Đề Gi - ước vọng khơi xa
16:13', 16/4/ 2004 (GMT+7)

Đến trước cửa Đề Gi, anh Lê Văn Thanh, Thôn trưởng thôn An Quang (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), nói: "Nếu tập hợp cho đủ các ghe thuyền của An Quang đã đủ kín cả cái cửa biển này. Nhưng ở thời điểm này, người Đề Gi đang ngược xuôi cùng những chuyến khơi xa cả…".

* Đổi thay ở một vùng biển

             Một góc Đề Gi

Đường vào trụ sở xã Cát Khánh, chúng tôi đi ngang qua chợ Đồng Lâm. Ngôi chợ được xây dựng từ năm 1997, có khuôn viên chừng 10 ngàn m2 này trông thật sầm uất so với quy mô một ngôi chợ quê. Anh Bình, một người dân Cát Khánh đang dừng xe trước cửa chợ cho chúng tôi biết, mỗi phiên chợ như thế này thu hút hàng ngàn người, từ các xã lân cận về buôn bán. Thậm chí nhiều tiểu thương từ phía Mỹ Thành, Mỹ Lợi... cũng theo đò ngang qua Cát Khánh trao đổi hàng hóa. Trước mắt chúng tôi, khu vực quanh chợ, nằm dọc hai bên đường đi vào trung tâm xã đã ra dáng một phố thị. "Hồi trước, ở đây hãy còn là một bãi đất trống. Nhưng khi được xã quy hoạch lại thì nên dáng nên hình vầy đó" - anh Bình nói.

Bất ngờ trước chợ Đồng Lâm, nhưng đến thôn An Quang nằm ngay bên cửa Đề Gi, tôi lại càng bất ngờ hơn với khung cảnh sôi động nơi đây. Thôn biển nhỏ mà trông như một thị trấn. Hai bên đường, lô nhô hàng quán, cùng những ngôi nhà mái bằng, mái vẩy hãy còn nguyên mùi sơn mới. Những con đường dọc ngang hầu hết đã được bê tông hóa hay cấp phối, khang trang, sạch đẹp. Người dẫn đường cho chúng tôi, anh Nguyễn Đức Khánh, phụ trách hải sản xã Cát Khánh, thì vui vẻ: "Cũng phải thôi, vì cái thôn An Quang này đã chiếm tới 1/3 dân số toàn xã. Còn nếu nói về lượng ghe, thuyền thì chiếm tới 2/3 tổng lượng ghe thuyền toàn xã. Mà trong khi, nghề cá đang trở thành một ngành kinh tế cho thu nhập khá của Cát Khánh".

Đặc biệt, từ năm 2001, khi Nhà nước xây dựng cầu cảng của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở cửa Đề Gi, ghe thuyền các nơi ghé tiếp thêm dầu, mua lương thực, bán cá… sôi động cả một vùng biển. Anh Lê Văn Thanh cho biết thêm: "Đời sống khá đã đành, cái mừng nhất là nhận thức của ngư dân quê tôi đã có chuyển biến rõ rệt. Người dân đã bắt đầu có ý thức quan tâm đến việc học cho con cái mình. Chẳng hạn, chỉ riêng thôn An Quang không thôi đã từ 40 đến 50 người đã và đang học đại học".

* Đầu tư mạnh, làm ăn lớn

Nghề đóng ghe thuyền ở Cát Khánh đang phát triển mạnh

Nói như anh Khánh, "Chỉ nhìn vào sự sầm uất của An Quang không thôi cũng đủ nói lên sự phát triển của nghề đánh bắt hải sản của Cát Khánh". Xã Cát Khánh hiện có đội tàu thuyền vào loại khá đông đúc. Toàn xã hiện có 397 chiếc ghe thuyền đủ loại, với tổng công suất lên tới 1.550 CV. Trong đó, 92 chiếc đang hành nghề vây rút chì, 255 chiếc nghề câu và 50 chiếc làm nghề khác, chủ yếu là câu tôm hùm giống, lưới cảng tại địa phương. Năm 2003, toàn xã đánh bắt 4.200 tấn, mức thu nhập bình quân đạt 3.750.000 đồng/người/năm.

