Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Đời sống của người lao động được cải thiện hơn
16:0', 23/4/ 2004 (GMT+7)

Đến nay, Bình Định đã có 24 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã tiến hành cổ phần hóa (CPH). Nhìn chung các doanh nghiệp (DN) này đều có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đời sống của người lao động được cải thiện hơn trước…

Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty cổ phần Đường Bình Định

Nét nổi bật sau khi chuyển hình thức sở hữu từ DNNN sang công ty cổ phần ở Bình Định là việc huy động nguồn vốn của toàn xã hội để đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Tính đến nay, 24 công ty cổ phần ở Bình Định có tổng số vốn điều lệ 122,7 tỉ đồng, trong đó vốn huy động từ người lao động và ngoài DN là 66,6 tỉ đồng. Với số vốn huy động này, các DN đã có điều kiện hơn để đầu tư cho việc đổi mới trang thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Một trong những điển hình là Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn. Từ chỉ hoạt động trong ngành đóng tàu và chế biến hải sản khô tiêu thụ nội địa, đến nay công ty có tất cả 3 xí nghiệp trực thuộc với hơn 500 cán bộ - công nhân hoạt động ở nhiều ngành nghề: chế biến, kinh doanh các mặt hàng hải sản phục vụ cho xuất khẩu và nội địa; xây dựng các công trình dân dụng; kinh doanh xăng dầu và vật tư trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nghề cá; kinh doanh phòng trọ và dịch vụ ăn uống; tư vấn đầu tư xây dựng… Doanh thu bình quân mỗi năm của đơn vị đã đạt hơn 160 tỉ đồng.

Ông Đặng Ngọc Vỹ, Thường trực Ban đổi mới và phát triển DN tỉnh Bình Định: Hầu hết các DN, khi CPH, trách nhiệm và sự đóng góp công sức của người lao động được nâng lên, công tác điều hành quản lý ngày càng chặt chẽ và hợp lý hơn nên đã giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty cổ phần ở Bình Định đều có hiệu quả cao hơn so với khi còn là DNNN.

Ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn: Sau khi CPH, đời sống và việc làm của người lao động ở đơn vị tôi đã có nhiều thay đổi tích cực. Hiện mức lương bình quân của cán bộ công nhân viên trong công ty là 650 ngàn đồng/người/tháng. Ngoài lương, người lao động với tư cách là cổ đông còn được hưởng cổ tức theo số lượng cổ phần của mình có trong đơn vị. Cổ tức bình quân của công ty tôi trong năm đầu tiên CPH (2003) là 9%/năm.

Một điều đáng mừng nữa là sau CPH số lao động trong các DN không những không bị giảm mà còn tăng lên đáng kể, trung bình tăng 10-15% so với trước khi CPH. Sở dĩ có được kết quả này là vì các công ty cổ phần đã chủ động hơn trong việc huy động vốn để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động vào làm việc. Chẳng hạn, ở Công ty Cổ phần in và bao bì Bình Định, số công nhân đã tăng thêm 200 người so với trước khi CPH; Công ty Cổ phần cơ khí tàu thuyền tăng hơn 100 người và Công ty Cổ phần xây lắp điện Tuy Phước tăng hơn 70 người… Ngoài ra, chất lượng lao động cũng đã được nâng lên đáng kể để đáp ứng với yêu cầu cạnh tranh, hội nhập và phát triển của đơn vị. Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn sau khi CPH đã tuyển dụng thêm nhiều cán bộ kỹ thuật và công nhân, tổ chức đào tạo nghề để họ có khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Mặt khác, khi chuyển hình thức sở hữu từ DNNN sang công ty cổ phần, cung cách quản lý của các DN cũng đã được nâng lên một bước. Các công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp, vai trò của Hội đồng quản trị đã được nâng lên, chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhanh nhạy hơn trong việc tìm kiếm đối tác và thị trường mới. Ngoài ra, hầu hết cổ đông là người lao động trong DN, vì thế họ nắm rõ được tình hình sản xuất kinh doanh của DN, nên đã thể hiện được quyền làm chủ của mình.

Với những chuyển động mang tính tích cực, đời sống của người lao động trong các công ty cổ phần ở Bình Định đã được cải thiện đáng kể. Qua báo cáo của các đơn vị CPH, so với bình quân 3 năm trước khi cổ phần, doanh thu tăng 31%, mức lương của người lao động tăng 30%, tỷ lệ cổ tức chia cho cổ đông đạt 18,25%/năm…

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khôi phục chăn nuôi gia cầm: Những chuyển động tích cực  (22/04/2004)
Bình Định xuất khẩu 400 tấn bột nhang sang thị trường Nhật Bản   (21/04/2004)
Khởi nghiệp từ nghề truyền thống  (20/04/2004)
Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Còn đó những khó khăn   (19/04/2004)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu mới  (18/04/2004)
Đề Gi - ước vọng khơi xa   (16/04/2004)
Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống   (16/04/2004)
Muối đắng…   (15/04/2004)
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)
Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định   (14/04/2004)
Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi  (13/04/2004)
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)