Từ vụ tranh giành mua nguyên liệu mía của hai nhà máy đường Bình Định và An Khê:
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu
16:22', 8/4/ 2004 (GMT+7)

Cứ vài ba năm, mỗi khi giá đường tăng, các nhà máy đường (NMĐ) nằm cạnh kề nhau trong cả nước nói chung và hai NMĐ Bình Định - An Khê nói riêng, lại rộ lên chuyện tranh nhau mua nguyên liệu mía. Cảnh tượng "chụp giật" đã xảy ra trên các cánh đồng mía. Các vụ "kiện cáo" nhau lên các cấp cũng đã diễn ra giữa các NMĐ. Người ta đặt câu hỏi: Vì sao lại xảy ra những chuyện không đáng có như vậy? Câu trả lời sẽ là: Vì các NMĐ thường "hứng nước trời" chứ không chịu tự đào giếng!

* Ăn sẵn

 Xe chở mía về NMĐ Bình Định

"Hứng nước trời" ở đây được hiểu là: Các NMĐ đường thường có tâm lý "ăn sẵn" vùng nguyên liệu mía do người nông dân tự trồng chứ người trồng mía không (hoặc rất ít) nhận được sự đầu tư từ các nhà máy. Bài học nhỡn tiền về hàng loạt các NMĐ ở miền Trung bị thua lỗ dẫn đến dẹp tiệm như NMĐ Linh Cảm (Hà Tĩnh), NMĐ Quảng Nam và NMĐ ở Thừa Thiên-Huế vẫn còn nguyên đó. Quảng Ngãi vốn là tỉnh có truyền thống về mía đường, ấy vậy mà các NMĐ của tỉnh này cũng đang đứng trước một thử thách rất lớn với câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại? Một nửa NMĐ Quảng Phú buộc phải "thiên di" lên An Khê cũng là do nguyên nhân không có nguyên liệu mía để ép!

Các tỉnh miền Trung, nhất là ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là những địa phương vốn có kinh nghiệm trồng mía từ lâu đời. Vùng đất này lại "ăn chịu" với cây mía nên nó đã trở thành cây trồng mang tính "truyền thống" của người nông dân. Có lẽ nắm bắt được tính đặc thù này nên các NMĐ chủ quan không chịu đầu tư cho vùng nguyên liệu chăng? Suốt trong một thời gian khá dài, cả NMĐ Quảng Ngãi lẫn NMĐ Bình Định đều không chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy mình. Những năm đó, giá đường ổn định nên việc mua nguyên liệu mía cho nông dân tương đối "rộng lòng" hơn. Đến khi cả nước "hạ quyết tâm" sản xuất 1 triệu tấn đường, các NMĐ thi nhau mọc ở các tỉnh như nấm sau mưa, thì cũng là lúc cuộc khủng hoảng của ngành mía đường bắt đầu. Càng hoạt động thêm một ngày thì NMĐ ấy thêm một ngày lỗ.

Tuy nhiên, không thể bỏ mặc nông dân được nên nhiều NMĐ phải "nghiến răng" lại mà mua cho nông dân. Tôi nhớ có năm như năm 2000, NMĐ Bình Định phải cố kéo dài thời gian hoạt động của mình đến tháng 6 tháng 7 vì mía của nông dân vẫn còn ngoài ruộng mà mùa khô thì lên đến đỉnh điểm! Sự dồi dào của vùng nguyên liệu sẵn có cộng với giá đường ổn định trong nhiều năm liền nên tâm lý ỷ lại trong việc "ăn sẵn" của các NMĐ càng tăng. Và họ đã phải trả giá.

* Giá phải trả là bao nhiêu?

Câu hỏi này, chắc chắn là các NMĐ sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Do tâm lý "ăn sẵn" đã nhiễm vào máu nên các NMĐ bỏ mặc người trồng mía. Cho đến khi mía không còn là cây thống lĩnh nữa mà đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt cây trồng khác hiệu quả hơn như cây bông vải hay cây sắn, người nông dân lập tức tự quyết định trên thửa ruộng của mình là nên trồng cây gì? Và họ đã phá bỏ không thương tiếc cây mía - loại cây mà đã gắn đời họ với nó từ bao đời nay. Vùng nguyên liệu mía liên tục giảm. Ở Bình Định, nếu như năm 2000, diện tích mía đã lên trên 10 ngàn ha thì năm nay, con số chưa vượt qua 6.500 ha.

