|
Hồ Phú Hòa - Quy Nhơn (ảnh: Văn Lưu) |
Vụ hè thu năm nay, theo kế hoạch của UBND tỉnh giao, Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định đảm nhiệm tưới cho 21.000 ha diện tích cây lúa trên địa bàn toàn tỉnh. Theo ông Phan Văn Trình, Phó giám đốc Công ty, kết thúc vụ đông xuân 2003-2004, mực nước ở các hồ chứa và các đập dâng trên sông trên địa bàn tỉnh có mức ổn định ngang so cùng kỳ năm ngoái. Mực nước ở hồ Núi Một đang ở mức 97 triệu/110 triệu m3 nước; ở hồ Hội Sơn là 38,5 triệu/44,5 triệu m3; ở hồ Thuận Ninh là 30,8/35 triệu m3. Mức nước ở các hồ nhỏ do các địa phương quản lý cũng khá ổn định. Cao trình nước đo được cho đến ngày 29-3 tại đập Thạnh Hòa là 6,54 mét; tại đập Lại Giang là 6,85 mét… và lưu lượng sông Kôn đo được tại Đại Bình là 19,5 m3/giây.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phan Văn Trình thì với "quỹ" nước mà Bình Định đang có dù khá dồi dào nhưng vụ hè thu năm nay vẫn đang đứng trước nguy cơ bị thiếu nước tưới (không được như năm ngoái) vì nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân khách quan là hiện nay Bình Định không có lượng nước bổ sung vì từ đầu năm đến nay trên toàn địa bàn tỉnh không có mưa. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 tháng nữa thì chuyện thiếu nước tưới là chuyện cầm chắc. Trong khi đó, do tình hình thiếu điện trầm trọng nên năm nay nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn cũng không tiếp tế nước cho sản xuất trên địa bàn như năm ngoái mà chỉ mới hứa hẹn: đến khi nào dân cư các vùng hạ du thực sự bị thiếu nước sinh hoạt thì mới xả cho một ít để cứu khát. Một nguyên nhân khác xuất phát từ sự cố sửa chữa đập Lại Giang. Đập này nằm trên địa bàn thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) có nhiệm vụ tưới cho toàn bộ 3100 ha đất nông nghiệp của vùng hạ lưu sau đập thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn. Hiện nay việc sửa chữa gặp trục trặc trong khâu kỹ thuật nên đập Lại Giang vẫn chưa hoàn chỉnh.
Trước thực trạng trên, các cấp ngành chức năng của tỉnh đã hoạch định những phương án tiếp nước từ các hồ chứa khác để cứu hạn. Sự thiếu thốn nước tưới của hệ thống Lại Giang sẽ được bổ sung nước của hồ Vạn Hội. Hệ thống sông Kôn sẽ có nước của hồ Núi Một và hệ thống Văn Phong sẽ được hồ Thuận Ninh tiếp tế khi bị thiếu. Ngoài ra, tại các vùng khó nước, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa sang cây trồng cạn. Tuy nhiên việc chuyển đổi tại nhiều địa phương vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn và còn bất cập do gặp khó khăn về giống.
Ngoài ra, tại các địa phương khó nước cũng đã có kế hoạch và chuẩn bị đào ao, đóng giếng tại ruộng để chống hạn vì theo dự báo, nếu nắng nóng vẫn cứ kéo dài như hiện nay thì chỉ khoảng 1 tháng nữa thôi trên địa bàn Bình Định chắc chắn sẽ xảy ra hạn cục bộ và lúc đó, vụ sản xuất hè thu bị thiếu nước tưới là chuyện khó tránh khỏi.
. Vũ Đình Thung
|