Trong những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình dự án đầu tư các huyện miền núi để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình 135 của Chính phủ. Nhờ đó, đã góp phần không nhỏ cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Bana ở vùng đặc biệt khó khăn.
|
Bên mái nhà rông của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh |
Dân số Vĩnh Thạnh gồm 26.900 người, trong đó có gần 30% là đồng bào dân tộc Bana. Đời sống của người dân vùng cao, vùng sâu của Vĩnh Thạnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng và phương thức sản xuất còn lạc hậu. Từ thực tế đó, mấy năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chương trình 135 của Chính phủ đã góp phần tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Bana ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Từ năm 1999 đến nay, Vĩnh Thạnh có hơn 50 công trình 135 được khởi công và xây dựng với tổng nguồn vốn được cấp hơn 12,67 tỉ đồng: tập trung nhiều nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch… Ngoài ra, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo chủ động lồng ghép nguồn vốn của nhiều chương trình dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh 28,9 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách huyện 7,756 tỉ đồng; nguồn vốn từ các tổ chức khác và nhân dân tự đóng góp là 1,434 tỉ đồng. Từ các nguồn vốn này, đã xây dựng được 7 cầu bê tông cốt thép, 1 cầu treo, 17km đường cấp phối và bê tông xi măng; lắp đặt 7 trạm Diezen và điện khí hóa nông thôn cho 1 xã; xây dựng 7 công trình thủy lợi nhỏ phục vụ tưới tiêu 150 ha; 5 công trình nước tự chảy và một trạm cấp nước sinh hoạt cho 253 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; và xây dựng gần 85 phòng học…
Vĩnh Sơn là xã được đầu tư nhiều nhất của huyện (hơn 2,74 tỉ đồng) để xây dựng hơn chục công trình, gồm cơ sở hạ tầng, khai hoang diện tích trồng lúa nước, các công trình nước sạch phục vụ nhân dân trong xã. Anh Đinh Ply, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết: "Nhờ có các công trình từ Chương trình 135 mà đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng lên. Diện tích lúa nước được khai hoang, mở rộng; bà con đã được dùng nước sạch; ô tô đến được trung tâm xã và các làng". Bộ mặt Vĩnh Sơn hôm nay đã được thay đổi nhờ những con đường cấp phối và bê tông xi măng đi lại dễ dàng. Bên cạnh đó, các chương trình lồng ghép giữa y tế, văn hóa, nông - lâm nghiệp… cũng đang phát huy có hiệu quả ở xã vùng cao này.
Còn ở O5 (xã Vĩnh Kim) ngay sau khi cầu treo bắc qua sông Kôn có chiều dài 75m đã đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Bana đi lại và giao lưu buôn bán, Chính phủ tiếp tục đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng để mở rộng, nâng cao mặt đường vào làng. Đây là điều mơ ước bao đời của người dân trong làng, giờ đã trở thành hiện thực. Bok Nin - một người dân làng O5, đã 80 tuổi, xúc động nói: Có cái cầu dài bắc qua sông sướng thật, mình đi không còn sợ nước lũ nữa. Không chỉ mình vui cái bụng mà trong làng ai cũng vui. Con đường vào làng mình giờ to ra rồi, xe máy, ô tô đi được rồi. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm!".
Chương trình 135, sau 5 năm thực hiện ở Vĩnh Thạnh đã thực sự phát huy hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn; làm cho bộ mặt nông thôn các xã vùng cao không ngừng được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, kinh tế tăng trưởng bình quân 6,4%/năm. Đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, các thôn làng đều có đường ô tô đi đến nơi, trường học đã ngói hóa 100%; số hộ có xe máy, thu thanh, thu hình ngày càng nhiều. Hàng năm, có trên 93% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, các xã đều có trạm y tế. Nhiều thôn, làng được công nhận là làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến, xuất sắc. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có mức thu nhập khá, số hộ nghèo của huyện còn 1.451 hộ, giảm từ 36% năm 2000 xuống còn 23,9% năm 2003.
. Long Vũ
|