Những chiếc xe chở mía lên An khê vẫn "bí mật" xâm nhập vùng mía Bình Định

Thật xui xẻo cho ngành mía đường, khi người nông dân quay lưng lại với cây mía thì cũng là lúc giá đường lại tăng. Thế là, để có nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của nhà máy, cuộc "chiến tranh mua nguyên liệu mía" đã nổ ra. Giành giật ắt sẽ dẫn đến việc nâng giá mía vô tội vạ. NMĐ An Khê, sau khi bỏ "mặt trận" Phú Yên, họ quay sang "đánh phá" trên chính vùng nguyên liệu mía của Bình Định. Giá được đẩy lên đến mức khó tin: 220.000đ rồi 250.000đ, thậm chí có nơi đã ngấp nghé 300.000đ/tấn mía có 10 chữ đường! Một vị lãnh đạo của Công ty Đường Bình Định phải ngửa cổ lên trời mà kêu: "Mua như thế là NMĐ An Khê "phá đám". Vì họ chỉ "phủi nóng" trong 10 ngày rồi ngừng sản xuất, còn chúng tôi phải hoạt động thêm ít nhất là 2 tháng nữa. Nếu chạy theo giá của họ mua thì chỉ có lỗ sặc máu!". Cũng chẳng trách cứ được gì nhau, vì hầu như số diện tích mía do NMĐ Bình Định rót tiền để cho dân trồng mía thì chẳng đáng là bao nên người trồng mía muốn bán cho ai thì tùy họ chứ khó mà trách nhau lắm! Điều đáng nói ở đây là, dù có nâng giá "lên giời" như thế, người nông dân cũng chẳng kiếm lợi được bao nhiêu. Kẻ được nhất trong "cuộc chiến giành nguyên liệu mía" này là đám cò mía và lái xe! Cái giá mà các NMĐ phải trả là như thế đấy.

* Bài học "Lam Sơn"

Bao giờ cũng thế, bất cứ một nhà máy tiêu thụ nông sản nào cũng đều nhắm đến vùng nguyên liệu là điều trước tiên, thứ đến là mới nhìn ra thị trường tiêu thụ. Tại sao NMĐ Lam Sơn (Thanh Hóa) dù sinh sau đẻ muộn hơn nhiều nhà máy khác nhưng họ vẫn tồn tại và là một trong những đơn vị làm ăn có lãi trong ngành đường, bất chấp các cuộc khủng hoảng vừa qua? Đơn giản là vì họ xem người nông dân thật sự là "bạn" của họ. Họ không "hứng nước trời", càng không có chuyện hễ đường lên thì tranh nhau mua mía, khi giá đường xuống thì bỏ mặc người trồng mía như một số NMĐ khác. Với họ, "NMĐ cũng là của nông dân mà ruộng mía cũng là của nhà máy". Đó không đơn thuần là những câu khẩu hiệu vang lên trong các cuộc họp mà là sự thật từ Lam Sơn. Phải thật sự cầu thị, nhìn về Lam Sơn, các NMĐ sẽ có câu trả lời cho mình. Và như vậy, sẽ chẳng có chuyện tranh giành nguyên liệu mía mỗi khi giá đường lên.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh   (02/04/2004)
Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh  (01/04/2004)
Các lâm trường hoạt động ngày càng hiệu quả  (01/04/2004)
Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại   (31/03/2004)
An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…   (31/03/2004)
Thị trường máy photocopy  (30/03/2004)
Chống lâm tặc - Nhìn từ Quốc lộ 19  (30/03/2004)
Nóng bỏng cuộc chiến mía đường  (29/03/2004)
Niềm vui nước sạch về làng  (28/03/2004)
Đoàn viên thanh niên Hoài Nhơn với phong trào thi đua lập nghiệp   (26/03/2004)