Trong một thời gian dài, nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan Nam phải đối mặt với bao khó khăn vì không tìm được thị trường đầu ra. Bắt đầu từ năm 2003, được sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), một dự án mang tên "Gia tăng thu nhập cho cộng đồng trồng dừa tại Việt Nam" (Cogent) được triển khai tại xã Tam Quan Nam, đã tạo cơ hội cho làng nghề này hồi sinh…
* Từ một dự án mang tên Cogent
|
Đóng kiện thảm xơ dừa xuất khẩu |
Xã Tam Quan Nam với lợi thế là có diện tích trồng dừa khá lớn, đây còn là nơi có nghề dệt thảm xơ dừa truyền thống nổi tiếng một thời nên được ADB chọn để triển khai dự án Cogent. Sau thời gian tìm hiểu, cơ sở sản xuất thảm xơ dừa Ngọc Chung của anh Huỳnh Minh Ngọc thuộc xã Tam Quan Nam được ADB chọn đầu tư các máy móc, trang thiết bị gồm một máy đập vỏ, hai máy tước xơ có gắn mô tơ điện, bốn máy đạp tiếp xơ dừa cải tiến và một chiếc xe gắn máy làm phương tiện giao dịch, với tổng giá trị khoảng 80 triệu đồng. Mục đích của dự án là áp dụng các máy móc công nghệ cải tiến vào sản xuất thảm xơ dừa thay cho sản xuất thủ công trước đây để nâng cao mức thu nhập cho người làm nghề dệt thảm xơ dừa ở địa phương.
Dự án được nhanh chóng triển khai, UBND xã Tam Quan Nam lập thủ tục giao hơn 0,5 ha đất trên địa bàn xã để cơ sở Ngọc Chung xây dựng nhà xưởng sản xuất. Bằng nguồn vốn tích cóp của gia đình, anh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư thêm 50 triệu đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, kéo điện… Đầu tháng 4-2003, xưởng sản xuất nguyên liệu xơ dừa Ngọc Chung chính thức đi vào hoạt động.
* Hồi sinh một làng nghề
Để có nguyên liệu sản xuất, anh Ngọc lặn lội đi khắp địa bàn huyện Hoài Nhơn để tìm mua vỏ dừa để chế biến thành xơ. Có xơ dừa, anh cung cấp cho khoảng 300 hộ gia đình ở xã Tam Quan Nam kéo sợi, dệt thảm gia công; sản phẩm được anh nhận bao tiêu toàn bộ. Nhờ vậy, chưa bao giờ làng nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan Nam hồi sinh mạnh mẽ như vào thời gian này; góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương với mức thu nhập trung bình từ 15 - 20 ngàn đồng người/ngày. Nhờ vậy, từ bốn máy đạp tiếp xơ cải tiến ban đầu của dự án Cogent hỗ trợ, đến nay cả xã Tam Quan Nam có khoảng 200 bàn tiếp xơ gia công và gần 100 khung dệt thảm.
Chị Đào Thị Cúc - một người khiếm thị ở thôn Cửu Lợi Tây - cho biết: "Mỗi ngày tôi tiếp được khoảng 20 sợi xơ dừa, mỗi sợi dài 50 mét, với số tiền công gần 15.000 đồng. So với trước đây khi chưa có bàn tiếp xơ cải tiến này thì mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 5.000 đồng". Còn gia đình anh Lê Văn Ngọc, cũng ở thôn Cửu Lợi Tây, thì nhận dệt thảm gia công. Hiện nay, xưởng dệt thảm gia công của anh có 3 khung dệt, mỗi ngày một người dệt được trung bình 15 tấm thảm, thu nhập gần 20.000 đồng…
* Đi tìm thị trường tiêu thụ
Khi đã có sản phẩm, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng là vấn đề khá cam go. Anh Ngọc đã tất tả vào Nam ra Bắc, để tìm kiếm thị trường. Sau đó, một số mẫu mã của cơ sở được các công ty xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh để mắt tới và giới thiệu sang các nước Đông Âu. Không ngờ, thị trường này lại rất ưa chuộng các mẫu mã thảm xơ dừa do cơ sở Ngọc Chung (Tam Quan Nam) sản xuất. Nhiều đơn đặt hàng được gởi về với số lượng ngày càng lớn đã tạo cho cơ sở Ngọc Chung làm ăn khởi sắc hơn.
Đến nay, cơ sở Ngọc Chung đã đi vào hoạt động hơn một năm; trung bình mỗi tháng xuất hơn 10.000 tấm thảm xơ dừa. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là Ba Lan và các nước Đông Âu. "Nhiều lúc hàng tiêu thụ mạnh, cơ sở sản xuất không kịp cung cấp cho khách hàng!" - anh Ngọc thổ lộ. Đồng thời anh cho biết thêm: "Sản phẩm thảm xơ dừa Tam Quan Nam hiện vẫn phải xuất khẩu ủy thác qua các công ty ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều lúc sản phẩm bị ép giá nhưng cũng đành chịu …". Để sản phẩm thảm xơ dừa Tam Quan Nam tiếp tục vươn xa ra thị trường thế giới, rất cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng cho được thương hiệu thảm xơ dừa Tam Quan Nam để tạo sức cạnh tranh bền vững trên thị trường quốc tế…
. Nguyễn Hân
|