An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…
16:4', 31/3/ 2004 (GMT+7)

Trong kháng chiến chống Mỹ, khu Đông An Nhơn là vùng đánh phá ác liệt của Mỹ - Ngụy. Cả khu Đông như cái chảo lửa, đêm ngày hứng chịu bom, đạn của kẻ thù. Vì thế vùng đất này trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người: "Khu đông gạo trắng nước trong; ai đi đến đó đừng mong ngày về". Thế nhưng, vùng đất một thời từng được xem là vùng đất chết ấy hiện nay đã bừng lên sức sống mới. Khu Đông bây giờ đã hoàn toàn đổi khác: Khu Đông gạo trắng nước trong; Ai đi đến đó thì không muốn về…

* Vùng đất hào hùng

Một góc xã Nhơn Hạnh hôm nay

Khu Đông An Nhơn bao gồm các xã nằm dưới Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện, gồm Nhơn Hưng, Đập Đá, Nhơn Thành, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh… Nối liền với khu Đông An Nhơn là phía đông - bắc của huyện Tuy Phước, trải rộng sang vùng đông - nam Phù Cát. Khu vực này vốn là vùng trũng, không có rừng núi, hàng năm đến mùa lũ lụt thì trở thành cái túi nước khổng lồ của cả huyện An Nhơn.

Trong chiến tranh chống Mỹ, khu Đông An Nhơn là căn cứ cách mạng của huyện An Nhơn. Từ đây xuất phát những cánh quân "phá ấp, diệt đồn" làm cho bọn ngụy quyền ở Chi khu An Nhơn ăn ngủ không yên. Để tiêu diệt lực lượng của ta, bọn địch đã mở hàng loạt vụ càn quét, thảm sát hàng ngàn người dân vô tội ở Kim Tài (Nhơn Phong), Thanh Mai, Tịnh Bình, Định Thuận (Nhơn Hạnh)… Chiến trường khu Đông trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch, là vùng "đốt sạch, giết sạch, cướp sạch". Ác liệt đến mức "Ai đi đến đó đừng mong ngày về". Người dân khu Đông với tinh thần bất khuất, lớp người trước ngã xuống, lớp sau tiếp bước đứng lên cầm súng đánh địch, giải phóng quê nhà…

Toàn huyện An Nhơn có 10 xã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì khu Đông chiếm đến 5 xã. Làng xã nào ở khu Đông cũng có những con người anh hùng gắn với những chiến công hiển hách. Anh hùng lực lượng vũ trang có liệt sĩ Nguyễn Bèo, một xã đội trưởng gan dạ, mưu trí, từng đánh hàng chục trận, diệt hàng chục tên Mỹ. Hoặc như liệt sĩ Hoàng Anh quê ở Nhơn An, nguyên là Thường vụ Huyện ủy An Nhơn từng là dũng sĩ diệt Mỹ. Và khó có thể kể hết hàng trăm hàng ngàn người con ưu tú của An Nhơn đã ngã xuống trên mảnh đất khu Đông này…

* Quê hương đổi mới

Chúng tôi về khu Đông vào những ngày cuối tháng 3-2004, trong cái nắng hanh vàng cuối xuân, bà con nông dân ở đây đang hối hả vào vụ thu hoạch lúa đông - xuân. Những cánh đồng lúa chín trĩu hạt, những con đường bê tông thẳng tắp chạy dài nối liền nhau… tạo nên một khu Đông trù phú. Hệ thống điện lưới quốc gia, các điểm bưu điện văn hóa, trường học, trạm xá cũng đã được xây dựng khá hoàn chỉnh làm nên diện mạo một khu Đông An Nhơn đầy sức sống. Ông Lê Hoàng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn cho biết: "Sau năm 1975, người dân khu Đông nén mọi nỗi đau để xây dựng lại quê nhà từ trong hoang tàn đổ nát. Sức lực, lòng quyết tâm của những con người sống trên vùng đất bi hùng này đã làm nên sự hồi sinh của khu Đông hôm nay".

