Nhân Đại hội Hội sinh vật cảnh tỉnh Bình Định lần thứ II:
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh
15:46', 2/4/ 2004 (GMT+7)

Một trong những vườn mai chuyên canh ở Bình Định

Bình Định có truyền thống chơi sinh vật cảnh (SVC) từ lâu đời, có nhiều nghệ nhân, nhiều người trồng và tạo cây kiểng nghệ thuật nổi tiếng trong cả nước. Năm 1998, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định (HSVCBĐ) được thành lập đã phát huy phong trào SVC phát triển sâu rộng đến từng thôn xóm trên địa bàn tỉnh. Tuy mới ra đời được 5 năm, nhưng HSVCBĐ đã đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống tinh thần và vật chất của những người yêu thích và kinh doanh SVC, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề trong chương trình, mục tiêu kinh tế ở địa phương.

Từ ngày đầu thành lập Hội, toàn tỉnh chỉ có 4 Hội SVC cấp huyện, 6 chi hội trực thuộc Tỉnh hội, 30 chi hội trực thuộc huyện, thành hội và gần 500 hội viên (kể cả hội viên danh dự và tán trợ). Đến nay toàn tỉnh đã có 9 Hội SVC cấp huyện, 110 chi hội cơ sở và 3.152 hội viên. Các hoạt động của HSVCBĐ ngày một phong phú, đa dạng và bám sát tôn chỉ, mục đích của TƯ Hội SVC Việt Nam. Hội đã chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền cho hội viên và mọi người nhận thức cao hơn về nền tảng SVC: biết yêu thích cảnh quan thiên nhiên, các di sản từ nguồn sinh thái đa dạng và từ lao động sáng tạo của con người qua bao thế hệ; giúp con người bồi dưỡng đời sống tinh thần; biết bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh vật tự nhiên, chống lại sự tàn phá của thiên tai và của con người; có những can thiệp tích cực trong việc cân bằng môi trường sinh thái nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…. Một mục đích khác không kém phần quan trọng, đó là vận động mọi người phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế từ sản xuất và kinh doanh SVC.

HSVCBĐ đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động liên hoan, trưng bày, triển lãm, hội thi… vào các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, các hội chợ và nhất là các hội hoa xuân hàng năm như: Hội thi, trưng bày SVC chào mừng thiên niên kỷ mới - xuân 2000, Hội chợ thương mại và Liên hoan SVC mùa thu năm 2000, Hội chợ thương mại "Bình Định tiềm năng và hội nhập" năm 2003… Qua các lần tổ chức này, Hội đã thu hút và phát hiện hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật SVC có giá trị của các nghệ nhân, làm phong phú thêm bộ sưu tập SVC của tỉnh Bình Định. HSVCBĐ đã chủ động liên kết với nhiều cơ quan phát động thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như: Chương trình phát triển du lịch sinh thái; chương trình trồng cây xanh, hoa, cây cảnh cải tạo môi trường trong lành, đảm bảo yếu tố xanh, sạch, đẹp; chương trình đền ơn đáp nghĩa, đưa SVC vào trang trí tượng đài, bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ… Đặc biệt là phong trào khuyến khích tổ chức sản xuất - kinh doanh SVC, hiện nay toàn tỉnh đã có diện tích hàng trăm ha đất dùng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ SVC. Ở An Nhơn đã hình thành ổn định làng cúc, làng mai ở Vĩnh Liêm, Vĩnh Trực, Minh Khai (thị trấn Bình Định), Phương Danh (Đập Đá), Háo Đức (Nhơn An); làng vạn thọ, mào gà, hướng dương ở Vân Sơn (Nhơn Hậu); đã có nhiều vườn kiểng, vựa kiểng có giá trị kinh tế cao ở: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn. Ước tính doanh thu SVC toàn tỉnh trong 5 năm qua trên 20 tỉ đồng.

Bồi dưỡng, đào tạo, dạy nghề để nâng cao kiến thức cho hội viên, những nghệ nhân, những người yêu thích, những người lao động sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ SVC là việc làm thường xuyên và chủ yếu của HSVCBĐ. Nhiệm kỳ qua, Hội đã đào tạo nghề cho 950 học viên, đã góp phần gợi mở hướng phát triển kinh tế vườn từ hoa kiểng cho nhiều hộ gia đình.

Qua 5 năm hoạt động và lãnh đạo phong trào, Hội SVCBĐ đã có nhiều thành tích đã được Chính Phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc từ năm 1998-2000, hàng chục bằng khen của UBND tỉnh và TƯ Hội cho tập thể và các cá nhân có nhiều thành tích. Phương hướng của nhiệm kỳ II (2004-2009) mà Hội SVCBĐ đưa ra là tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích đầu tư, kinh doanh SVC; xem đây là một ngành nghề có nhiều triển vọng, tạo ra thị trường hoa kiểng có sức cạnh tranh lành mạnh như bao ngành nghề khác.

. Ngọc Diên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh  (01/04/2004)
Các lâm trường hoạt động ngày càng hiệu quả  (01/04/2004)
Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại   (31/03/2004)
An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…   (31/03/2004)
Thị trường máy photocopy  (30/03/2004)
Chống lâm tặc - Nhìn từ Quốc lộ 19  (30/03/2004)
Nóng bỏng cuộc chiến mía đường  (29/03/2004)
Niềm vui nước sạch về làng  (28/03/2004)
Đoàn viên thanh niên Hoài Nhơn với phong trào thi đua lập nghiệp   (26/03/2004)
Nhơn Hải: Nuôi tôm hùm giống - Mở hướng làm giàu  (25/03/2004)
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công   (24/03/2004)
Khởi động những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm   (23/03/2004)
Công nghiệp Bình Định trên đà khởi sắc  (22/03/2004)
Vùng nuôi tôm Phước Hòa: Phập phồng vào vụ mới  (21/03/2004)
Hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở Hoài Nhơn  (19/03/2004)