Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống
10:7', 16/4/ 2004 (GMT+7)

Người yêu gốm, ai chẳng biết đến địa danh Cảnh Đức Trấn (Giang Tây - Trung Quốc) - thủ đô gốm sứ một thời, ai chẳng một lần muốn được thấy tận mắt, mân mê trong tay những tạo phẩm đại diện cho truyền thống gốm sứ Trung Hoa này. Cơ hội ấy đã đến, với triển lãm và bán gốm sứ mỹ nghệ Cảnh Đức Trấn (Giang Tây - Trung Quốc) tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Bình Định từ 1 đến 15-4.

Khách đến xem triển lãm

Hàng ngàn món, to nhỏ đủ cỡ, nhưng tựu trung lại thì cũng chỉ có khoảng 40 chủng loại khác nhau. Nào là những chiếc bình to, nhỏ, những bức tranh tường với đủ loại truyện tích Trung Hoa đã từng được nghe qua, những chậu cảnh, bể cá, những bộ đồ trà đủ loại, cả tượng tròn và tất nhiên, không thể không kể đến những đồ dùng trong nhà vốn luôn hấp dẫn các bà nội trợ: liễn, ấm, chén… Cái to thì chất ngất ngay từ cửa một đôi độc bình, giá chừng đâu vài ba triệu; hay như chiếc bình phong bằng gốm khá hoành tráng, choán hẳn một góc phòng, giá cũng tới chục triệu. Nhỏ thì như cái chén, cái liễn, rồi cả những con giống bé xíu xiu, giá đâu chỉ vài chục ngàn, thậm chí vài ngàn đồng. Tùy theo kích cỡ, kỹ thuật, nước men mà giá cả được gia giảm, nhưng nhìn chung, có những đồ dành cho các gia đình khá giả trưng nơi phòng khách, lại có những vật nho nhỏ gọi là mua để làm kỷ niệm…

Cũng cần nói thêm là trước đây, vào tháng 1-2003, những mặt hàng này của gốm sứ Cảnh Đức Trấn đã có mặt ở Bình Định trong Hội chợ - triển lãm Bình Định tiềm năng và hội nhập với một gian hàng vào loại quy mô nhất. Như vậy đây là lần thứ hai gốm sứ Cảnh Đức Trấn đến với người Bình Định.

Cảnh Đức Trấn vốn nổi danh từ đời Đường và đến thời Tống thì được xem là thủ đô của đồ sứ, trong đó, đồ sứ xanh đã đạt đến một bước phát triển lớn, nổi tiếng thiên hạ. Đầu thế kỷ XVIII, Cảnh Đức Trấn có trên một triệu dân phu làm đồ sứ, với khoảng ba ngàn lò chánh thức. Riêng lò ngự chế là một cơ quan khổng lồ, có sự phân công chặt chẽ và có trật tự. Một món đồ sứ làm ra phải chuyền qua bảy chục người chuyên môn. Có những trại riêng biệt chuyên về chạm, chạm nổi, chạm sâu, hạ cát, hạ láng, móc khoét đục hồi văn bên này thấu qua bên kia, có ê kíp chuyên mạ vàng, viết hiệu… Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), sau mấy năm ngắt quãng, nghề gốm sứ nhanh chóng phục hồi và phát triển.

(Theo Khảo về đồ sứ Trung Hoa của Vương Hồng Sển)

Ngoài Bình Định, từ năm 2000 đến nay, gốm sứ Cảnh Đức Trấn đã triển lãm ở nhiều tỉnh khác, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và thu hút được một lượng khách đến xem và mua hàng đáng kể. Theo ông Trần Kiến Hoa, Trưởng đoàn triển lãm gốm sứ Cảnh Đức - Giang Tây, thì "mặc dù so với các tỉnh khác, lần triển lãm trước ở Bình Định, lượng khách đến xem không nhiều bằng và lượng hàng bán ra cũng thấp hơn nhưng chúng tôi vẫn quyết định tổ chức triển lãm tại Bình Định lần này, vì ngoài mục tiêu bán hàng, còn có một mục đích khác không kém phần quan trọng là giới thiệu về nghệ thuật gốm sứ Trung Hoa với người Việt Nam. Qua đó, góp phần vào sự giao lưu văn hóa giữa hai nước".

Cái hấp dẫn ở triển lãm này, theo cảm nhận của chúng tôi, không nằm trong sự độc đáo, đặc sắc của từng món hàng, mà chính là ở sự phong phú về số lượng và đa dạng trong từng chủng loại hàng. Bởi thật ra, những sản phẩm này là những đồ dân dụng, được sản xuất hàng loạt, với số lượng nhiều. Tuy vậy, chính ngay từ những sản phẩm như vậy, toát lên sự tinh xảo trong kỹ thuật chế tác và nước men, và nói với ta nhiều điều về bề dày truyền thống gốm sứ Trung Quốc. Thêm nữa, sắc men đa dạng, từ men ngọc, men xanh rất đặc trưng, đến men hồng, men màu… Đề tài trang trí được vẽ, in trên từng sản phẩm cũng rất phong phú, từ những truyện tích truyền thống, phản ánh một cách sống động đời sống sinh hoạt của con người, rồi hoa văn dây cúc, hoa phù dung, hoa sen… có đủ. Cái ấn tượng đọng lại rõ nhất trong mỗi người, sau khi xem một vòng quanh triển lãm, là sự thán phục trước kỹ thuật chế tác, sự tinh xảo trong từng nước men, nét vẽ.

Dẫu vậy, với riêng người viết bài này, sau khi dạo một vòng quanh những sản phẩm gốm sứ đa dạng, tinh xảo với những nước men hào nhoáng nhường ấy, tự nhiên lại thấy quý hơn cái ấm đất, cái lọ độc bình với sắc men dung dị, chắc khỏe, có đôi khi tưởng như đơn sơ, vụng về, nhưng lại chứa đựng một tâm hồn chắc nịch khó tả của gốm Việt hơn lúc nào. Mỗi truyền thống, ẩn chứa một nét độc sáng riêng, thật đáng trân trọng.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Muối đắng…   (15/04/2004)
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)
Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định   (14/04/2004)
Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi  (13/04/2004)
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)
Hội đã làm cho phong trào lớn mạnh   (02/04/2004)