Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh
16:29', 1/4/ 2004 (GMT+7)

Huyện miền núi Vân Canh có 9 dân tộc anh em với 9.295 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Bana, Chăm, Thái… Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), đời sống của đồng bào các dân tộc ở Vân Canh đã có những đổi thay đáng kể.

Trên đường vào các làng dân tộc thiểu số - anh Thành Kim Lĩnh, cán bộ Ban định canh định cư - Kinh tế mới của huyện khoe: "Giờ đây đường đến các làng dân tộc thiểu số đã thuận lợi hơn nhiều. Những năm trước, muốn đến đây phải vất vả xắn quần lội bộ qua các sông, suối; mùa mưa thì dường như nơi đây cách biệt với bên ngoài. Gần đây, nhờ sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và địa phương, các con đường đã được bê tông hóa, qua sông có cầu kiên cố. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay".

Một góc làng Hà Văn Trên hôm nay

Từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, tạo đà cho đồng bào phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều làng, thôn vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có đường bê tông, đường cấp phối vào tận nơi, có điện, nước sinh hoạt, có điểm vui chơi văn hóa, trẻ em có trường học, người ốm có trạm y tế. Bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi tích cực. Ông Đoàn Văn Cứ, Trưởng làng Suối Mây (thị trấn Vân Canh) vui mừng cho biết: "Nhờ sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước đồng bào dân tộc thiểu số mới xây dựng được cái nhà mới; có con đường mới để đi lại; có điện để nghe cái đài, xem cái tivi; có nước sạch để uống; có cái trường cho lũ nhỏ đi học. Giờ đồng bào mình ưng cái bụng lắm".

Cùng với việc xây dựng hạ tầng thiết yếu, huyện rất chú trọng chăm lo đời sống đồng bào, từ việc hỗ trợ kinh phí để xây nhà đến việc tạo việc làm, để đồng bào quen dần cuộc sống định canh, định cư, phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống. Bà Đoàn Thị Lỡ, ở làng Suối Đá (Canh Hiệp), xúc động nói: "Gần hết đời người rồi mà tôi mới được ở trong ngôi nhà mới như thế này". Không riêng gì bà Lỡ, rất nhiều người đã không thể nào nói hết sự vui mừng khi có được một ngôi nhà mới từ sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiều dự án vay vốn ưu đãi để bà con phát triển sản xuất đã được triển khai, qua đó giải quyết được một lượng lớn lao động. Năm 2003, lần đầu tiên huyện Vân Canh triển khai hỗ trợ không hoàn lại cho 130 hộ đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 130 triệu đồng, để các hộ này phát triển chăn nuôi bò. Ông Đoàn Văn Nghiệp, dân tộc Chăm, ở làng Suối Mây (thị trấn Vân Canh), tâm sự: "Mình nghèo lắm tiền đâu mà mua được bò. Nhờ đồng tiền của Nhà nước cho, 4 gia đình góp lại để mua một con bò cái để nuôi, giờ đã đẻ được con bê con rồi, mừng lắm. Vài năm nữa mình sẽ có một đàn bò thôi".

Các mặt hàng chính sách như dầu, muối, thuốc... cũng được cấp, phát kịp thời. Bên cạnh đó là những đợt tập huấn khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, cấp con, cây giống, phân bón được tổ chức thường xuyên... Nhờ đó, đến nay, hầu hết đồng bào đã bỏ cuộc sống du canh du cư, chuyển sang định canh định cư, biết sử dụng giống mới, quen dần với kỹ thuật canh tác tiến bộ, biết giao dịch mua bán, biết tính toán lời lỗ trong sản xuất và số hộ nghèo giảm một cách đáng kể (hiện toàn huyện chỉ còn 1.309 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo).

Ông Nguyễn Bum, người Bana (ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận), là một điển hình về nỗ lực thoát nghèo. Ngày trước do không biết cách làm ăn nên cuộc sống gia đình ông liên tục thiếu trước hụt sau, dù rằng có đến 3 ha đất. Sau những lần chịu khó lặn lội vượt đường sá xa xôi đi học hỏi các mô hình sản xuất giỏi trong tỉnh, ông quyết định chuyển cách làm ăn, cắt riêng 2 ha đất ra để bắt đầu trồng bắp và mì; tận dụng các sản phẩm hoa màu để chăn nuôi bò lai, heo hướng nạc, gà thả vườn... Bây giờ chẳng những ông đã thực sự thoát nghèo, các con của ông đều được đi học mà ông còn có tiền để cất nhà xây mái ngói, sắm xe máy đi lại, mua ti vi và có của ăn của để, đồng thời còn thường xuyên giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động nhàn rỗi ở làng...

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của từng hộ gia đình, Vân Canh đã và đang có nhiều Nguyễn Bum như thế.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Các lâm trường hoạt động ngày càng hiệu quả  (01/04/2004)
Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại   (31/03/2004)
An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…   (31/03/2004)
Thị trường máy photocopy  (30/03/2004)
Chống lâm tặc - Nhìn từ Quốc lộ 19  (30/03/2004)
Nóng bỏng cuộc chiến mía đường  (29/03/2004)
Niềm vui nước sạch về làng  (28/03/2004)
Đoàn viên thanh niên Hoài Nhơn với phong trào thi đua lập nghiệp   (26/03/2004)
Nhơn Hải: Nuôi tôm hùm giống - Mở hướng làm giàu  (25/03/2004)
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công   (24/03/2004)
Khởi động những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm   (23/03/2004)
Công nghiệp Bình Định trên đà khởi sắc  (22/03/2004)
Vùng nuôi tôm Phước Hòa: Phập phồng vào vụ mới  (21/03/2004)
Hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở Hoài Nhơn  (19/03/2004)
Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phước An: 3 năm vẫn còn nằm trong... dự án   (19/03/2004)