Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định
16:48', 14/4/ 2004 (GMT+7)

Trước nhu cầu đi lại từ Bình Định đến Đà Nẵng và Hà Nội bằng máy bay đang ngày càng tăng, Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam đã cho mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng. Theo kế hoạch, ngày 2-6-2004 tuyến bay này bắt đầu hoạt động với tần suất bay 3 chuyến/tuần, bằng máy bay ATR 72 loại 66 ghế ngồi…

          Sân bay Phù Cát

Trước đây, tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng đã có nhưng do lượng hành khách ít và không ổn định nên Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam không thể duy trì. Bởi vậy, những hành khách có nhu cầu đi bằng đường hàng không ra các tỉnh phía Bắc phải bay vòng vào thành phố Hồ Chí Minh, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Hiện nay, tình hình đã khác. Trên địa bàn Bình Định có hàng ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Lượng khách là chủ DN, thương nhân nước ngoài có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không thường xuyên hiện nay là khá lớn. Bên cạnh đó, các đối tượng khác như khách du lịch, cán bộ công chức đi công tác cũng rất đông…

Do đó, tuyến đường bay này được mở lại đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương của Bình Định, tạo thêm các thuận lợi để thu hút đầu tư du lịch. Ông Lê Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Tài, cho biết: "Trước nay, có rất nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của đơn vị chúng tôi, nhưng khi tìm hiểu thấy không có tuyến bay từ Bình Định đi tiếp ra Hà Nội họ đã từ chối không ký hợp đồng đặt hàng. Bởi vậy, tuyến đường bay Quy Nhơn - Đà Nẵng được mở lại sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị rất nhiều". Còn Ông Võ Văn Có, Giám đốc Công ty Thực phẩm Xuất nhập khẩu Lam Sơn, cho biết: "Đơn vị chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thường xuyên quan hệ với khách hàng nước ngoài và các đơn vị quản lý nhà nước ở Trung ương. Khi nghe tin Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam cho mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng, các DN như chúng tôi rất phấn khởi. Tôi tin rằng, DN của chúng tôi sẽ tìm thêm được nhiều đối tác trong làm ăn khi tuyến đường bay này đưa vào hoạt động".

Theo ông Bùi Quốc Hồng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Đối ngoại Bình Định, việc Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam cắt đường bay Quy Nhơn - Đà Nẵng đã tác động không tốt đến nỗ lực xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư của tỉnh. Có nhiều nhà đầu tư đã đồng ý và chấp thuận các chính sách về kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhưng đến giờ chót thì rút lui bởi không có đường hàng không đi trực tiếp ra các tỉnh phía Bắc. Các DN đã đầu tư vào sản xuất cũng gặp khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm khách hàng. Có nhiều hợp đồng mà phía đối tác đã đồng ý ký nhưng đành phải bỏ vào giờ chót bởi việc đi lại bất tiện này. Bởi vậy, việc mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội mới, tạo thêm điều kiện trong việc kêu gọi đầu tư và phát triển kinh tế của Bình Định.

Ông Vũ Khắc Chiến - Giám đốc Cảng Hàng không Phù Cát, cho biết thêm: "Công tác chuẩn bị cho việc mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng đang triển khai thực hiện. Công trình xây dựng nhà ga sân bay Phù Cát có sức chứa 300 hành khách với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng sắp hoàn thành, sẽ đưa vào hoạt động cuối tháng 4-2004. Số lao động cũng như năng lực trình độ của đội ngũ lao động phục vụ hiện tại đã đáp ứng được khi tuyến bay này đưa vào hoạt động. Cơ sở hạ tầng của Cảng Hàng không Phù Cát cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh, đủ tiêu chuẩn của cảng hàng không phục vụ cho hành khách quốc tế."

Tuyến đường bay Quy Nhơn - Đà Nẵng được mở lại với tần suất bay 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ 2-4-7, với giá vé là 350.000 đồng/lượt. Theo dự kiến, thời gian đầu số hành khách đi tuyến đường bay này chỉ đáp ứng khoảng 30-40% số ghế hiện có, sau đó có khả năng sẽ được nâng dần lên.

Như vậy, việc mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng đã đáp ứng được lòng mong đợi lâu nay của đông đảo khách hàng có nhu cầu trên địa bàn Bình Định. Hy vọng, với tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh, tuyến đường bay Quy Nhơn - Đà Nẵng đưa vào hoạt động sẽ mở rộng cửa ngõ giao lưu qua đường hàng không giữa Bình Định với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh hơn trong thời gian đến.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi  (13/04/2004)
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh   (02/04/2004)
Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh  (01/04/2004)
Các lâm trường hoạt động ngày càng hiệu quả  (01/04/2004)
Trả lại bình yên cho đầm Thị Nại   (31/03/2004)