Vùng nuôi tôm Mỹ Trung thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước) không rộng, có diện tích 9,2 ha, đưa vào khai thác năm 1998; qua 6 vụ nuôi (1998-2003) chưa một lần thất bại. 3 năm đầu (1998-2000) nuôi quảng canh cải tiến, năng suất đạt 500 kg đến 800 kg/ha. Chuyển sang nuôi bán thâm canh (2001-2002) năng suất đạt 1,4 tấn đến 2 tấn/ha. Năm 2003 năng suất đạt 3,5 tấn/ha, cá biệt có hồ nuôi đạt tới 5,7 tấn/ha.
|
Đìa tôm ở Phước Hòa |
Đồng ruộng Mỹ Trung có diện tích hơn 25ha; địa hình thấp trũng, lại bị nhiễm mặn, vì thế sản xuất cây lúa luôn bấp bênh, phần lớn diện tích bị bỏ hoang. Năm 1997, 11 hộ có ruộng giao khoán sử dụng lâu dài vùng đồng Mỹ Trung mạnh dạn làm đơn xin chuyển sang nuôi tôm trên diện tích 9,2 ha. Bà con bỏ công, vốn đầu tư đắp ao, làm hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt. Ban đầu đắp mỗi ao nuôi rộng 2 ha (5 ao) sau 3 năm nuôi, bà con đúc kết được kinh nghiệm nên đã chia nhỏ: ao lớn nhất 1 ha, nhỏ nhất 3.500m2 (tổng số 13 ao nuôi), và đổi mới quy trình nuôi, năng suất và sản lượng luôn tăng cao.
Ông Nguyễn Mỹ Châu - đang quản lý 2,1 ha ao nuôi tôm vùng Mỹ Trung, năm 2003 ông thu hơn 8,5 tấn tôm - bộc bạch: "Vùng nuôi tôm Mỹ Trung luôn trúng mùa, không xảy ra dịch bệnh tôm là nhờ địa thế tách biệt các vùng nuôi tôm khác, môi trường nguồn nước không bị ô nhiễm; hệ thống kênh dẫn, thoát nước đồng bộ và chủ động được nguồn nước mặn, ngọt mà nhiều vùng nuôi tôm khác không có".
Anh Đặng Minh Luyện, bản thân tật nguyền, gia cảnh trước đây thiếu trước, hụt sau. Từ khi vào nghề nuôi tôm với diện tích 1,2 ha vùng đồng Mỹ Trung, gia đình anh thoát nghèo. Trong 3 năm (2001-2003), anh thu lãi 230 triệu đồng từ nuôi tôm. Anh Luyện tâm sự: "Chúng tôi thường xuyên xin được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm do ngành chức năng tỉnh và huyện tổ chức. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ thủy sản từ huyện đến tỉnh về việc chuyển giao kỹ thuật. Điều đặc biệt, ở vùng nuôi tôm Mỹ Trung, tính cộng đồng là trên hết. 11 hộ nuôi tôm vùng Mỹ Trung có quy định chặt chẽ "3 cùng", cùng cải tạo ao hồ một lúc, cùng thả giống một thời điểm, cùng lấy nước vào, thải nước ra". Anh còn nói thêm "Theo kinh nghiệm của tôi và bà con ở đây, từ lúc thả tôm giống nuôi đến ngày thứ 100 là đi vào thu hoạch, chậm lắm là 110 ngày. Mức đầu tư 80 triệu đến 100 triệu đồng/ha".
Ngoài địa thế tốt nhờ ở đầu nguồn nước, áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật, bà con nuôi tôm có tính cộng đồng cao, đa phần các hộ thâm niên trong nghề nuôi tôm 6-15 năm nên rất có kinh nghiệm. Mặt khác vùng tôm Mỹ Trung hầu hết là ruộng giao quyền sử dụng lâu dài, tạo điều kiện để bà con mạnh dạn đầu tư, thâm canh đưa năng suất tôm nuôi đạt cao.
. Xuân Thức |