Muối đắng…
15:52', 15/4/ 2004 (GMT+7)

Bình Định hiện có 232 ha ruộng muối với 1.915 gia đình chuyên sống bằng nghề muối. Sản lượng muối khai thác hàng năm đạt gần 20.000 tấn. Nghề làm muối là nghề cực nhọc, vất vả; người làm muối suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng đời sống của diêm dân vẫn rất khó khăn. Hiện nay, đã vào chính vụ, bà con diêm dân nặng trĩu nỗi lo vì giá muối quá thấp.

* Giá muối xuống thấp, diêm dân khó khăn

Tư nhân thu mua muối tại thôn Diêm Vân

Những ngày giữa tháng tư này, chúng tôi có mặt ở đồng muối Diêm Vân thuộc xã Phước Thuận - Tuy Phước. Trong cái nắng như đổ lửa, bà con diêm dân vẫn tất bật trên đồng muối. Thế nhưng, giá muối đã liên tục giảm làm cho nhiều diêm dân phải nản lòng. Theo ông Phạm Cảnh Nhàn, Trưởng thôn Diêm Vân: "Giá muối xuống quá thấp làm cho đời sống của bà con diêm dân ở đây phải lao đao! So với vụ muối năm ngoái, giá muối năm nay giảm hơn 150-200 đồng/kg. Hiện tại, các thương lái đang mua muối tại đồng với giá 10.000 đồng/gánh (50kg muối). Anh Trần Văn Chín, một diêm dân ở thôn Diêm Vân cho biết: "Có một nghịch lý là năm nào thời tiết nắng nhiều, sản xuất muối thuận lợi thì năm đó giá cả lại tuột thấp. Còn năm nào thời tiết mưa nhiều, ít nắng, làm muối khó khăn thì năm ấy giá lại tăng cao". Hiện nay, giá muối tư thương mua tại đồng là 200.000 đồng/tấn. Trong khi đó, theo tính toán của diêm dân, giá muối phải hơn 250.000 đồng/tấn thì mới có lãi chút đỉnh.

Ông Huỳnh Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Cát Minh (Phù Cát) cho biết, giá muối hạ thấp đã làm cho đời sống của bà con diêm dân ở địa phương hiện rất khó khăn. Xã Cát Minh hiện có 61 ha ruộng muối với 250 hộ (1.200 nhân khẩu) chuyên sống bằng nghề làm muối nhưng hầu hết trong số họ đều thuộc vào diện hộ nghèo. "Sao không nghèo được vì để có một kg gạo người diêm dân phải mất tới 20 kg muối cơ mà!" - Ông Thơm thổ lộ.

Cái điệp khúc "trúng mùa mất giá" đã luôn là nỗi ám ảnh đè nặng lên đôi vai của những người làm muối. Ông Nguyễn Văn Thành, một diêm dân ở thôn Đức Phổ 1 (Cát Minh) than thở: Gia đình tôi đã sống bằng nghề làm muối này từ mấy chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy yên tâm với nghề. Năm nào bước vào vụ sản xuất muối cũng luôn ao ước giá muối ổn định để có chút tích lũy cho gia đình phòng khi cần thiết, nhưng hầu như năm nào cũng nợ trước, hụt sau, luôn phải thiếu ăn vào những tháng mưa gió giáp hạt...

* Ai cứu nghề muối ?

Thực tế nghề làm muối hiện nay là rất khó khăn, đời sống của diêm dân rất vất vả, thiếu thốn nhưng để giúp người dân thoát khỏi cơn bĩ cực này thì hầu như chưa thấy cơ quan nào ra tay. Việc thu mua muối hiện nay được thả nổi, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương, do đó lực lượng này cứ mặc sức chèn ép giá cả mà không gặp một "đối thủ" cạnh tranh nào. Hễ khi thấy diêm dân được mùa muối thì họ liền hạ giá để trục lợi, thậm chí họ không cần phải thu mua, để cho diêm dân tự tìm đến họ. Ông Nguyễn Thanh Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (Phù Cát) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 15 ha ruộng muối, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 1.600 tấn muối nhưng không có đơn vị thu mua muối nào của Nhà nước trên địa bàn, chỉ dựa vào các đầu nậu tư nhân. Còn ở xã Cát Minh, với 61 ha ruộng muối, sản lượng khai thác hàng năm lên đến trên 10.000 tấn, và cũng phải qua tay tư thương tiêu thụ. Hiện nay, trên địa bàn xã có HTX Diêm nghiệp Cát Minh nhưng thật ra HTX này là hữu danh vô thực. Từ nhiều năm nay HTX "tạm ngừng" thu mua muối vì luôn phải chịu thua lỗ, kho tàng của HTX giờ chỉ dùng để chứa… gỗ.

Ông Bùi Đắc Cường, Phó trưởng phòng Chính sách (Sở NN - PTNT Bình Định) cho biết: Trước đây trên địa bàn tỉnh có 8 HTX Diêm nghiệp thu mua muối, vì làm ăn không hiệu quả nên đều lần lượt ngưng hoạt động. Năm ngoái, ngành Nông nghiệp có ý định khôi phục lại các HTX Diêm nghiệp làm dịch vụ thu mua muối, nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan, vì các HTX này hầu hết đều thiếu vốn, thiếu cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, kho bãi đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Để khôi phục lại các HTX này không phải là chuyện đơn giản…

Trong khi người diêm dân đang phải long đong vì hạt muối thì hầu như các ngành chức năng của tỉnh vẫn đang đứng ngoài cuộc. Ai sẽ cứu nghề muối? Câu hỏi vẫn chưa thể trả lời!

. Nguyễn Hân

 

* Ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Xí nghiệp Muối I-ốt Bình Định: Chúng tôi rất muốn ký kết tiêu thụ muối cho bà con diêm dân ở tỉnh, nhưng hiện nay hầu hết các HTX Diêm nghiệp trong tỉnh không còn hoạt động nên không có đơn vị nào đứng ra tổ chức thu mua. Nếu khôi phục lại được các HTX Diêm nghiệp thì việc thu mua muối cho nông dân sẽ được thuận lợi hơn. Lâu nay, chúng tôi phải ký hợp đồng thu mua muối ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên để sản xuất, vì ở các địa phương đó chất lượng muối tốt hơn…

* Ông Lê Văn Thi, Trưởng phòng Chế biến nông - lâm sản và ngành nghề nông thôn (Sở NN-PTNT): Muốn nâng cao thu nhập cho diêm dân, đòi hỏi phải chuyển phương thức sản xuất muối từ quảng canh sang thâm canh để nâng cao chất lượng và năng suất muối. Năm 2001, Dự án mở rộng và nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng vùng muối Đề Gi được Bộ NN-PTNT phê duyệt với tổng số vốn gần 20 tỉ đồng với diện tích thực hiện 200 ha, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có kinh phí…

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)
Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định   (14/04/2004)
Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi  (13/04/2004)
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh   (02/04/2004)
Xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh  (01/04/2004)