Không lý gì đầu tư 30 triệu USD để chịu lỗ
17:25', 29/4/ 2004 (GMT+7)

Công ty Asia Hawaii Ventures (AHV), một công ty 100% vốn của Mỹ, hiện đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng tại Bình Định, Phú Yên, đã khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vì chấp nhận đơn kiện bán phá giá tôm của Liên minh tôm miền nam (SSA). Ông Trần Tony Phúc Thành, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị AHV, cho biết chung quanh vụ kiện này.

- Thưa ông, vì sao AHV quyết định khởi kiện DOC?

Ông Trần Tony Phúc Thành

+ Đó là vì quyền lợi của AHV và cũng là quyền lợi của người nuôi tôm Việt Nam. Rõ ràng, việc Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận đơn kiện Việt Nam và những nước khác bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ của SSA và ITC là hết sức vô lý và không công bằng cho những người nuôi tôm Việt Nam và những cá nhân, tổ chức nước ngoài đang đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Tôi có thể khẳng định là không lý gì AHV, hiện đã đầu tư hơn 12 triệu USD và đến cuối năm nay là 30 triệu USD, vào miền Trung Việt Nam nuôi tôm rồi lại chịu lỗ để bán phá giá vào Mỹ.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng không cho người nuôi tôm một đồng bạc bù lỗ nào, vì thế làm gì có chuyện họ bán phá giá như tuyên bố của SSA và ITC.

Riêng AHV đã đầu tư vào Việt Nam quy trình nuôi tôm khép kín: tự sản xuất thức ăn, tự sản xuất con giống và nuôi tôm thương phẩm, giá nhân công tại đây cũng rất rẻ, vì thế bán tôm với giá cạnh tranh là đúng. Việc DOC chấp nhận đơn khiếu kiện Việt Nam và năm nước khác bán phá giá tôm vào Mỹ đã khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì các nhà nhập khẩu ở Mỹ hiện không dám mua tôm do chúng tôi sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, AHV cũng không bán được tôm giống sản xuất tại Việt Nam cho những bạn hàng truyền thống vốn cũng có thị trường xuất khẩu tôm sang Mỹ là Trung Quốc và Thái-lan.

- "Lộ trình" khởi kiện của AHV trong vụ này như thế nào?

+ Trong Tập đoàn AHV có cổ phần của Tập đoàn luật sư William Bill Group, một tập đoàn có tiếng ở Hawaii. Tuy chỉ chiếm 5% trong tổng vốn đầu tư của AHV, nhưng tập đoàn này đã quyết định cùng AHV khởi kiện DOC để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Cuối tháng 3 vừa rồi, chúng tôi đã quyết định nộp đơn khiếu kiện lên DOC. Hiện nay, tập đoàn luật sư này cùng một công ty điều tra độc lập đã đến Việt Nam, trong tuần này đoàn sẽ đến một số nơi nuôi tôm ở Sóc Trăng, Cà Mau, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... để tìm những bằng chứng cụ thể cho vụ kiện. Chúng tôi muốn chứng minh cho DOC thấy rằng, AHV cũng như những người nuôi tôm Việt Nam không hề bán phá giá tôm vào Mỹ.

- Ông có tin rằng AHV sẽ thắng?

+ Chúng tôi xác định mục tiêu của vụ kiện này là tin sự đồng tình, ủng hộ của dư luận từ nước Mỹ. Rõ ràng nếu SSA và ITC thắng trong vụ kiện này thì chỉ người tiêu dùng Mỹ bị thiệt lớn mà thôi.

Hiện nay, giá tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang ở mức 7,8 USD/kg, nếu bị đánh thuế thêm 50% nữa, thì tôm Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ tăng lên mức gần 12 USD/kg, nghĩa là người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm hơn bốn USD cho một kg tôm, nhưng nếu đánh thuế nhập khẩu tôm cao như vậy, nông dân Việt Nam và những nước khác thấy không có lãi, họ sẽ không xuất tôm sang Mỹ thì người tiêu dùng nước này còn bị thiệt nhiều hơn vì giá tôm hiện nay ở Mỹ đã xấp xỉ 30 USD/kg. Trong khi đó, ngành sản xuất tôm ở Mỹ chỉ có thể đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước. Thêm nữa, nếu những nước bị kiện không xuất tôm sang Mỹ thì những nhà chuyên kinh doanh và phân phối mặt hàng này tại Mỹ chỉ có nước đóng cửa tiệm và mất việc.

Một thông tin rất thuận lợi mà tôi vừa được nhân viên của mình ở Mỹ thông báo: Cách đây hơn hai tuần, người tiêu dùng và những nhà phân phối tôm ở Mỹ đã có cuộc biểu tình lớn chống lại quan điểm cho rằng Việt Nam và năm nước khác bán phá giá tôm vào Mỹ của SSA và ITC. Chúng tôi tin mục tiêu vụ kiện của mình sẽ thành công. AHV chấp nhận bỏ ra chi phí hơn 200.000 USD và có thể nhiều hơn nữa để "theo" vụ này đến cùng. Nếu chúng tôi thành công thì cũng có nghĩa là người nuôi tôm ở Việt Nam có lợi thế lớn trong vụ kiện bán phá giá tôm này. Ở Mỹ, nếu người ta đánh anh mà anh không chống trả thì họ sẽ quen mui, tìm cách đánh nữa. Khiếu kiện DOC là cách chống trả của AHV.

- Trở lại vụ kiện của SSA và ITC với Việt Nam và năm nước khác, ông dự đoán kết quả thế nào?

+ Sau "hiệp một", tình thế của hai bên là 50-50. Tuy nhiên, tôi nghĩ phía bị đơn, tức Việt Nam và năm nước khác, sẽ thắng trong vụ này nếu biết liên kết với nhau. Ở Mỹ, nếu có nhiều tiền, kiên nhẫn và tìm được luật sư giỏi thì có thể thắng kiện. Tôi cho rằng SSA không có được hai điều đầu tiên cho vụ này, vì thế nếu những người nuôi tôm ở Việt Nam và các nước bị kiện bắt tay lại thì "nguyên đơn" sẽ đuối sức. Điều cốt tử hiện nay là phải liên kết lại để làm dư luận Mỹ lên tiếng, chống lại khả năng DOC sẽ đưa ra phán quyết sơ bộ về thuế nhập khẩu hoặc hạn ngạch nhập khẩu đối với tôm Việt Nam vào tháng 6 tới.

- Xin cảm ơn ông.

. Theo SGGP

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xuất khẩu gỗ tinh chế: Đang rộng đường đi  (28/04/2004)
Hoài Phú phát huy nội lực đi lên  (27/04/2004)
Du lịch biển Quy Nhơn: Không chỉ có Ghềnh Ráng - Tiên Sa   (26/04/2004)
Xử lý ô nhiễm môi trường ở KCN Phú Tài: Những biện pháp tích cực  (25/04/2004)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Đời sống của người lao động được cải thiện hơn   (23/04/2004)
Khôi phục chăn nuôi gia cầm: Những chuyển động tích cực  (22/04/2004)
Bình Định xuất khẩu 400 tấn bột nhang sang thị trường Nhật Bản   (21/04/2004)
Khởi nghiệp từ nghề truyền thống  (20/04/2004)
Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Còn đó những khó khăn   (19/04/2004)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu mới  (18/04/2004)
Đề Gi - ước vọng khơi xa   (16/04/2004)
Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống   (16/04/2004)
Muối đắng…   (15/04/2004)
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)
Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định   (14/04/2004)