Theo số liệu tổng kết của Chi cục Thú y tỉnh, tổng số gia cầm bị tiêu hủy trong đợt dịch cúm vừa qua trên địa bàn tỉnh là 295.934 con, trong đó có 146.565 con gà, 34.273 con vịt, 115.096 con chim cút, bồ câu. Tổng giá trị thiệt hại do tiêu hủy gia cầm ước tính khoảng 7 tỉ đồng. Cơn bão dịch cúm đã làm cho nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm bị thua lỗ và lâm vào cảnh khốn đốn. Sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tìm biện pháp khôi phục chăn nuôi gia cầm với mục đích sớm ổn định sản xuất…
* Sẽ cung cấp đủ giống gia cầm trong thời gian 4 tháng
|
Ông Nguyễn Xuân Du ở thôn Ngọc Thạnh 1 (Phước An, Tuy Phước) vừa thả nuôi 2.000 con gà thịt Cargill |
Hiện nay, tuy dịch cúm gia cầm đã được dập tắt hoàn toàn, nhưng tâm lý lo ngại của người chăn nuôi vẫn còn khá nặng nề. Để khôi phục đàn gia cầm với số lượng như trước khi xảy ra dịch cúm phải mất thời gian từ 2-3 năm. Vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian tới đây là tìm nguồn cung cấp giống gia cầm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho người dân. Trước yêu cầu này, ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết việc sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh hiện nay rất dồi dào, người chăn nuôi không phải lo thiếu giống gia cầm tốt để tái sản xuất. Riêng gà giống, tỉnh hiện có hai trại giống gốc là Trại Nghiên cứu thực nghiệm chăn nuôi An Nhơn (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung - Viện Chăn nuôi) và Trại giống Minh Dư (Phước Nghĩa - Tuy Phước). Hai trại này có khả năng cung cấp mỗi tháng khoảng 31.500 con gà giống, gồm các giống: Hoa Lương Phượng, Kasil, Sac-so. Với giống vịt, hiện nay, Trại Thực nghiệm vật nuôi Diêu Trì (Trung tâm KHKT vật nuôi tỉnh) có khả năng cung cấp mỗi tháng 10.000 con vịt giống, với các giống vịt cao sản: CV 2000 và Kakicampell.
Như vậy, với số gà bị tiêu hủy trong đợt dịch cúm vừa qua thì trong thời gian hơn 4 tháng tới, hai trại gà giống ở An Nhơn và Tuy Phước sẽ cung cấp đủ số lượng. Riêng số gà công nghiệp chuyên trứng và siêu thịt bị tiêu hủy khoảng 20.000 con, tỉnh sẽ liên hệ nhập giống từ TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, với khả năng cung cấp con giống của Trạm Thực nghiệm vật nuôi Diêu Trì hiện nay, cũng trong thời gian khoảng 4 tháng sẽ cung cấp đủ số lượng hơn 34.000 con vịt bị tiêu hủy thời gian qua.
Về vốn sản xuất, ngành Ngân hàng cũng đã có những tác động tích cực. Ngân hàng NN-PTNT bên cạnh việc gia hạn nợ, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại, sẽ tiếp tục cho vay vốn. Đối với việc đền bù số gia cầm bị tiêu hủy, UBND tỉnh đã có chủ trương phân bổ vốn ngân sách để các địa phương chi trả.
* Tích cực khôi phục chăn nuôi, nhưng không vội vã
Cũng theo ông Võ Thành Tiên, chủ trương khôi phục chăn nuôi gia cầm của tỉnh hiện nay là khẩn trương nhưng không vội vàng phát triển ồ ạt. Bên cạnh việc tổ chức chỉ đạo cho các hộ gia đình chăn nuôi thử với quy mô nhỏ, cần phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp tiêu độc, khử trùng để tránh nguy cơ dịch bệnh tái phát. Ông Trần Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: "Sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch cúm gia cầm, nhiều hộ gia đình đã xin chăn nuôi gia cầm trở lại với số lượng lớn, nhưng huyện kiên quyết hạn chế chăn nuôi quy mô lớn. Để tránh nguy cơ dịch bệnh tái phát, huyện chỉ cho phép nuôi thử từ 50-100 con gia cầm mỗi trại trong thời gian 3-5 tháng đầu. Điều thiết yếu hiện nay là các cơ quan chuyên môn, đơn vị sản xuất giống và người chăn nuôi phải có sự liên lạc chặt chẽ với nhau để phối hợp phòng ngừa dịch bệnh."
Tuy được cảnh báo từ ngành chức năng, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay vẫn có một số hộ chăn nuôi bắt đầu thả giống với số lượng gia cầm lớn. Ông Nguyễn Xuân Du ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An (Tuy Phước) vừa tiến hành thả 2.000 con gà giống Cargill theo đơn đặt hàng của một cơ sở tiêu thụ gia cầm tại Quy Nhơn. Ông Du cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm đã được dập tắt, nguy cơ dịch bệnh tái phát là rất khó vì thời tiết hiện đang bước vào mùa khô, nhiệt độ lên cao. Việc chọn lựa con giống, tiêm phòng thú y, được ông Du thực hiện khá nghiêm ngặt; ông đã đích thân vào tận Đồng Nai để liên hệ đặt con giống, đồng thời liên hệ với cán bộ thú y thực hiện các bước kiểm dịch chặt chẽ.
* Quy hoạch các điểm giết mổ…
Có thể nói rằng, việc xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm và các điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm ở Bình Định trong thời gian qua chưa được triển khai chặt chẽ; tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm có nơi còn thả nổi. Đây là nguyên nhân làm cho dịch bệnh lan nhanh, khó kiểm soát. Do vậy, việc quy hoạch lại các điểm giết mổ và các điểm buôn bán sản phẩm gia cầm được ngành thú y đặc biệt quan tâm. Ông Đào Văn Hùng, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết, trong thời gian tới ngành sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các cửa hàng buôn bán thịt sạch tại các địa phương.
Theo phương án của Chi cục Thú y tỉnh đề ra, từ nay đến năm 2005 sẽ tiến hành xây dựng 5 cơ sở giết mổ tập trung tại Tuy Phước, An Nhơn và Quy Nhơn. Cụ thể, tại Tuy Phước sẽ xây dựng lò giết mổ tập trung tại thị trấn Diêu Trì; An Nhơn xây dựng hai lò giết mổ tại thị trấn Bình Định và Đập Đá; mỗi lò mổ có công suất giết mổ 500 con/ngày. Còn tại Quy Nhơn sẽ xây dựng các điểm giết mổ tại phường Thị Nại và Trần Quang Diệu, quy mô mỗi cơ sở 800 con/ngày. Đồng thời sẽ xây dựng 10 cửa hàng kinh doanh sản phẩm thịt sạch tại một số nơi để chấn chỉnh việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm…
Hy vọng rằng với những biện pháp cụ thể được đề ra và thực hiện tốt, trong thời gian không lâu nữa ngành chăn nuôi gia cầm ở Bình Định sẽ phục hồi.
. Nguyễn Hân
|