Trong phát triển kinh tế, khu Đông xác định mũi nhọn là trồng trọt và chăn nuôi gắn với phát triển thương mại và dịch vụ. Nhờ đó, liên tục những năm sau ngày giải phóng, sản xuất nông nghiệp ở vùng đất này đã có sự chuyển biến đáng kể. Từ việc san lấp những hố bom chằng chịt của giặc Mỹ để lại, người dân địa phương đã bắt tay vào cải tạo lại đồng ruộng, khôi phục sản xuất. Từng bước đưa các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao vào thâm canh, chú trọng đưa khoa học công nghệ về nông thôn, áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Nhờ vậy, từ một nơi thường xuyên nhận trợ cấp lương thực, đến năm 2003, bình quân lương thực đầu người ở các xã khu Đông An Nhơn đạt xấp xỉ 800 kg thóc/năm, riêng xã Nhơn Hạnh đã vượt hơn một tấn. Bên cạnh phát triển cây lúa, nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, chính quyền địa phương đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những loại cây trước đây từng được xem là khá xa lạ với vùng đất này như: bông vải, bắp lai, dưa hấu, đậu nành… được nông dân sản xuất ở những chân đất cao, đem lại giá trị thu nhập khá. Hiện nay, các xã khu Đông lại tiến hành các phương án xây dựng cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha. Ông Võ Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hạnh bộc bạch: "Với địa thế là vùng đất trũng, nếu cứ bám vào cây lúa thì nông dân ở đây không thể làm giàu. Chúng tôi đang tính đến việc xây dựng cho được các mô hình thâm canh lúa nước xen với nuôi cá nước ngọt để tăng hiệu quả thu nhập cho người nông dân".

Bên cạnh thế mạnh là phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp ở vùng khu Đông An Nhơn đã có sự khởi sắc đáng kể. Lần lượt những cụm dịch vụ - thương mại được mọc lên với lượng người mua bán ngày càng đông đúc. Sầm uất nhất hiện nay ở vùng khu Đông có thể kể đến khu vực chợ Cảnh Hàng (Nhơn Phong) và khu trung tâm văn hóa cầu Chữ Y (Nhơn Hạnh). Các xã khu Đông cũng đã tiến hành quy hoạch các cụm tiểu thủ công nghiệp để thu hút đầu tư từ bên ngoài, đồng thời giải quyết việc làm tại địa phương…

Đất khu Đông giờ đây đã có một diện mạo mới. Sau 29 năm giải phóng, đời sống kinh tế của vùng này đã hoàn toàn đổi khác. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, các điều kiện cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm đã xây dựng hoàn chỉnh. Theo khảo sát mới đây, Khu Đông hiện có gần 100% hộ có điện sử dụng, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, trên 90% số hộ gia đình có nhà mái ngói… Từ chỗ đời sống nhân dân liên tục bị thiếu ăn, đến nay các xã khu Đông đã cơ bản xóa được nạn đói, giảm được tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%…

Với sự kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; cần cù trong lao động sản xuất, không bao xa nữa mảnh đất nổi tiếng một thời đánh giặc giữ nước ấy sẽ vươn mình lớn dậy trong hành trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường máy photocopy  (30/03/2004)
Chống lâm tặc - Nhìn từ Quốc lộ 19  (30/03/2004)
Nóng bỏng cuộc chiến mía đường  (29/03/2004)
Niềm vui nước sạch về làng  (28/03/2004)
Đoàn viên thanh niên Hoài Nhơn với phong trào thi đua lập nghiệp   (26/03/2004)
Nhơn Hải: Nuôi tôm hùm giống - Mở hướng làm giàu  (25/03/2004)
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công   (24/03/2004)
Khởi động những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm   (23/03/2004)
Công nghiệp Bình Định trên đà khởi sắc  (22/03/2004)
Vùng nuôi tôm Phước Hòa: Phập phồng vào vụ mới  (21/03/2004)
Hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở Hoài Nhơn  (19/03/2004)
Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phước An: 3 năm vẫn còn nằm trong... dự án   (19/03/2004)
Khát vọng làm giàu từ cây dó   (19/03/2004)
Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng   (16/03/2004)
Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng - Động lực phát triển của thị trấn Đập Đá   (15/03/2004)