Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại
15:42', 31/3/ 2004 (GMT+7)

Đội phòng chống XĐ-XM ra quân tuyên truyền công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại

Thị Nại là đầm lớn nhất tỉnh, có diện tích trên 5.000 ha, chạy dài từ Quy Nhơn đến phía đông Tuy Phước, Phù Cát; từ lâu vốn nổi tiếng là vườn ươm các giống loài thủy sản, là nguồn sống của bà con ven đầm. Đầm Thị Nại còn có cảnh quan rất đẹp, thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái. Song từ nhiều năm nay, việc tàn phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, và các nghề khai phá thủy sản có tính chất hủy diệt xuất hiện ngày càng nhiều, đã làm cho hệ sinh thái vùng đầm bị phá vỡ; nhiều loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng; môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, góp phần làm cho các vùng nuôi tôm ven đầm mấy năm qua bị dịch bệnh triền miên.

Gần đây, từ những động thái tích cực của các ngành chức năng và các địa phương Quy Nhơn, Tuy Phước, hệ sinh thái đầm Thị Nại đã có dấu hiệu phục hồi.

* "Hung thần" xung điện, xiếc máy

Hơn 10 năm nay, những người quan tâm đến môi trường sinh thái đầm Thị Nại đều xem tệ nạn xung điện, xiếc máy (XĐ-XM) là những "hung thần" của các loài thủy sản sinh sống trong đầm, bởi cách đánh bắt theo kiểu tận diệt của các loại phương tiện này. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại, đã có nhiều cuộc họp cấp tỉnh, liên ngành, liên tịch,… tìm biện pháp khắc phục. Đã có nhiều cuộc họp giữa ngành chức năng, chính quyền địa phương và bà con ven đầm, nhằm tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không khai thác thủy sản bằng các nghề bị cấm. Đã có nhiều đợt ra quân, cưa phá, hủy bỏ các gọng xiếc; nhiều đợt tuần tra truy quét hàng đêm. Đã xảy ra những vụ, xô xát có đổ máu ở ngay trên mặt đầm giữa bà con hành nghề lương thiện và bọn "hung thần" XĐ-XM… Chỉ tính từ năm 1998 đến nay, trong vòng 5 năm đã có gần 50 vụ khai thác thủy sản bằng XĐ-XM bị cơ quan pháp luật bắt giữ, tịch thu phương tiện hành nghề, truy tố những người hành nghề bất hợp pháp ra trước pháp luật. Thế nhưng số vụ bị bắt quả tang chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều ngư dân đã bất chấp luật pháp, vẫn lén lút hoạt động XĐ-XM trên đầm. Đã vậy, loại xung điện xiếc tay ngày càng phát triển mạnh, với hàng trăm người sử dụng, đêm đêm cào nát vùng ven bờ, không tha một con tôm, con cá cỏn con. Cứ như vậy, đêm này qua đêm khác, hàng đêm những người đánh bắt thủy sản bằng các nghề cấm đã làm cho mặt đầm dậy sóng cồn cào…

* Một biện pháp khả thi

Quá bức xúc trước tệ nạn XĐ-XM ngày càng hoành hành, UBND huyện Tuy Phước đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, thành lập đội công tác phòng chống XĐ-XM huyện Tuy Phước, gồm một số cán bộ công an Tuy Phước, thanh niên xung kích xã Phước Sơn và cán bộ Chi cục BVNLTS, do ông Trần Kim Dương - phó chánh thanh tra chi cục BVNLTS làm đội trưởng; bắt đầu hoạt động từ ngày 1-3-2004. Đội công tác phòng chống XĐ-XM hoạt động 24/24 giờ, với nhiệm vụ phối hợp các địa phương ven đầm tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về Luật Bảo vệ môi trường, pháp lệnh BVNLTS, Nghị định 70/CP của Chính phủ, Chỉ thị 01/TTG của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06/CT-UB của UBND tỉnh về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện vào khai thác thủy sản; đồng thời tiến hành tuần tra kiểm soát liên tục trên đầm.

Đến nay, sau gần một tháng hoạt động, Đội công tác phòng chống XĐ-XM huyện Tuy Phước đã bắt quả tang nhiều vụ vi phạm hành nghề cấm để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại; thu giữ 3 thuyền xiếc máy (của ngư dân Phước Thuận), 2 thuyền giã bê (giã cào kết hợp xung điện - của ngư dân Phước Hòa) và 19 bộ xung điện, xiếc tay (của ngư dân Phước Sơn và các xã ven đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước). Các vụ vi phạm nói trên đang được UBND huyện Tuy Phước xử lý theo pháp luật. Theo nhiều người dân ở xã Phước Sơn, từ ngày có Đội công tác hoạt động, tệ nạn XĐ-XM đã giảm rất nhiều. Ông Huỳnh Sơn - nhà ở cạnh sông Gò Bồi (Phước Hòa) phấn khởi cho biết: "Trước đây, cứ quãng 1-2 giờ sáng trở đi là có một số thuyền mang gọng xiếc ngang nhiên nổ máy ầm trời, dàn hàng ngang ủi từ cửa sông Tân Giản lên đến Gò Bồi. Nay thì đã vắng hẳn, bà con ở đây đã có thể ngủ yên giấc." Ông Nguyễn Hà Bình - một ngư dân sống bằng nghề đặt đơm-đó ở Phước Sơn tâm sự: "Gia đình tôi theo nghề truyền thống của cha ông để kiếm sống, nhưng vì XĐ-XM tàn phá không còn con cá, con tôm nên tôi phải bỏ nghề đi làm thuê, vất vả lắm mà cũng không đủ sống. Tôi rất mừng khi thấy nhà nước quan tâm đến việc BVNLTS. Cứ cái đà yên ắng như thế này thì vài năm nữa tôi sẽ quay lại với nghề cũ được rồi."