Nếu trước năm 1995, số ghe thuyền của xã phát triển nhanh thì từ năm 1998 trở lại đây, tuy số lượng không tăng nhiều nhưng công suất lại tăng nhanh do việc người dân đầu tư cải hoán phương tiện rất nhiều. "Có vậy, người ta mới ra làm ăn khơi xa, góp mặt với sóng nước được" - anh Khánh giải thích. Đầu tư mạnh, nâng cấp phương tiện, nghề cá đang giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân trong xã. Cả xã tuy chỉ khoảng 500 hộ có ghe, nhưng số hộ tham gia nghề đánh bắt hải sản lên tới 870 hộ. Anh Thanh cho biết: "Trên thực tế, lực lượng lao động tại chỗ không đủ, nghề này còn thu hút thêm người đi bạn từ các địa phương lân cận. Anh tính, một chiếc ghe làm nghề vây chẳng hạn, ít ra cũng cần trên chục lao động/ghe, còn như nghề câu ít ra phải 6 lao động/ghe".

Ghé thăm nhà ông Ngô Hồng Tịnh, trước mắt chúng tôi, một chiếc ghe mới đang thành hình. Ông Tịnh cho biết, đây là chiếc ghe thứ hai của ông. Một chiếc ghe khác của gia đình ông, công suất khoảng 80CV, hiện đang đánh bắt khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ghe của ông thu hút trên chục lao động đi bạn, bình quân mỗi lao động thu nhập khoảng 800.000 đồng/tháng. Còn chiếc ghe mới đang đóng này, có công suất khoảng hơn 90CV. Ông Tịnh nói: "Tui đầu tư vô đây mất 800 triệu rồi". Rồi ông giải thích thêm: "Hồi trước, làm lưới vây đơn giản lắm. Nay phải đầu tư đến tiền tỷ mới gọi là có hiệu quả. Đã chấp nhận gắn bó với nghề này thì phải mạnh dạn đầu tư thôi".

* Và ước vọng khơi xa

Tôi hỏi: "Tiền đâu mà ngư dân đầu tư dữ vậy?". Ông La Mến, một ngư dân, cười: "Thì phải nợ thôi. Làm cái nghề này mấy ai rảnh được nợ. Một trăm hộ thì may lắm chỉ có khoảng 10 hộ tạm gọi là rảnh nợ chứ mấy". Ông Mến làm nghề biển từ năm 15 tuổi. Nay, tuổi ngoài 50, ông vẫn còn xốc vác với việc chỉ đạo con cháu làm nghề. "Cái nghề này mà, nó ăn vào người mình rồi, nằm ngủ cũng mơ thấy biển" - ông giải thích cho cái sự say nghề của mình vậy. Chẳng vậy mà năm 2000, từ một chiếc ghe nhỏ, ông dám bỏ ra cả tỷ bạc để đóng chiếc ghe công suất 90CV. Điều đáng nói hơn là đầu tư như vậy nhưng Nhà nước chỉ cho ông vay vỏn vẹn 50 triệu. "Số còn lại tui phải vay chung quanh. Lãi trả mệt nghỉ. Nhưng cũng may là vừa cật lực làm, nên trả gần hết, nay còn đâu chừng 100 triệu".

Anh Nguyễn Đức Khánh nói hộ cái ước mong của bà con: "Hiện nay, nhu cầu vốn để cải hoán phương tiện rất lớn. Mỗi ghe, thuyền có nhu cầu vay khoảng một, hai trăm triệu để cải hoán phương tiện hoặc đóng mới vỏ ghe. Mà cũng nói thật, nhu cầu vay đóng mới cũng có, nhưng Nhà nước cũng chẳng dám cho vay chừng ấy đã đành mà người dân cũng không dám vay. Phần lớn họ tự tích cóp được ít nhiều rồi mới vay thêm. Nếu Nhà nước có chính sách cho vay cải hoán phương tiện thì sẽ rất hiệu quả. Và ghe thuyền Cát Khánh lại thêm lực để vươn ra khơi xa".

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống   (16/04/2004)
Muối đắng…   (15/04/2004)
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)
Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định   (14/04/2004)
Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi  (13/04/2004)
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)
Vụ hè thu trước nguy cơ thiếu nước sản xuất   (04/04/2004)
Giao thương trên mạng - Lợi thế của doanh nghiệp   (04/04/2004)