Tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài gây ra cho các khu vực xung quanh không phải là "chuyện bây giờ mới kể". Trước thực trạng này, tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết như thế nào, về trước mắt cũng như lâu dài, để KCN này phát triển bền vững?
* Về phía doanh nghiệp
Trước hết, cần phải thấy rằng để giải quyết cơ bản tình trạng ÔNMT ở KCN Phú Tài, đòi hỏi nỗ lực của cả 2 phía: phía các nhà DN và phía tỉnh, cũng như các ngành chức năng của tỉnh. Lâu nay, khi thực trạng ÔNMT tại KCN Phú Tài đã lên đến mức "báo động", thì một số DN ở đây đã có những cố gắng nhất định trong việc cải thiện tình trạng môi trường.
|
Một góc KCN Phú Tài |
Xí nghiệp chế biến gỗ nội thất (thuộc Tổng Công ty PISICO) kể từ khi hệ thống xử lý nước thải bị hư hỏng, đã chuyển từ luộc gỗ sang sấy, để hạn chế thải nước ra môi trường. Ông Nguyễn Tấn Trung - Trưởng phòng tổ chức hành chính của xí nghiệp - cho biết: Vừa qua, xí nghiệp đã đặt vấn đề với Công ty TNHH tư vấn công nghệ môi trường của tỉnh trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cấp độ B theo yêu cầu của tỉnh; dự kiến trong tháng 5-2004 sẽ hoàn thành hệ thống xử lý bình quân mỗi ngày 12 m3 nước thải. Công ty nguyên liệu giấy Quy Nhơn cũng đã có những cố gắng đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ÔNMT. Ông Phan Tâm Đồng, Phó Giám đốc công ty khẳng định: "Hệ thống cống rãnh, hố chứa nước thải của công ty đều được đưa vào hệ thống xử lý chung của công ty". Trong khi đó, Công ty TNHH sản xuất giấy Tân Bình cũng có cố gắng đáng ghi nhận khi bỏ ra 1,2 tỉ đồng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hoàn thành vào tháng 8-2003 đạt tiêu chuẩn B. Tuy nhiên, rất tiếc là công trình này lại chưa được sử dụng, bởi còn chờ hệ thống xử lý nước thải chung của KCN.
* Về phía tỉnh
Có thể nói, nhiều DN ở KCN Phú Tài đều có những nỗ lực nhất định trong việc cải thiện tình trạng ÔNMT. Thế nhưng, không phải tất cả các DN đều ý thức được điều đó. Bởi vậy, tình trạng ÔNMT vẫn tiếp tục xảy ra. Và cũng do vậy, tỉnh đã "ra tay" can thiệp. Theo ông Hồ Quang Mươi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Bình Định, đợt gần đây nhất, để giải quyết trước mắt về vấn đề nước thải, trong khi chờ thi công hệ thống xử lý chung, tỉnh đã chủ trương huy động phương tiện của Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn liên tục hút chất thải từ KCN tập trung tại cống Trường Lâm, và nạo vét bùn ở các mương dẫn nước đến cống. Hiện nay, các xe này vẫn trực sẵn ở cống Trường Lâm, nước thải có đến đâu thì hút ngay đến đó. Theo chủ trương của tỉnh, công việc này sẽ còn tiếp tục, cho đến khi thi công hệ thống xử lý nước thải chung của KCN với 2 hạng mục trước mắt là đường ống dẫn nước thải và 2 bể chứa.
Đó là giải pháp mang tính "tình thế". Giải pháp lâu dài và bền vững, chính là việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung của KCN. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý các KCN tiến hành mở thầu; và sau khi đấu thầu xong, theo chỉ đạo của tỉnh là phải khẩn trương thi công. Tỉnh cũng kiên quyết yêu cầu từng DN phải bảo đảm xử lý nước thải đạt loại B, chậm nhất là vào tháng 7-2004, để đưa vào hệ thống xử lý nước thải chung, khi hệ thống này hoàn thành.
Trước yêu cầu bức xúc hiện nay, Sở TN-MT cũng đã quyết định mở một đợt thanh tra về công tác BVMT tại tất cả các DN ở KCN Phú Tài; bắt đầu từ ngày 20-4 và sẽ kéo dài trong 1 tháng. Đây cũng chính là niềm mong đợi của nhân dân địa phương. Khi được biết những biện pháp mà tỉnh sẽ thực hiện trong việc xử lý ÔNMT ở KCN Phú Tài, ông Nguyễn Xuân Sanh, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn) bày tỏ: Mong sao đợt này phải làm kiên quyết và triệt để, để không còn nghe dân "kêu" nữa.
. Khánh Hoàng |