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động tích cực của Đội công tác trong thời gian qua đã góp phần làm giảm 70% tệ nạn XĐ-XM trên đầm Thị Nại. Theo ông Trần Kim Dương - Đội trưởng Đội công tác: Tình trạng XĐ-XM đã giảm nhưng không phải đã ổn định, một số ngư dân hành nghề XĐ-XM tạm thời nằm im để nghe ngóng tình hình. Riêng với các loại phương tiện rà điện ven bờ hoặc dưới chân rừng ngập mặn thì rất khó đối phó vì ca nô tuần tra của đội không thể tiếp cận được. Nếu các hồ tôm không có người canh gác, trông coi thì bọn rà điện sẵn sàng hành nghề ngay… trong hồ tôm. Vì vậy chính quyền địa phương phải ra tay kiên quyết đối với các đối tượng này thì mới ngăn chặn rốt ráo được.

Đi dọc theo tuyến đê ngăn mặn, chúng tôi thấy có đến trên 30 chiếc thuyền máy mang gọng xiếc - có chiếc vẫn còn mang nguyên lưới cào trên gọng - đậu san sát ở bến Lộc Hạ, Nhân Ân, Đông Phường thuộc xã Phước Thuận. Chúng tôi đem hình ảnh này trao đổi với ông Trần Kim Dương, và được biết: Hiện nay đang vào mùa sứa, ở Phước Thuận rộ lên việc dùng thuyền xiếc để khai thác sứa. Hình thức khai thác này có trong danh mục bị cấm; đồng thời một số người lợi dụng nghề này để quay lại nghề XĐ-XM, nên Đội công tác cũng kiên quyết cấm các thuyền xiếc hoạt động đánh bắt trên đầm cho dù là để khai thác sứa. Ông Trần Kim Dương cũng cho biết thêm là việc phòng chống XĐ-XM hết sức khó khăn, vất vả; nên cần phải kết hợp chặt chẽ giữa việc tuyên truyền, vận động và tuần tra, kiểm soát; cần phải tiến hành liên tục, lâu dài thì mới có hiệu quả.

* Tái tạo màu xanh rừng ngập mặn

Từ việc phá rừng ngập mặn (RNM) để làm hồ tôm, cái nôi sinh sản của nhiều loại thủy sản sống trong đầm và cả ngoài biển khơi bị tàn phá, cũng là nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại cạn kiệt dần. Để khôi phục lại hệ sinh thái RNM nhằm giải quyết vấn đề môi trường sinh thái, phục hồi nguồn lợi thủy sản, và phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao mang tính bền vững, đầu năm 2003, Sở Thủy sản đã kết hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành thực hiện đề tài điều tra khôi phục RNM Cồn Chim - đầm Thị Nại. Trong nhiều phần việc của đề tài khoa học này, việc trồng lại RNM cũng rất quan trọng. Sau một số trở ngại ban đầu, đến nay đã trồng được khoảng 6 ha RNM ở khu vực Cồn Chim. Theo Ban Quản lý khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại (thuộc Sở Thủy sản) trong kế hoạch năm 2004, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục qui hoạch và cấp vốn để tiếp tục trồng 20 ha RNM ở khu vực này.

Việc tái tạo RNM và xóa bỏ hoàn toàn các nghề đánh bắt thủy sản bị cấm đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, để trong một tương lai gần có thể trả lại tính đa dạng sinh học, sự xinh đẹp và trù phú cho đầm Thị Nại. Sự quan tâm của chính quyền tỉnh cùng các địa phương và các cơ quan chức năng đối với hệ sinh thái đầm Thị Nại sẽ còn được thể hiện nhiều hơn nữa. Nói như một vị lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước: "Đội công tác phòng chống XĐ-XM trên đầm Thị Nại sẽ còn hoạt động đến khi nào chấm dứt hoàn toàn tệ nạn XĐ-XM thì mới thôi!"

. Bùi Lợi - Xuân Thức

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…   (31/03/2004)
Thị trường máy photocopy  (30/03/2004)
Chống lâm tặc - Nhìn từ Quốc lộ 19  (30/03/2004)
Nóng bỏng cuộc chiến mía đường  (29/03/2004)
Niềm vui nước sạch về làng  (28/03/2004)
Đoàn viên thanh niên Hoài Nhơn với phong trào thi đua lập nghiệp   (26/03/2004)
Nhơn Hải: Nuôi tôm hùm giống - Mở hướng làm giàu  (25/03/2004)
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công   (24/03/2004)
Khởi động những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm   (23/03/2004)
Công nghiệp Bình Định trên đà khởi sắc  (22/03/2004)
Vùng nuôi tôm Phước Hòa: Phập phồng vào vụ mới  (21/03/2004)
Hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở Hoài Nhơn  (19/03/2004)
Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phước An: 3 năm vẫn còn nằm trong... dự án   (19/03/2004)
Khát vọng làm giàu từ cây dó   (19/03/2004)
Các doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng   (16/03/2004)