Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi
16:27', 13/4/ 2004 (GMT+7)

Chúng tôi đến Tây Sơn giữa thời điểm huyện đang tiến hành bàn giao mặt bằng cụm công nghiệp (CN) Phú An (xã Tây Xuân) cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Ông Lê Minh Luận, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện, hồ hởi "khoe" rồi đây toàn huyện sẽ có 4 cụm CN như vậy. Đây chính là tiền đề để đưa ngành CN-TTCN Tây Sơn phát triển.

* Xây dựng các cụm CN

Những lò gạch thủ công sẽ được đưa vào các cụm công nghiệp

Cụm CN Phú An xây dựng sẽ thu hút các cơ sở TTCN của thị trấn Phú Phong: sản xuất vật liệu xây dựng, làm nước mắm, sắt, mộc mỹ nghệ. Diện tích cho thuê từ 1 ha đến 20 ha/cơ sở, với thời hạn cho thuê từ 30 đến 50 năm, mức giá thuê chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/m2/năm là khá "mềm". Theo ông Luận, từ nay đến năm 2005, huyện sẽ đầu tư hoàn chỉnh điện, đường, hệ thống thoát nước, cây xanh… và tạo mọi điều kiện cho các cơ sở hoạt động với các chính sách miễn giảm thuế, thuê mặt bằng... theo đúng chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh. Do vậy, tuy dự án mới được phê duyệt, huyện chỉ mới tiến hành giao mặt bằng và chưa đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng đã có 17 cơ sở đăng ký, lấp đầy 5 trong tổng diện tích 15 ha của Cụm CN này.

Không chỉ Phú An, mà 3 cụm CN khác như: Đồng Phó (Tây Giang), Cầu Nước Xanh (Bình Nghi), Trường Định (Bình Hòa) đều sẽ có sự ưu đãi như vậy. Ông Luận khẳng định: "Các cụm CN hình thành, sẽ được Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho các cơ sở phát triển, mạnh dạn đầu tư về vốn, kỹ thuật".

* "Tích tiểu thành đại"

Đó là một trong những lý do để Tây Sơn quy hoạch tập trung các cơ sở sản xuất thủ công quy mô nhỏ để hình thành các cụm làng nghề, các công ty có quy mô lớn hơn, mức đầu tư cao hơn. Một trong những ngành TTCN có truyền thống của Tây Sơn là sản xuất gạch ngói. Trước đây, sản xuất gạch ngói chủ yếu là các cơ sở thủ công, quy mô nhỏ, tồn tại trong khu dân cư nên không thể xử lý tập trung, gây ô nhiễm môi trường. Từ đầu năm 2001, Tây Sơn đã quy hoạch được 7 cụm làng nghề sản xuất gạch ngói và tiến hành di dời các cơ sở sản xuất thủ công vào các cụm làng nghề này. Đây cũng là một bước để sắp xếp lại ngành sản xuất vốn được hình thành một cách tự phát này theo đúng quy hoạch.

Với mỗi cơ sở, khi di dời, huyện sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng, còn lại các chủ lò phải bỏ ra. Đến nay, đã có khoảng 200 lò được di dời vào các cụm tập trung. Trong đó, riêng cụm Hóc Bợm (xã Bình Nghi) đã có 150 lò. Tại cụm làng nghề này, huyện đã đầu tư gần 1 tỉ đồng làm đường, hệ thống thoát nước và đang xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước. Các cụm làng nghề khác đã bắt đầu hình thành nhưng với tốc độ chậm hơn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2005, toàn huyện sẽ có 300 đến 400 lò được đưa vào các khu quy hoạch tập trung, với tổng công suất từ 15 đến 20 triệu viên/năm, tức là tương đương với một nhà máy gạch tuy nen cỡ lớn.

Đầu năm 2004 này, Công ty Cổ phần gạch ngói tuy nen Bình Thành cũng được thành lập với vốn đầu tư 10 tỉ đồng. Bước đầu có 3 cổ đông, đều là các chủ cơ sở sản xuất gạch ngói, góp vốn. Công suất nhà máy vào khoảng 10 đến 15 triệu viên/năm. Trong tương lai, ngoài công ty này, một nhà máy gạch tuy nen khác sẽ được xây dựng dọc theo Quốc lộ 19. Đồng thời, huyện sẽ vận động để nâng HTX gạch ngói hiện tại thành công ty cổ phần.

"Mục đích của chúng tôi là tập hợp những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, ít vốn lại, từ đó, có điều kiện đầu tư mạnh về công nghệ, chú trọng hơn đến khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm những bạn hàng mới. Có vậy, sản xuất gạch ngói mới thật sự có bước chuyển mạnh về chất" - ông Luận nói. Cũng cần nói thêm là từ đầu năm 2004 đến nay, sản xuất gạch ngói thủ công đã có xu hướng hồi phục. Cầu mạnh, sản phẩm làm ra tiêu thụ nhanh, nên người sản xuất đã mạnh dạn đầu tư. Đây thực sự là một tín hiệu vui của gạch ngói Tây Sơn.

* Băn khoăn làng nghề

Tuy vậy, một trong những băn khoăn lớn của Tây Sơn hiện tại là hướng phát triển các làng nghề. Hiện nay, ngoài sản xuất gạch ngói, ở Tây Sơn có hai làng nghề tương đối lớn là làng chế biến tinh bột sắn ở thôn Phú Hưng (xã Bình Tân) và làng làm nón lá thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận). Nghề chế biến tinh bột sắn hiện nay đang thu hút sự tham gia của khoảng 300 hộ. Trước thông tin về Nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh sẽ hình thành, trong đó, xã Bình Tân cũng nằm trong vùng nguyên liệu của nhà máy, hướng phát triển của làng nghề này như thế nào, vẫn còn là một câu hỏi. Riêng làng làm nón lá, xưa nay, sản phẩm chủ yếu bán lại qua ngả Gò Găng. Sản phẩm làm ra phải mang thương hiệu của làng nghề khác. Đây chính là bức xúc của người tâm huyết với làng nghề. Việc hình thành một HTX để vừa đảm nhận việc cung cấp nguyên liệu cho các hộ làm nghề, vừa tập trung xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra… - những công việc mà sản xuất ở quy mô hộ gia đình không thể làm được - đang là nhu cầu bức thiết. Tuy vậy, do Bình Thuận là một xã còn nhiều khó khăn, nên nếu không có được sự hỗ trợ từ các tiểu dự án của tỉnh thì việc hình thành HTX sẽ khó thực hiện.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh   (02/04/2004)
Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh  (01/04/2004)
Các lâm trường hoạt động ngày càng hiệu quả  (01/04/2004)
Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại   (31/03/2004)
An Nhơn: Khu Đông gạo trắng nước trong…   (31/03/2004)