Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản
15:35', 11/4/ 2004 (GMT+7)

Trong thời gian qua, việc khai thác tôm giống của ngư dân trong tỉnh rất lớn khiến cho nguồn lợi thủy sản này giảm đi đáng kể. Để tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên, ngành Thủy sản Bình Định đã tiến hành nhiều đợt vận động ngư dân trong tỉnh cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là những đợt quyên góp tôm giống để thả ra biển…

Bà Mai Kim Thi - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định - cho biết: "Tỉnh Bình Định là địa phương có nghề sản xuất tôm giống khá lâu. Chất lượng tôm giống của tỉnh Bình Định tương đối tốt, nhiều cơ sở đã tạo được uy tín trên thị trường các tỉnh trong khu vực. Do vậy, nhu cầu cần một nguồn tôm giống bố mẹ có chất lượng tốt để phục vụ cho việc sản xuất tôm giống của tỉnh hiện nay là rất lớn". Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều ngư dân trong tỉnh ráo riết đánh bắt tôm giống bố mẹ ngoài tự nhiên để bán cho các trại sản xuất tôm giống. Do vậy, nguồn tôm giống bố mẹ ngoài tự nhiên ngày càng giảm đi đáng kể. Anh Trần Tuấn Nhơn, một ngư dân ở phường Ghềnh Ráng, cho biết: "Bây giờ nguồn tôm sú bố mẹ ngoài tự nhiên hầu như đã cạn kiệt. Trước đây 3-4 năm, có khi mỗi tháng tàu của tôi đánh cá cũng trúng được 2-3 con, nhưng bây giờ để bắt được một con tôm sú bố mẹ như vậy thì gay lắm".

Cùng với việc suy giảm nguồn tôm sú bố mẹ, việc khai thác tôm hùm giống phát triển mạnh trong những năm qua cũng làm cho nguồn tôm ngoài tự nhiên cạn kiệt và khan hiếm dần. Bởi vậy, trong những năm qua ngành Thủy sản tỉnh Bình Định đã chú ý nhiều đến việc tái tạo lại nguồn lợi thủy sản này. Chủ trương này đã được ngành Thủy sản tỉnh làm trong nhiều năm qua và đem lại hiệu quả rất cao. Đợt vận động ủng hộ tôm giống thả ra biển gần đây nhân kỷ niệm 45 năm thành lập ngành Thủy sản (1.4.1959-1.4.2004) đã thành công lớn. Có 80 trại sản xuất tôm giống của tỉnh tham gia ủng hộ với khoảng 500 ngàn con tôm giống post 15 và 10 con tôm bố mẹ. Điều thú vị là có nhiều trại sản xuất tôm giống đã tự nguyện ủng hộ nhiều hơn số lượng được yêu cầu. Có nhiều trại tôm chưa đủ ngày tuổi cũng đã đi mượn tạm của những trại khác để ủng hộ. Bà Mai Kim Thi nói với chúng tôi bằng một niềm hy vọng rất lớn: "Chỉ cần khoảng 10% trong tổng số tôm thả ra biển này sống được là đã thành công rồi. Ngoài việc thu lại được nguồn tôm giống bố mẹ với giá trị cả tỉ đồng, thì cái được lớn hơn là đã tái tạo lại nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do sự khai thác quá khắc nghiệt của con người".

Bằng những đợt tuyên truyền, vận động quyên góp thả tôm ra biển như vậy, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống và người khai thác tôm trên địa bàn tỉnh đã ý thức hơn đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều đó đã được minh chứng bằng việc ngày càng có thêm nhiều cơ sở ủng hộ tôm để thả lại biển và tiến hành thả tôm bố mẹ khi đã cho đẻ xong thay vì ăn thịt như lâu nay.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh   (02/04/2004)
Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh  (01/04/2004)
Các lâm trường hoạt động ngày càng hiệu quả  (01/04/2004)
Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại   (31/03/2004)
An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…   (31/03/2004)
Thị trường máy photocopy  (30/03/2004)
Chống lâm tặc - Nhìn từ Quốc lộ 19  (30/03/2004)