Công nghiệp Bình Định: Tạo đà để tăng tốc phát triển
15:43', 30/4/ 2004 (GMT+7)

Từ một tỉnh thuần nông, sản xuất công nghiệp hầu như là con số không, sau ngày giải phóng, Bình Định đã có nhiều chính sách, giải pháp xây dựng ngành công nghiệp để góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Trước năm 1995, tốc độ phát triển công nghiệp bình quân mỗi năm chỉ hơn 10%; giai đoạn 1995-2000 đã nâng lên được 14,3% và từ 2000 đến nay mức tăng trưởng hàng năm gần 19%. Nhiều sản phẩm công nghiệp "made in Bình Định" như: gỗ tinh chế, dược phẩm, hải sản đông lạnh, đường RS, bia… đã ngày càng khẳng định vị thế của mình không những ở thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài.

Sản xuất gạch tuy nen

Năm 2003, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 2.330 tỉ đồng, chiếm hơn 18% cơ cấu GDP của tỉnh. 4 tháng đầu năm 2004, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt 468,739 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2003. Để có được những thành tựu đó, ngành công nghiệp Bình Định đã trải qua nhiều bước tăng trưởng, nhất là trong những năm đổi mới gần đây. Nếu tính từ năm 1995, nghĩa là sau 20 năm ngày đất nước giải phóng, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ mới đạt 148,1 tỉ đồng. Một con số quá nhỏ bé và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Bởi vậy, trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 1995-2010, tỉnh đã đưa ra các giải pháp cho sự phát triển của ngành công nghiệp: "Tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất tương đối hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao được thị trường chấp nhận".

Với định hướng này, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ra đời. Đầu năm 1996, Xí nghiệp Gạch tuynen, công suất 20 triệu viên/năm đã đi vào hoạt động. Đây là một minh chứng cho xu thế hiện đại hóa ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi sinh môi trường. Cũng trong năm 1996, Liên doanh khai thác khoáng sản Bình Định Việt Nam - Malaysia (Bimal) chính thức đi vào hoạt động, tiếp đó là các nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh như: nhà máy bia, nhà máy đường, nhà máy sữa…

Để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các DN đầu tư mở rộng sản xuất, tỉnh cũng đã tiến hành quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. KCN Phú Tài là "cực" hút các DN đầu tư vào nhờ một cơ chế chính sách thông thoáng và hấp dẫn. Theo nhận xét của các nhà đầu tư, đây là một KCN có môi trường đầu tư tương đối tốt; ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nơi đây còn nằm ở vị trí thuận lợi, gần đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và là cửa ngõ lên các tỉnh Tây Nguyên. Với những lợi thế này, hiện nay ở KCN Phú Tài, ngoài 70 DN đã đi vào sản xuất, còn hơn 30 DN khác đang làm thủ tục xin cấp đất xây dựng nhà xưởng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các DN ở đây đã chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Ngoài ra, Bình Định còn có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, để giải quyết việc làm cho người lao động và khai thác tiềm năng sẵn có. Từ năm 1995 đến nay, ngành công nghiệp Bình Định đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở những vùng nông thôn trong tỉnh. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp như: chế biến đường, chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm - thủy sản, may xuất khẩu… đã góp phần tạo tiền đề cho những địa phương này phát triển. Tỉnh cũng đã tiến hành đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống để tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận như: thảm xơ dừa Tam Quan (Hoài Nhơn), gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, cẩn xà cừ Nhơn Hưng (An Nhơn)…

Tất cả chưa dừng lại, bởi hiện nay Bình Định đã và đang tiếp tục "trải chiếu hoa" mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án dài hơi cho sự phát triển của công nghiệp tỉnh nhà cũng đang chuẩn bị xúc tiến hoặc đang chọn tìm đối tác thực hiện. Chỉ riêng những dự án đang thực thi như: Dự án xây dựng nhà máy Phong điện Phương Mai, nhà máy sản xuất phân NPK, nhà máy rượu - cồn, nhà máy sản xuất dịch truyền, nhà máy chế biến tinh bột sắn… khi đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo cho ngành Công nghiệp Bình Định bước tiến mới.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Không lý gì đầu tư 30 triệu USD để chịu lỗ  (29/04/2004)
Xuất khẩu gỗ tinh chế: Đang rộng đường đi  (28/04/2004)
Hoài Phú phát huy nội lực đi lên  (27/04/2004)
Du lịch biển Quy Nhơn: Không chỉ có Ghềnh Ráng - Tiên Sa   (26/04/2004)
Xử lý ô nhiễm môi trường ở KCN Phú Tài: Những biện pháp tích cực  (25/04/2004)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Đời sống của người lao động được cải thiện hơn   (23/04/2004)
Khôi phục chăn nuôi gia cầm: Những chuyển động tích cực  (22/04/2004)
Bình Định xuất khẩu 400 tấn bột nhang sang thị trường Nhật Bản   (21/04/2004)
Khởi nghiệp từ nghề truyền thống  (20/04/2004)
Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Còn đó những khó khăn   (19/04/2004)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu mới  (18/04/2004)
Đề Gi - ước vọng khơi xa   (16/04/2004)
Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống   (16/04/2004)
Muối đắng…   (15/04/2004)
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)