 chiếc, trên những con đường nhỏ, những lối tắt để né tránh các chốt trạm kiểm lâm. Không ít lần xe mô tô của kiểm lâm đuổi theo, bọn lâm tặc đã dùng ớt bột tung vào mặt kiểm lâm, thả những khúc gỗ xuống đường để cản trở xe kiểm lâm. Rồi dùng đá tấn công phá hủy phương tiện xe kiểm lâm. Nhưng rồi cũng đã có 27 xe mô tô của lâm tặc bị tịch thu.
Vụ táo bạo nhất là vụ lâm tặc Đỗ Trọng Chinh gây ra vào ngày 1-6-2003. Khi Đỗ Trọng Chinh đang trút 58 khúc gỗ từ một chiếc xe khách xuống tại gần sân vận động xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn thì bị lực lượng kiểm lâm phát hiện. Đỗ Trọng Chinh đã dùng dao phay lớn và một can xăng chống đối quyết liệt. Chinh đã tạt xăng vào gỗ và tạt vào người kiểm lâm viên Tạ Anh Tuấn, đồng thời dùng dao tấn công, làm bỏng cả cánh tay phải kiểm lâm viên Tạ Anh Tuấn, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu và điều trị gần 1 tháng. Còn tên lâm tặc Đỗ Trọng Chinh cũng bị bỏng do chính xăng của hắn tạt ra. Điều đáng nói là trong quá trình điều tra xét xử vụ án này các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện An Nhơn đã buộc kiểm lâm viên Tạ Anh Tuấn bồi thường tiền cơm thuốc 3.000.000 đồng cho tên lâm tặc Đỗ Trọng Chinh. Và khi đưa ra xét xử, TAND huyện An Nhơn chỉ tuyên phạt lâm tặc Đỗ Trọng Chinh 6 tháng tù, một mức án thấp nhất trong Điều 257 BLHS. Dư luận đặt câu hỏi: Quan điểm xét xử như vậy có công bằng, liệu đã đứng về phía người thi hành công vụ hay chưa? Mức án như vậy có răn đe giáo dục và nghiêm khắc đối với bọn lâm tặc hay chưa?
* Những điều trăn trở
Trên mặt trận chống lâm tặc có lúc có nơi chưa mạnh, bởi vì còn một nguyên nhân khác nữa là lực lượng kiểm lâm chưa thực sự được bảo hộ bởi một cơ chế pháp luật cụ thể. Chẳng hạn vụ truy đuổi xe lâm tặc trên Quốc lộ 19 ngày 7-6-2002, xe ô tô kiểm lâm bị chèn ép và lật, làm chết 1 kiểm lâm viên và bị thương 3 kiểm lâm viên khác. Nhưng đến nay kiểm lâm viên hy sinh vẫn chưa được xét công nhận liệt sĩ. Phải chăng đó cũng là điều làm hạn chế tinh thần dũng cảm chống lâm tặc của lực lượng kiểm lâm.
Hiện nay lực lượng kiểm lâm vẫn còn là đơn vị hành chính sự nghiệp nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn phải trực chiến và đối mặt với bao hiểm nguy. Hơn nữa cho đến bây giờ vẫn chưa có một quy chế phối hợp giữa Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT và Bộ Công an, để tăng thêm chức năng của lực lượng kiểm lâm trong lúc làm nhiệm vụ, nhất là dùng phương tiện, khám phương tiện và giữ đối tượng. Các trang bị của lực lượng kiểm lâm hiện nay chưa đủ mạnh để chiến đấu có hiệu quả với bọn lâm tặc. Chế độ tiền lương, chính sách thương binh liệt sĩ đối với lực lượng kiểm lâm khi thi hành công vụ gặp hoạn nạn cũng chưa có quy định cụ thể rõ ràng.
Nếu những điều trên được khai thông, sức mạnh của lực lượng kiểm lâm sẽ tăng và những cánh rừng sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn.
. Công - Dũng |